Bất bình đẳng và thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo
Cụ thể, người giàu nhất Việt Nam có thu nhập trong 1 ngày cao hơn thu nhập của người nghèo nhất Việt Nam trong 10 năm cộng lại. Thu nhập trong một năm của nhóm 210 người siêu giàu ở Việt Nam dư sức để đưa 3,2 triệu người thoát nghèo, chấm dứt tình trạng nghèo cùng cực trên cả nước…
Bất bình đẳng kinh tế đi kèm với bất bình đẳng về tiếng nói và cơ hội, khiến nhóm nghèo nhất bị “lề hóa” khi lợi ích tập trung vào nhóm giàu. Việc không được tiếp cận với các dịch vụ công như y tế và giáo dục do thu nhập thấp và bị phân biệt đối xử đang làm kìm hãm sự tiến bộ của nhóm hộ nghèo.
Bà Babeth Ngọc Hân Lefur, Giám đốc Quốc gia Tổ chức Oxfam tại Việt Nam cho rằng, nghèo đói và bất bình đẳng không phải là vấn đề tất yếu. Mô hình kinh tế của Việt Nam thời kỳ sau Đổi Mới đã rất thành công trong việc tạo ra mức tăng trưởng cao, trong khi vẫn giúp phần lớn người dân Việt Nam thoát nghèo và có cuộc sống khá giả hơn.
Tuy nhiên, khung chính sách hiện hành chưa đủ để giải quyết các dạng bất bình đẳng đang ngày càng phổ biến trong xã hội Việt Nam, như bất bình đẳng theo vùng, giữa các giới và nhóm dân tộc, và các dạng chênh lệch về tiếng nói và cơ hội.
“Để ngăn chặn nghèo và giảm nghèo mạnh hơn nữa, Chính phủ cần nhìn nhận tất cả các dạng bất bình đẳng về kinh tế và cơ hội đang gia tăng tại Việt nam và có các biện pháp chính sách để giảm bất bình đẳng. Nếu không, những người nghèo nhất, và những người thiệt thòi, sẽ không được hưởng lợi từ thành quả phát triển kinh tế” - Bà Lefur khuyến nghị.
Cùng ngày, Oxfarm cũng phát động chiến dịch chống bất bình đẳng tại Việt Nam với tên gọi: “Thu hẹp khoảng cách”. Chiến dịch này nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về tình trạng bất bình đẳng và đóng góp vào việc xây dựng các chính sách giải quyết bất bình đẳng. Chiến dịch sẽ diễn ra từ 2016-2019.