Ánh sáng từ những “tour đêm”
Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) vừa đưa vào khai thác, tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám "Tinh hoa đạo học". Cụ thể, tour đêm "Tinh hoa đạo học" chính thức vận hành thử nghiệm, với sự tham dự của đông đảo các doanh nghiệp lữ hành từ tối 22/10 vừa qua.
Việc tổ chức tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám nhằm phát huy giá trị đặc trưng về đạo học của Khu di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám, thu hút khách đến tham quan, trải nghiệm di tích về đêm và làm phong phú sản phẩm du lịch Hà Nội. Đây là tour đêm thứ 4 của Hà Nội được tổ chức, sau tour đêm của di tích Nhà tù Hỏa Lò, Hoàng thành Thăng Long và Bảo tàng Văn học Việt Nam.
Tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám mang đến cho du khách những trải nghiệm mới, khác biệt so với việc tham quan di tích ban ngày. Cả không gian di tích được “biến hóa” bởi hệ thống ánh sáng và công nghệ 3D Mapping tạo nên một diện mạo mới, lung linh, huyền ảo và mang lại nhiều cảm xúc cho khách. Những công trình đặc trưng của di tích như: Khuê Văn Các, Vườn bia Tiến sĩ, giếng Thiên Quang, khu Bái đường... được khai thác hiệu quả trong việc chuyển tải những giá trị, ý nghĩa của đạo học.
Du khách đến với tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám "Tinh hoa đạo học" |
Khu vực Khuê Văn Các cũng sẽ trở thành nơi trình diễn âm nhạc truyền thống. Đặc biệt, show trình chiếu Mapping 3D theo chủ đề “Tinh hoa đạo học” tại khu Thái học giúp cho khách tham quan khám phá những giá trị tinh túy nhất trong đạo học của người Việt. Tất cả cùng hòa quyện tạo nên một bữa tiệc của ánh sáng, âm thanh và cảm xúc.
Trước đó, Bảo tàng Văn học Việt Nam cũng đã phối hợp tổ chức lễ ra mắt tour du lịch Văn học “Chữ Tâm, chữ Tài”. Tour du lịch này mang đến cho du khách những cảm nhận về sự đặc sắc của văn học Việt Nam qua các thời kỳ văn học Cổ – Trung đại đến nay, điểm đến của những người yêu thích văn chương. Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ - Giám đốc Bảo tàng Văn học Việt Nam cho biết, Bảo tàng Văn học là nơi lưu giữ những kỷ vật, tác phẩm, câu chuyện vô cùng đặc biệt, quý giá của nhiều thế hệ nhà văn, nhà văn hóa lớn của dân tộc Việt Nam. “Làm thế nào để giá trị văn hóa, văn học đó lan tỏa rộng rãi đến với công chúng, đặc biệt hơn cách mà lâu nay những người yêu văn chương vẫn thể hiện là đến ngắm nhìn hàng nghìn hiện vật và nghe thuyết minh. Chúng tôi rất trăn trở mong mọi người sẽ tiếp cận Bảo tàng Văn học thêm một cách mới. May mắn, chúng tôi được sự hỗ trợ quý báu của nhiều người yêu văn học, đặc biệt là Công ty Du lịch Bền vững VIETNAM S.T.I.D đã đồng hành để cùng biến những ước mơ thành hiện thực. Thông qua tour du lịch mới này, Bảo tàng Văn học Việt Nam mong muốn tiếp cận gần hơn với du khách. Qua đó biến đây thành địa chỉ quen thuộc của những người yêu văn chương và du khách”, bà Huệ chia sẻ.
Rõ ràng, việc tạo thêm những sản phẩm du lịch để thu hút và giữ chân du khách đến và sống với Hà Nội là điều cần thiết. Bởi nhiều du khách vẫn than rằng, Hà Nội ở lâu không biết chơi đâu. Bên cạnh đó, ngành du lịch Hà Nội cũng chưa biết tận dụng lợi thế để có các sản phẩm du lịch cho khách du lịch mua sắm.
Tín hiệu chung, đáng mừng là tour du lịch “Chữ Tâm, chữ Tài” đã được nhiều người đón nhận, du khách đến với Bảo tàng Văn học Việt Nam nhiều hơn. Theo nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, tour du lịch văn học “Chữ Tâm, chữ Tài” có những cách kể, cách tiếp cận văn chương khác biệt để những di sản văn chương đến gần với công chúng, sống trong đời sống đương đại. Hiện vật trưng bày, những nhân tài văn chương đất Việt hội tụ tại bảo tàng đã được sáng tạo thành sản phẩm du lịch thu hút du khách và ươm mầm tài năng văn học trẻ. Ngoài những tour tại bảo tàng, trong thời gian tới, Bảo tàng Văn học Việt Nam dự kiến tổ chức các chương trình du lịch chuyên đề kết nối với quê hương các tác giả, nhân vật, địa điểm.
Còn với tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám được “biến hóa” bởi hệ thống ánh sáng và công nghệ 3D Mapping đang hứa hẹn thu hút du khách. Ông Phùng Quang Thắng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho rằng, công nghệ mới gây sự háo hức cho mọi người khi sử dụng Mapping 3D trên nền kiến trúc của di sản. Tour đã chuyển tải được một số nội dung tốt nhưng cần hướng dẫn khách trải nghiệm để hiểu câu chuyện. Trong show trình chiếu Mapping 3D cần kéo dài hơn và khi khách thực hiện xong hành trình tham quan, tour nên có một trải nghiệm để tạo ấn tượng, có thể cho khách tham gia trò chơi mang tính du lịch.
Cũng theo ông Thắng, trước đây nhiều điểm đến thường phục vụ khách kiểu một chiều, nghĩa là du khách tự đến và tìm hiểu di tích. Còn bây giờ, muốn thu hút khách phải kết hợp với các đơn vị lữ hành để đưa khách đến. Tuy nhiên, dù đóng vai trò kết nối giữa khách du lịch và điểm đến nhưng rất ít doanh nghiệp lữ hành có thể hợp tác để xây dựng sản phẩm. Một phần do vấn đề khai thác bản quyền bởi sản phẩm du lịch mang tính “mềm”, khó định giá nên rất khó để kiểm soát. Hơn nữa, việc xây dựng một sản phẩm tại di tích đòi hỏi phải bỏ nhiều công sức và kiên trì mới có thể hái “quả ngọt”. Vì thế, nhiều doanh nghiệp ngại xây dựng những sản phẩm ra tấm ra món. Chỉ có những doanh nghiệp thực sự tâm huyết mới phối hợp lâu dài với các di tích.
Để tạo hiệu quả cao cho tour đêm, ông Nguyễn Quốc Hùng - Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội cho rằng, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cần có sự dẫn dắt khách để có sự tập trung và có sự liên kết nhau giữa các khu vực. Với show trình diễn cần giới thiệu chủ đề đạo học ngay ban đầu để khách nắm bắt được tư tưởng của show, thay vì giới thiệu ở phần cuối.