Áp dụng Basel II: Tiệm cận chuẩn mực quốc tế
Hoàn thành sớm Basel II, ngân hàng tiến đến Basel III | |
Nỗ lực lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng |
Xu thế tất yếu
Không những vậy, áp dụng các tiêu chuẩn Basel là yêu cầu tất yếu đối với các ngân hàng Việt Nam, nhằm nâng cao năng lực quản trị rủi ro, đảm bảo an toàn cho hoạt động kinh doanh trước những biến động khó lường của thị trường tài chính đồng thời tăng khả năng cạnh tranh với các ngân hàng trong khu vực và trên thế giới, cũng như thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo nhận xét của TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, áp dụng Basel như một thước đo sức khoẻ tài chính, quản lý rủi ro và nâng tầm vị thế của các ngân hàng trong giới đầu tư.
Đi chậm hơn nhiều quốc gia lại phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức của nền kinh tế đang phát triển như hệ thống cơ sở vật chất, công nghệ và khả năng quản lý trong hoạt động ngân hàng còn kém xa so với các nước phát triển. Với xuất phát điểm như vậy, các ngân hàng Việt Nam sẽ phải tiếp cận chuẩn an toàn theo cách của riêng mình mà không nhất thiết phải đi theo trình tự Basel I, II, III.
Xác định tầm quan trọng của việc áp dụng chuẩn mực Basel, với vai trò cơ quan quản lý hoạt động ngân hàng, NHNN đã xây dựng khung pháp lý tạo điều kiện thuận lợi để các ngân hàng sớm áp dụng chuẩn mực quốc tế. Văn bản đầu tiên có quy định về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu là Quyết định 297/1999/QĐ-NHNN5 của NHNN Việt Nam quy định về các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của ngân hàng thương mại.
Tại quy định này, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu được xác định là 8% nhưng phương pháp tính đơn giản và chưa phản ánh chính xác tinh thần Basel I. Đến năm 2005, NHNN đã ban hành Quyết định 457/2005/QĐ-NHNN với tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu vẫn là 8% nhưng phương pháp tính toán đã tiếp cận tương đối toàn diện Base I. Năm 2010, NHNN ban hành Thông tư số 13/TT-NHNN thay thế Quyết định 457/2005/QĐ-NHNN, nâng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu lên 9% và phương pháp tính toán đã từng bước tiếp cận Basel II, chính thức có hiệu lực từ 1/10/2010. Tiếp đến, vào năm 2014, NHNN đã phê duyệt lộ trình triển khai thực hiện Basel, lựa chọn 10 ngân hàng trong nước triển khai thí điểm Basel II, tiến tới triển khai áp dụng Basel II đối với tất cả các ngân hàng trong nước gồm: Vietcombank, VietinBank, BIDV, VPBank, Techcombank, VIB, MSB, MB, Sacombank, ACB.
Đến năm 2016, NHNN đã ban hành Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định về tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo phương pháp tiêu chuẩn Basel II và chốt mốc thời gian các ngân hàng phải thực hiện là 1/1/2020. Thông tư 41 được đánh giá là khung khổ pháp lý cần thiết hướng dẫn các ngân hàng thực hiện đầy đủ các trụ cột của Basel II.
Tuy nhiên việc triển khai thực hiện chuẩn mực vốn Basel II là nhiệm vụ không hề dễ dàng đối với các ngân hàng, vì nó đòi hỏi kỹ thuật phức tạp, sự đầu tư lớn về tài chính, nguồn nhân lực… Vì vậy, để áp dụng Basel II, các ngân hàng buộc phải chuẩn bị kỹ lưỡng và tăng cường đầu tư cả về nhân lực, công nghệ lẫn chi phí vận hành để chuẩn hóa về quản trị rủi ro theo đúng chuẩn quốc tế - vốn khắt khe hơn nhiều so với tiêu chuẩn của Việt Nam. Định hướng là vậy, nhưng trong quá trình triển khai các ngân hàng đối mặt với nhiều khó khăn.
Khó khăn đầu tiên đó là chi phí triển khai lớn vì yêu cầu phải có các hệ thống phần mềm để tính toán CAR, các phần mềm quản lý rủi ro. Chưa kể, ở Việt Nam, hầu hết các ngân hàng đều phải thuê chuyên gia nước ngoài tư vấn hỗ trợ, hoạch định lộ trình thực hiện khiến chi phí triển khai đội lên khá nhiều. Đa phần các ngân hàng đánh giá tình hình dữ liệu chính là cản trở lớn nhất trong việc tính CAR vì quy định tính CAR theo Thông tư 41 phải chi tiết tới từng khoản vay của khách hàng, từng giao dịch. Nhiều trường hợp thông tin yêu cầu còn thiếu hoặc chất lượng rất thấp. “Độ dày” dữ liệu của hầu hết các ngân hàng chưa đủ mức tối thiểu là 5 năm mà chỉ dao động khoảng 3 - 4 năm. Điều mà giới chuyên môn cũng như bản thân các ngân hàng lo ngại nhất khi áp dụng Basel II đó là vấn đề tăng vốn.
Theo Basel II, tỷ lệ này cần đạt mức tối thiểu 8%, giảm 1% về mặt số học so với của Basel I, tuy nhiên việc tính toán lại phức tạp hơn. Nếu áp dụng theo cách tính của Basel II, CAR của các ngân hàng từ tiêu chuẩn Basel I có thể giảm từ 1-3%. Nếu không muốn rơi vào tình trạng “báo động đỏ”, ngân hàng chỉ có cách hoặc tăng vốn tự có hoặc là giảm tổng tài sản có rủi ro để nâng hệ số CAR.
Chủ động nhập cuộc, nâng tầm vị thế
Dù đối mặt với nhiều khó khăn khi triển khai Basel II nhưng các ngân hàng xác định triển khai chuẩn mực Basel II là giải pháp có tính chiến lược, thay đổi về chất, tạo nền tảng giúp cho hệ thống ngân hàng Việt Nam đầy đủ năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập. Chính vì vậy, các ngân hàng rất chủ động đề ra và nghiêm túc lộ trình áp dụng. Thực tế, các ngân hàng đều nhận thức rất rõ những lợi ích từ việc tích cực tuân thủ sớm Basel II.
Phó tổng giám đốc LienVietPostBank Bùi Thái Hà cho biết, chúng tôi luôn nhận thức việc áp dụng các chuẩn mực quản trị doanh nghiệp và quản trị rủi ro tiên tiến và minh bạch là một trong những nền tảng quan trọng nhất cho chiến lược phát triển bền vững; đồng thời phù hợp với định hướng của NHNN cũng như định hướng phát triển của ngân hàng. Nhận thức rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của triển khai Hiệp ước vốn Basel II, LienVietPostBank đã sớm bắt tay vào thực hiện theo lộ trình chiến lược được Hội đồng quản trị phê duyệt.
Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng chia sẻ, ngay từ thời điểm triển khai khung quản trị rủi ro mới vào năm 2013, ngân hàng đã bắt đầu triển khai thu thập dữ liệu, nghiên cứu soạn thảo, điều chỉnh bổ sung, cải tiến gần 30 quy trình/quy định liên quan đến công tác tín dụng, dữ liệu và quản trị rủi ro...
Sau một thời gian gấp rút chuẩn bị các điều kiện, vượt qua những khó khăn thách thức, đến cuối năm 2018, Vietcombank, VIB và OCB là 3 ngân hàng đã được NHNN trao quyết định thực hiện chuẩn mực an toàn vốn Basel II trước thời hạn. Đáng nói là OCB dù không thuộc danh sách 10 NHTM thí điểm song ngân hàng cũng đã chủ động nhập cuộc sớm áp dụng Basel II. Đó là nỗ lực rất lớn của các ngân hàng Việt Nam khi họ vừa bước ra khỏi cuộc đại phẫu lớn.
Đến thời điểm này đã có 18 ngân hàng được công nhận áp dụng chuẩn an toàn vốn theo Basel II, thậm chí trong số đó có nhiều ngân hàng đã đáp ứng cả 3 trụ cột của Basel II như VIB, VPBank, TPBank, HDBank, LienVietPostBank… Đáng nói, ngay trong giai đoạn khó khăn do tác động của dịch Covid-19, các ngân hàng vẫn nỗ lực đạt chuẩn Basel II và nhiều ngân hàng đã hoàn tất cả 3 trụ cột của chuẩn mực đầy áp lực này, thậm chí một số ngân hàng đã bắt tay xây dựng lộ trình để áp dụng Basel III.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, việc triển khai nghiêm túc chuẩn mực Basel II, giúp các ngân hàng Việt Nam tăng sức đề kháng, có sức khoẻ tốt hơn, kiểm soát tốt rủi ro hoạt động, tiếp tục kinh doanh hiệu quả. Sớm áp dụng đầy đủ chuẩn mực của Basel II, cao hơn là Basel III sẽ giúp ngân hàng nâng cao khẩu vị rủi ro, quản trị ngày càng tốt, đảm bảo sẵn sàng ứng phó với các cú sốc. Không những vậy còn cải thiện xếp hạng tín nhiệm, dẫn đến các chi phí huy động rẻ hơn, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Việc hoàn thành cả 3 trụ cột Basel II được đánh giá là tiền đề tốt và quan trọng để các ngân hàng Việt Nam phấn đấu sớm hoàn thành Basel III. Basel III đưa ra một số tiêu chí chặt chẽ hơn Basel II yêu cầu về vốn, tiêu chuẩn về tính thanh khoản nhằm mục tiêu nâng cao tính bền vững của hệ thống ngân hàng, góp phần ngăn ngừa những tổn thất hệ thống có thể xảy ra trong tương lai. Xác định tầm quan trọng của Basel III, với nền tảng tài chính được củng cố khá tốt trong thời gian qua, một số ngân hàng Việt Nam đã sớm nhập cuộc hướng tới chuẩn mực này.
Ông Bùi Thái Hà cho biết, LienVietPostBank kỳ vọng sớm hoàn thành Basel III vào năm 2021. Hiện ngân hàng đang trong quá trình làm việc với một số đơn vị tư vấn uy tín để lựa chọn kế hoạch và phương thức triển khai tối ưu nhất, nhanh nhất.
Xu hướng triển khai chuẩn mực quốc tế Basel II theo phương pháp nâng cao, Basel III tại các ngân hàng Việt Nam được dự đoán sẽ diễn ra mạnh hơn trong những năm tới. Bởi yếu tố tác động lớn đến việc áp dụng Basel III sớm hay muộn đó là nhận thức của các ngân hàng. Khi ngân hàng nhận thức càng tích cực, họ sẽ càng quyết tâm theo đuổi bằng nhiều hình thức để có đủ nguồn lực phục vụ cho công cuộc cải tổ hoạt động của ngân hàng mình, sớm đạt được mục tiêu.