ASEAN ngày càng trở thành một diễn đàn đa phương quan trọng
Ngày 17/10, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị tập huấn, cung cấp thông tin về tình hình và định hướng hợp tác ASEAN do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) chủ trì tổ chức. Hội nghị nhằm thông tin định hướng và làm phong phú nội dung tuyên truyền trên các báo, tăng cường hiểu biết cho người dân về hợp tác ASEAN, sự tham gia, đóng góp và hội nhập của Việt Nam và định hướng hợp tác ASEAN trong giai đoạn tiếp theo.
Theo ông Triệu Minh Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ TT&TT), ASEAN đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong các cơ chế hợp tác khu vực và toàn cầu, đóng vai trò trung tâm trong việc xử lý và giải quyết nhiều vấn đề của thế giới. Việt Nam dưới tư cách là một thành viên tích cực đã chủ động triển khai nhiều chương trình và sáng kiến hợp tác để nâng cao vai trò, vị thế của ASEAN nói chung cũng như vai trò của Việt Nam nói riêng, trong việc đóng góp vào sự phát triển thịnh vượng của khu vực và thế giới.
Đồng quan điểm, ông Trần Đức Bình, Vụ trưởng Vụ ASEAN (Bộ Ngoại Giao) cho biết, trong bối cảnh chung vai trò của ASEAN là vô cùng quan trọng, các đối tác đều khẳng định ASEAN là ưu tiên trong chính sách tại khu vực, ủng hộ vai trò trung tâm của tổ chức, cùng ASEAN triển khai hợp tác toàn diện, đẩy mạnh kết nối kinh tế, thương mại và đầu tư, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao…
Theo bà Nguyễn Việt Chi, Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách Thương mại Đa biên (Bộ Công Thương) thì sau 29 năm Việt Nam gia nhập, ASEAN đã trở thành một trong những diễn đàn đa phương quan trọng, gắn bó lợi ích nhất đối với Việt Nam.
Quang cảnh Hội nghị |
Một trong những điểm sáng về hợp tác của ASEAN đó chính là về kinh tế, mặc dù tình hình thế giới có nhiều bất ổn trong thời gian vừa qua. Bà Chi thông tin, theo thống kê của Ban kinh tế ASEAN, GDP của cả khu vực ASEAN đã tăng 4,1% trong năm 2023, cao hơn mức tăng trung bình của nền kinh tế thế giới là 3,1% với tổng giá trị GDP kết hợp đạt 3.860 tỷ USD và hiện là nền kinh tế đứng thứ 5 thế giới. Dự kiến ASEAN đạt mức tăng trưởng là 4,6 % trong năm nay và 4,7% trong năm 2025.
Tổng kim ngạch về thương mại của ASEAN trong năm 2023 đạt 3.560 tỷ USD với các đối tác thương mại lớn là Trung Quốc, Mỹ và EU.
Các số liệu trên cho thấy sức mạnh bền bỉ, hội nhập và động lực thúc đẩy hơn nữa dòng chảy thương mại đầu tư của ASEAN trong tương lai gần. Các nước trong khu vực đã hoàn thành 10 trên 14 sáng kiến kinh tế ưu tiên trong năm Lào làm nước chủ tịch ASEAN tập trung vào các định hướng lớn như: Hồi phục và kết nối các nền kinh tế; Kiến tạo tương lai tăng trưởng bền vững; Chuyển đổi sang một nền kinh tế số.
Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại Đa biên chia sẻ thêm, cộng đồng kinh tế ASEAN cũng rất quan tâm đến phát triển bền vững. Các nội dung về sáng kiến phát triển bền vững được đưa vào các chương trình nghị sự kinh tế bao gồm: Chiến lược trung hòa carbon; Hợp tác khung về kinh tế tuần hoàn, kinh tế biển xanh, phát triển nông nghiệp bền vững…
Ngoài ra, chuyển đổi số được các nước ASEAN coi là động lực tăng trưởng chủ yếu trong giai đoạn tới. Nhiều hoạt động hợp tác bên trong nội bộ của tổ chức về chuyển đổi số đáng chú ý có thể kể đến như: Hạ tầng số, an ninh mạng, phát triển các nền tảng số, Chính phủ số, 5G… Việt Nam cũng đã tham gia tích cực và dẫn dắt sáng kiến của ASEAN trong lĩnh vực này, đặc biệt nước ta đang đàm phán về Hiệp định kinh tế số ASEAN. Trong thời gian sắp tới, nhiều hoạt động quan trọng về hợp tác chuyển đổi số với ASEAN sẽ diễn ra tại nước ta, đơn cử như Tuần lễ số quốc tế thường niên với nhiều hội nghị về 5G, hợp tác phát triển hạ tầng số… do Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ngành với tổ chức.
Tầm nhìn của Cộng đồng ASEAN năm 2045 là “Tự cường, năng động, sáng tạo và lấy người dân làm trung tâm”. ASEAN đang thực hiện các cam kết về hội nhập quốc tế, hội nhập kinh tế sâu rộng và hợp tác hơn nữa trong các hoạt động thương mại nội khối, kết nối với các đối tác ngoại khối nhằm ứng phó và giải quyết các thách thức, tăng cường chuỗi cung ứng trong khu vực.