TP.HCM: Tìm chỗ cho người bán hàng rong
Câu chuyện vỉa hè | |
Tăng cơ hội tiếp cận tài chính cho người bán hàng rong |
Thí điểm 2 tuyến đường
Ông Trần Thế Thuận, Chủ tịch UBND Quận 1 TP. HCM đề xuất tổ chức thí điểm ba khu ẩm thực kinh doanh có thời gian nhất định trên hai tuyến đường và một công viên, nhằm bố trí nơi tập trung kinh doanh cho người lao động nghèo tại khu vực trung tâm quận 1.
Các giải pháp đặt ra cần tính tới cuộc sống người dân |
Theo đó, vị trí thứ nhất mà lãnh đạo UBND quận 1 đề xuất là đường Nguyễn Văn Chiêm với chiều dài 40 mét, vỉa hè rộng 5,8 mét. Tuyến đường này dự kiến sẽ dành cho 20 hộ kinh doanh với diện tích 2x2m/mỗi hộ từ 6 giờ đến 9 giờ sáng và từ 11 giờ đến 13 giờ trưa.
Vị trí thứ hai, dự kiến bố trí trên đường Chu Mạnh Trinh, nơi có chiều dài vỉa hè 120 mét nhưng chỉ có chiều rộng 3,4 mét cho 35 hộ kinh doanh.Vị trí thứ ba tại công viên Bách Tùng Diệp, có chiều dài vỉa hè 30 mét, rộng 8,5 mét, bố trí cho 15 hộ kinh doanh với diện tích mỗi quầy 2x2 mét với thời gian kinh doanh từ 6 giờ đến 9 giờ sáng.
UBND quận 1 cho biết sẽ không thu phí đối với các hộ kinh doanh trên vỉa hè ba tuyến đường này. Đồng thời sẽ tổ chức tập huấn an toàn vệ sinh thực phẩm, tập huấn kỹ năng buôn bán, phân loại rác tại nguồn cho các hộ kinh doanh.
Ông Thuận cho biết, quận 1 có tổng cộng 134 tuyến đường cần lập lại trật tự lòng lề đường. Trong khoảng hai tháng qua, quận đã tổ chức lập lại trật tự trên gần 100 tuyến và hiện còn lại khoảng 40 tuyến đường nữa cần làm trong thời gian tới. Theo đó, UBND quận 1 sẽ cho rà soát các tuyến đường khác có chiều rộng vỉa hè trên 3 mét để bố trí khu kinh doanh trên vỉa hè cho người dân nghèo của quận.
Đồng quan điểm, lãnh đạo UBND quận 4 cũng đề xuất UBND TP. HCM cho phép dành một phần vỉa hè đường Lê Văn Linh - Lê Quốc Hưng xung quanh khu vực chợ Xóm Chiếu. Lãnh đạo UBND quận này cho biết, đây là tuyến đường có đông người buôn bán lấn chiếm vỉa hè lề đường, thậm chí cả lòng đường. “Nếu cho họ buôn bán trên vỉa hè theo đúng quy hoạch thì sẽ quản lý được” lãnh đạo quận 4 khẳng định.
Sẽ tổ chức chợ phiên
Cùng với đó, lãnh đạo UBND quận 1 cũng trình UBND TP. HCM đề án thành lập chợ phiên cuối tuần tại công viên cảng Bạch Đằng. Theo đó, chợ phiên cuối tuần sẽ mở từ ngày thứ bảy và Chủ nhật. Dự kiến thời gian mở chợ phiên từ 10 giờ đến 22 giờ.
Theo đề xuất của UBND quận 1, chợ phiên sẽ có 120 gian hàng, với bốn khu vực chính gồm khu biểu diễn nghệ thuật, khu giới thiệu sản phẩm Việt Nam, khu ẩm thực và khu trò chơi dân gian, giải trí.
Các DN tham gia bán hàng cam kết sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không bán hàng giả, hàng nhái, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Các gian hàng sẽ được thu dọn trả lại mặt bằng trước 8 giờ sáng ngày thứ 2.
Theo ông Trần Thế Thuận, việc tổ chức chợ phiên cuối tuần tại công viên Bạch Đằng sẽ tạo điểm nhấn về du lịch cho thành phố, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng, phát triển nối dài phố đi bộ Nguyễn Huệ. Các hoạt động chợ phiên không ảnh hưởng đến hoạt động văn hóa, chính trị khu vực trung tâm thành phố. Ngoài ra, quận cũng sẽ có phương án đảm bảo an toàn cho người dân khi mua sắm tại khu vực cầu cảng, đặc biệt là khu vực gần bến sông.
Tuy nhiên, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM yêu cầu chợ phiên công viên Bạch Đằng không được thiết kế che lều bạt, ảnh hưởng đến cảnh quan mỹ quan khu vực quận 1. Đơn vị tổ chức cũng không xây dựng kiên cố gian hàng, hình thức kinh doanh các gian hàng chợ phiên đảm bảo văn minh, lịch sự, ưu tiên cho hàng Việt Nam.
Sở Giao thông Vận tải phối hợp với UBND quận 1 tổ chức lại giao thông khu vực này, đảm bảo hoạt động của bến cảng đón khách buýt đường thủy. Và tính toán kết nối phố đi bộ Nguyễn Huệ sang khu vực này vì hiện nay tuyến đường này giao thông rất đông.
Riêng các tuyến đường thí điểm cho người bán hàng rong và các hộ buôn bán vỉa hè quận 1, ông Tuyến bác đề xuất thí điểm trên tuyến đường Chu Mạnh Trinh vì cho rằng lề đường này rất hẹp phải để cho người đi bộ. Riêng hai tuyến thí điểm cho người dân kinh doanh trên vỉa hè hai đường Nguyễn Văn Chiêm và công viên Bách Tùng Diệp ông Tuyến nhấn mạnh việc kinh doanh trên vỉa hè chỉ mang tính chất tạm thời, về lâu dài vỉa hè là dành cho giao thông và người đi bộ.