Báo chí có cần là ngành kinh doanh có điều kiện?!
Báo chí cùng góp sức để nhân lên, lan toả những giá trị tốt đẹp | |
Cần tháo gỡ những nút thắt |
Trong số này, ngành nghề “kinh doanh sản phẩm báo chí” đang vấp phải nhiều ý kiến băn khoăn về việc có nên xếp vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện hay không.
Trước hết, cần phải khẳng định rằng Luật Báo chí 2016 không nhắc đến khái niệm “kinh doanh sản phẩm báo chí”, nhưng dự thảo luật này lại đưa “kinh doanh sản phẩm báo chí” vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Như vậy không thể lập luận là ngành nghề này được đưa vào danh mục để thống nhất với văn bản luật chuyên ngành điều chỉnh hoạt động báo chí. Vì vậy không rõ hoạt động kinh doanh này cần được hiểu như thế nào? Các điều kiện kinh doanh áp dụng ra sao?
Mặt khác, theo lập luận của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), với tư cách là luật gốc quy định về điều kiện kinh doanh, ngành nghề kinh doanh có điều kiện, thì việc xem xét để bổ sung hay bãi bỏ một ngành, nghề kinh doanh có điều kiện cần dựa vào tiêu chí quy định tại Điều 7 Luật Đầu tư, chứ không phải là vì các ngành, nghề này đã có trong các văn bản pháp luật chuyên ngành. Vì vậy, lý do để bổ sung các ngành, nghề này cần được đánh giá, giải trình lại theo hướng có liên quan tới các lợi ích công cộng cần bảo vệ theo Điều 7 Luật Đầu tư hay không.
VCCI cũng lưu ý rằng, chiếu theo định nghĩa hiện nay thì “kinh doanh sản phẩm báo chí” sẽ bao gồm rất nhiều ngành nghề, khiến danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện mở rộng hơn rất nhiều so với hiện nay. Bởi theo quy định tại khoản 7 Điều 3 Luật Báo chí 2016 thì “sản phẩm báo chí là ấn phẩm, phụ trương của báo in; nội dung hoàn chỉnh của báo điện tử; bản tin thông tấn; kênh phát thanh, kênh truyền hình; chuyên trang của báo điện tử”.
Chính vì vậy, “kinh doanh sản phẩm báo chí” sẽ là hoạt động kinh doanh với phạm vi rất rộng liên quan đến các sản phẩm trên và có sự chồng lấn với các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện khác, ví dụ “kinh doanh dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền”; “kinh doanh dịch vụ phát hành xuất bản phẩm”; “kinh doanh dịch vụ mạng xã hội”; “kinh doanh dịch vụ thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp”;… và có khả năng bao gồm với cả những hoạt động kinh doanh không nhất thiết phải kiểm soát bằng điều kiện kinh doanh, như buôn bán các loại ấn phẩm.
“Theo cách hiểu rộng như vậy, một ông dựng sạp bán báo ven đường, hay một ông bê chồng báo đi bán dạo có được quy vào kinh doanh sản phẩm báo chí hay không? Và như vậy có cần áp điều kiện kinh doanh vào những đối tượng này hay không? Nếu áp thì ai đủ sức kiểm tra điều kiện kinh doanh với tất cả các đối tượng này?”, một luật sư đặt vấn đề.
“Tóm lại, đề nghị Ban soạn thảo đánh giá và giải trình lại các lý do, căn cứ để bổ sung các ngành, nghề kinh doanh mới trong danh mục. Đồng thời, bỏ kinh doanh sản phẩm báo chí ra khỏi danh mục”, VCCI kiến nghị.
Theo các DN cung cấp dịch vụ, mặc dù trong khái niệm chỉ là kinh doanh báo chí nhưng phạm vi tác động sẽ rất rộng, trong đó có cả các lĩnh vực mà thời gian qua DN đã phải tranh cãi rất nhiều để cơ quan quản lý giảm bớt các điều kiện kinh doanh, chẳng hạn lĩnh vực xuất bản.
Một số năm vừa qua, tình hình xuất bản đã được nới rộng ra một chút, có nhà in tư nhân, nhà xuất bản tư nhân... nhờ việc cắt giảm các điều kiện về vốn đầu tư, thủ tục kiểm duyệt nội dung, quy định trình độ của người lãnh đạo quản lý… Nếu như sắp tới hoạt động này lại được đưa vào mục kinh doanh có điều kiện thì các NĐT trong ngành này lại phải tranh cãi, vận động chính sách lại từ đầu?
Bên cạnh đó, ông Trần Xuân Ngữ - Chủ tịch Hiệp hội DNNVV tỉnh Nam Định cho rằng, một số lĩnh vực như kinh doanh dịch vụ truyền hình trả tiền cần được tạo điều kiện để phát triển mạnh hơn do các DN cung cấp dịch vụ hiện nay đều có quy mô nhỏ và vừa. Nếu đặt thêm điều kiện kinh doanh cho lĩnh vực này thì sẽ bất lợi cho DN tư nhân. Nếu đơn vị Nhà nước sử dụng vốn nhà nước, có điều kiện đầu tư hạ tầng, giảm giá rẻ thì các DNNVV không thể cạnh tranh được.