Cần tháo gỡ những nút thắt
Cải cách thủ tục hành chính thuế giúp cải thiện môi trường kinh doanh | |
Dự thảo Luật DNNVV: Cần có một tư duy làm luật kiên định |
Theo Báo cáo của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch Đầu tư, trong tháng 11/2018, số DN được thành lập mới là 11.637 DN với số vốn đăng ký là trên 118 nghìn tỷ đồng, tăng 6,5% về số DN và tăng 7,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. Trong năm 2018, cả nước có 121.248 DN thành lập mới với số vốn đăng ký là trên 1,2 triệu tỷ đồng (tăng 4,5% về số DN và tăng 9,1% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017).
Vẫn còn nhiều bất hợp lý trong TTHC gây khó cho DN |
Tuy nhiên, theo đánh giá của các DN, trong quá trình triển khai thực tiễn, bên cạnh những hiệu quả đạt được, một số quy định trong Luật DN sửa đổi, bổ sung và Luật Đầu tư vẫn còn điểm bất cập, chưa thực sự rõ ràng và không phù hợp với thực tế. Sự mâu thuẫn giữa các văn bản pháp luật cũng còn gây vướng mắc cho DN và nhà đầu tư. Chính vì vậy cần phải sửa đổi để cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ các nút thắt đảm bảo mục tiêu tạo điều kiện tối đa cho sự phát triển của DN.
Ông Quách Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, trong quá trình thực thi các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh, đã có nhiều cải tiến nhưng còn nhiều thủ tục chưa hợp lý, chưa cụ thể, do đó cần phải sửa đổi để cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ rào cản còn gây khó khăn cho DN...
Trong thi hành Luật DN, có một số vướng mắc, như chưa có hướng dẫn về trình tự, thủ tục, điều kiện và cơ quan có thẩm quyền xác nhận vốn pháp định đối với một số ngành, nghề đòi hỏi phải có vốn pháp định như dịch vụ đòi nợ, kinh doanh bất động sản, cung cấp dịch vụ cảng hàng không... dẫn đến việc thành lập DN kinh doanh các ngành nghề này hầu như chưa thực hiện được.
Bên cạnh đó, còn là việc chưa tách biệt rõ giữa yêu cầu thành lập DN và yêu cầu về điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Đối với những ngành nghề này, Luật DN đã yêu cầu phải có một số điều kiện kinh doanh như bản sao chứng chỉ hành nghề của người quản lý và xác nhận về vốn pháp định tại thời điểm đăng ký thành lập DN. Quy định nói trên hiện không còn hợp lý, gây khó khăn, tốn kém không cần thiết cho việc thành lập DN.
Theo ông Quách Ngọc Tuấn, Luật DN cần cải cách mang tính đột phá hơn nữa thì mới có thể đảm bảo được quyền tự do kinh doanh, khơi dậy và phát huy được các nguồn lực trong xã hội để đưa vào kinh doanh.
Trong quá trình hội nhập và phát triển kinh tế - xã hội, việc cải cách các thủ tục hành chính nói chung và lĩnh vực đầu tư kinh doanh nói riêng là một việc hết sức cấp thiết, giúp tăng các cơ hội mới về thương mại, đầu tư của DN trong nước.
Luật sư Phùng Quang Đê, Giám đốc Công ty Luật TNHH quốc tế Phùng Nguyên chia sẻ, hàng năm ở nước ta có khoảng 10 Bộ luật được thông qua, khoảng 100 nghị định được ban hành và có đến 600 -700 thông tư được ra đời. Luật và nghị định thì ít thay đổi, nhưng thông tư thì thay đổi liên tục đem lại rất nhiều rủi ro cho DN. Với các DN kinh doanh những ngành nghề thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì luôn sợ “giấy phép con”. Những trở ngại này đang trở thành rào cản cho sự phát triển của các DN và nền kinh tế.
Trước những yêu cầu đổi mới sâu rộng nền kinh tế, chủ động hội nhập quốc tế, việc phải xây dựng một khung khổ pháp lý thống nhất về đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm hồ sơ và thủ tục, giảm thời gian và chi phí để nâng cao mức xếp hạng về năng lực cạnh tranh của môi trường kinh doanh... là rất cần thiết. Để phù hợp hơn với thực tiễn, rất cần những sửa đổi, bổ sung nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh vì sự phát triển của cộng đồng DN.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, hiện chúng ta có quá nhiều Luật chuyên ngành và các luật này thường chồng chéo lên nhau.
Ví như vấn đề cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và giấy phép thành lập DN. Để đồng bộ thì bản thân Luật DN không thể sửa đổi đơn lẻ được, mà các Luật chuyên ngành khác cũng phải thay đổi cho phù hợp, có như vậy khi Luật DN sửa đổi đi vào thực tế mới phát huy được hiệu quả.
Điều này nhằm tránh sự chồng chéo giữa các đạo luật, góp phần tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng cho các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài…