"Bão giá" sẽ là rào cản phục hồi kinh tế
Do tình hình thế giới có nhiều biến động, đặc biệt là cuộc xung động giữa Nga-Ukraine ngày càng leo thang căng thẳng, thời gian qua, giá xăng dầu liên tục lập đỉnh mới. Mới nhất, trong kỳ điều hành ngày 23/5, liên Bộ Tài chính - Công Thương đã quyết định tăng giá xăng và giảm giá dầu. Cụ thể, xăng E5 tăng 680 đồng/lít, giá bán là 29.630 đồng/lít. Xăng RON95 tăng 670 đồng/lít, giá bán là 30.650 đồng/lít.
Việc giá xăng tăng kéo theo chi phí logistics, nguyên phụ liệu và vận hành nhà máy tăng thêm khiến doanh nghiệp vừa “gượng dậy” sau 2 năm đại dịch Covid-19 hoành hành đã tiếp tục “lao đao” với mục tiêu phục hồi.
Ngành vận tải "kêu trời" vì cơn bão giá xăng |
Ngành vận tải “kêu trời”
Trong các đợt bùng phát dịch Covid-19 tại nhiều tỉnh, thành, các doanh nghiệp vận tải là một trong những khối ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, nhiều hãng vận tải lớn đã buộc phải dừng hoạt động.
Bước sang giai đoạn bình thường mới, ngành vận tải đã từng bước phục hồi và nhanh chóng lấy lại được “phong độ”, lượng khách ngày càng gia tăng, riêng dịp lễ và cuối tuần, nhiều hãng còn quá tải. Tuy nhiên, “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, ngành vận tải tiếp tục phải chống chọi thêm một “cơn bão mới” là “bão giá nhiên liệu” do ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga và Ukraine.
Theo phân tích của các chuyên gia, thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt trước căng thẳng xung đột giữa Nga và Ukraine, dự báo mức tăng giá xăng dầu sẽ không chỉ dừng lại ở mức tăng thời điểm này. Trong khi, dự trữ xăng dầu tại nhiều nước giảm và nhu cầu xăng dầu tăng khi các nước triển khai các biện pháp phục hồi kinh tế.
Đại diện một hãng vận tải nhận định, giá xăng, dầu tăng phi mã như hiện nay sẽ đẩy chi phí hoạt động của các nhà xe lên cao, nếu không sớm có biện pháp sẽ khiến doanh nghiệp tiếp tục rơi vào khó khăn. Nếu giá nhiên liệu giữ ở mức cao và kéo dài, các đơn vị vận tải sẽ buộc phải điều chỉnh tăng giá cước, ảnh hưởng khá lớn đến hành khách đi xe và nhà xe.
Trong khi đó, đối với hoạt động logistics đường bộ, chi phí nhiên liệu chiếm lớn nhất, vào khoảng 35 - 40% chi phí vận hành các loại xe container, xe tải nặng, chưa kể phí BOT và nhiều loại thuế phí khác. Trong khi hợp đồng vận tải thường kỳ theo tháng, quý, thậm chí theo năm căn cứ vào giá nhiên liệu ước đoán đầu năm. Với các kỳ điều chỉnh liên tục gần đây, nhiều doanh nghiệp vận tải ôm đầu “kêu trời” bởi bài toán cân đối kinh doanh. Doanh nghiệp có lượng tiêu thụ xăng dầu càng lớn sẽ lỗ càng nặng. Một số doanh nghiệp vận tải than phiền, dù tác động của hai “cơn bão” là ở quy mô khác nhau nhưng độ “sát thương” không kém khi phần lớn đều bị sụt giảm doanh thu nghiêm trọng.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho biết, vận tải hành khách đang trong giai đoạn khó khăn, khi giá xăng, dầu lại tăng nên để cân đối thu chi, doanh nghiệp vận tải sẽ phải điều chỉnh, tính toán mặt bằng giá cước mới. Giá cước tăng cao sẽ tác động đến giá cả hàng hóa, dịch vụ vì doanh nghiệp sản xuất sẽ phải tính vào cơ cấu giá thành.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải trong giai đoạn khó khăn hiện nay, ông Nguyễn Văn Quyền cho rằng, các cơ quan quản lý Nhà nước cần tiếp sức hỗ trợ, nhà xe đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, tăng cường kết nối giữa nhà xe và hành khách qua hình thức bán vé qua mạng, thanh toán điện tử, vé điện tử, cấp lệnh xe chạy điện tử.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường thanh kiểm tra, xử lý xe hợp đồng trá hình, xe dù đón khách ngoài bến để đảm bảo an toàn giao thông và tạo môi trường vận tải công bằng.
Doanh nghiệp buộc phải sản xuất cầm chừng khi giá xăng dầu tăng mạnh |
Cú đánh mạnh vào ngành sản xuất, bán lẻ
Giá xăng dầu tăng cao tác động đến ngành vận tải, logistics…đã gây ảnh hưởng đáng kể đến các khối ngành khác, đặc biệt là khối ngành sản xuất khi giá nguyên liệu đầu vào vì thế cũng bị đẩy lên cao.
Giám đốc một doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh thương mại nhập khẩu đa ngành cho hay, giá xăng dầu có ảnh hưởng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp vì hầu hết nguyên liệu đều phải nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa liên quan trực tiếp đến xăng dầu nên khi giá tăng dầu tăng mạnh sẽ khiến giá thành sản phẩm, chạm đến ngưỡng chịu đựng của doanh nghiệp. “Nếu diễn biến giá cả này tiếp diễn, có thể doanh nghiệp sẽ phải ngừng sản xuất hoặc hạn chế lưu thông hàng hóa”, đại diện này cho hay.
Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc Sản (Vissan) cho biết, từ cuối quí IV/2021, Vissan đã dự báo qua quý I năm nay giá nguyên liệu sẽ tăng 10-30% tùy mặt hàng. Nhưng lúc ấy chưa tính toán đến chuyện giá xăng tăng mạnh và liên tục như hiện nay. Tuy nhiên, với tình hình này doanh nghiệp chỉ có thể “gồng mình” chịu đựng chứ chưa thể tăng giá bán, vì sức mua hiện quá thấp.
Nhiều doanh nghiệp bán lẻ hiện cũng rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan” vì nhiều mặt hàng có nguy cơ phải tăng giá do giá đầu vào tăng nhưng chưa kể nói tăng là tăng ngay được.
Các doanh nghiệp này cho biết, nếu giá đầu vào tăng liên tục, buộc doanh nghiệp phải điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm. Khi đó khả năng cạnh tranh của sản phẩm ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu sẽ gặp nhiều bất lợi hơn, rủi ro của doanh nghiệp vì thế cũng tăng. Tuy nhiên, đây cũng là điều mà các doanh nghiệp không mong muốn trong bối cảnh hiện nay.
Ở nhiều lĩnh vực như phân bón, điện tử, vật liệu xây dựng, dịch vụ… giá cả đã rục rịch tăng lên từ 10 đến 30%, thậm chí có mặt hàng tăng tới 40% khiến cho doanh nghiệp, người tiêu dùng đứng trước áp lực của mặt bằng giá mới trên diện rộng.
Báo cáo mới đây của Bộ Công Thương cũng đặt ra lo ngại nhu cầu sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Theo đó, trong tháng 4 vừa qua, thị trường các mặt hàng thiết yếu không có biến động lớn về cung cầu, tuy nhiên do ảnh hưởng của xu hướng tăng giá trên thị trường thế giới nên giá một số mặt hàng trong nước tăng so với tháng trước. Nhiều doanh nghiệp đã buộc tăng giá bán sản phẩm khi đã quá ngưỡng chịu đựng.
Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, TS Nguyễn Bích Lâm cho rằng, Việt Nam cần phải có giải pháp để đảm bảo an ninh năng lượng, đặc biệt là dự trữ xăng dầu. “Dự trữ tốt sẽ giúp kinh tế Việt Nam không bị động trước diễn biến khó lường từ giá xăng dầu. Dự trữ xăng dầu của Việt Nam chỉ được khoảng 5-7 ngày là quá ít và tác động tiêu cực tới tăng trưởng và lạm phát”, ông Lâm cảnh báo.
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long cho biết, tác động tiêu cực của giá xăng dầu tăng cao không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, sản xuất của các doanh nghiệp vận tải hành khách mà còn tác động trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm, tăng giá hàng hóa trong khâu lưu thông, tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế. Đây sẽ là rào cản rất lớn cho nền kinh tế quốc gia trong bối cảnh kinh tế Việt Nam mới đang bước vào giai đoạn dần phục hồi.