Bảo hiểm xã hội tự nguyện: Người dân chưa “mặn mà”…
Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã triển khai chính sách BHXH tự nguyện. Đây chính là cơ hội giúp hàng chục triệu lao động không nằm trong diện BHXH bắt buộc được hưởng chế độ lương hưu. Tuy nhiên, cho đến nay, mặc dù đã qua triển khai được 5 năm nhưng số người tham gia BHXH tự nguyện vẫn còn… ở con số khiêm tốn. Nguyên nhân vì sao?
Theo nghiên cứu của Viện Khoa học Lao động và Xã hội thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2012, cả nước mới chỉ có trên 130.000 người lao động tham gia BHXH tự nguyện, chỉ bằng 1% tổng số người tham gia BHXH.
Thu nhập thấp khiến nhiều người dân không tham gia BHXH
Chị Đặng Thị Oanh, làm nghề buôn bán hàng quần áo ở Ngõ chợ Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội cho biết: tôi và nhiều người làm nghề tự do khác đều mong muốn khi về già, lúc không còn sức để lao động làm ra đồng tiền nữa thì hàng tháng sẽ được nhận một khoản lương hưu để “có chút tiền nuôi thân” trang trải cuộc sống hàng ngày, nhằm đảm bảo cuộc sống tốt hơn.
“Tôi và nhiều người làm nghề tự do ở Ngõ chợ đã cất công tìm hiểu chính sách và các quy định của BHXH tự nguyện, nhưng thấy các quy định như: thời gian đóng BHXH phải kéo dài tới 20 năm và thời gian đóng tăng dần. Như thế, sẽ rất khó để nhiều người dân như tôi tham gia vì không đủ tiền để đóng đúng thời hạn quy định, với lại sau 20 năm mới được hưởng… chẳng biết thế nào sau từng ấy năm”, chị Oanh cho biết thêm.
Nhiều ý kiến khác cho rằng, do phần lớn những người lao động tự do không có được thu nhập cao nên trung bình mỗi tháng chỉ kiếm được vài ba triệu, số tiền trên chỉ đủ chi tiêu cho cuộc sống hằng ngày nên không tham gia đóng bảo hiểm.
Anh Nguyễn Quang Sơn, làm nghề sửa chữa xe máy ở phố Tôn Đức Thắng, Đống Đa, Hà Nội bày tỏ quan điểm: đóng BHXH, số tiền được hưởng sau này cũng chẳng đáng bao nhiêu, trong khi đó, các chế độ đáng được hưởng như: đau ốm, bệnh tật lại không được hưởng. Do đó, nếu có tiền tôi sẽ tích lũy rồi gửi tiền tiết kiệm Ngân hàng để đề phòng lúc ốm đau, bệnh tật, khi có công việc gia đình chứ không tham gia mua bảo hiểm…
Trong khi đó, lý giải nguyên nhân về việc người dân chưa mấy “mặn mà” với việc tham gia BHXH tư nguyện, nhiều cán bộ trong ngành Bảo hiểm chia sẻ: nguyên nhân chính vẫn là do mức đóng BHXH tự nguyện hiện vẫn còn ở mức khá cao so với thu nhập của nhiều người dân vốn làm nghề tự do, đặc biệt là quá cao so với người nông dân “chân lấm tay bùn”.
Bên cạnh đó, các quy định như: chế độ được hưởng BHXH thì chỉ có hưu trí và tử tuất mà không được hưởng các chế độ ngắn hạn khác như: thai sản hay ốm đau.
Ngoài ra, những người tham gia BHXH tự nguyện bắt buộc phải đóng đủ 20 năm và đóng tiền từng tháng, kéo dài từng ấy thời gian mới được hưởng, điều đó khiến cho nhiều người dân “quay lưng” không tham gia BHXH tự nguyện.
Theo Bà Chu Ngọc Mai, Phó phòng Thu BHXH - BHXH Hà Nội thì thời gian tới, để BHXH tự nguyện thực sự thu hút được đông đảo người dân tham gia, chúng ta cần phải sớm có sự điều chỉnh để các quy định của luật pháp phù hợp với tình hình thực tế.
“Cần phải tuyên truyền sâu rộng Luật BHXH như: tuyên truyền về các chế độ, chính sách cho người tham gia BHXH tự nguyện, qua đó, giúp người tham gia BHXH tự nguyện thấy được lợi ích lâu dài của việc tham gia bảo hiểm…”, Bà Mai cho hay.
Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện: Người tham gia BHXH là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi đến đủ 60 tuổi đối với nam và từ đủ 15 tuổi đến đủ 55 tuổi đối với nữ, không thuộc diện áp dụng của pháp luật về BHXH bắt buộc, gồm: “Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 3 tháng; cán bộ không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn và tổ dân phố; người tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; xã viên không hưởng tiền lương, tiền công làm việc trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; người lao động tự tạo việc làm bao gồm những người tự tổ chức hoạt động lao động để có thu nhập cho bản thân; người lao động làm việc có thời hạn ở nước ngoài mà trước đó chưa tham gia BHXH bắt buộc hoặc tham gia BHXH bắt buộc nhưng đã nhận BHXH một lần; người tham gia khác.” |
Hoàng Bá