Bảo tồn nghề truyền thống gắn với du lịch
Thăng trầm nước mắm Nam Ô
Nằm dưới chân đèo Hải Vân hùng vỹ là làng nghề nước mắm Nam Ô, thuộc địa phận quận Liên Chiểu (TP. Đà Nẵng). Một làng nghề nên thơ, trải dài trên những bãi cát, ghềnh đá nhấp nhô. Nam Ô từng nổi tiếng với nghề làm pháo, nhưng giàu truyền thống và vang danh hơn lại là nước mắm Nam Ô, sản phẩm từng được dùng để tiến vua.
Theo các bậc cao niên trong làng, nghề làm nước mắm ở Nam Ô đã tồn tại và phát triển gần 400 năm. Đây là một trong số ít làng nghề nước mắm truyền thống còn tồn tại trên cả nước, nổi danh cả nước với hương vị đặc biệt, đậm đà thơm ngon với đặc trưng riêng. Kỳ công từ việc chọn nguyên liệu đến cách chế biến gia truyền đã tạo nên hương vị, đặc trưng cho nước mắm Nam Ô.
Nguyên liệu chính để chế biến nước mắm Nam Ô là những con cá cơm, được ngư dân đánh bắt ngay trên vùng biển địa phương. Người làm mắm sẽ chọn ra những con có kích thước vừa, không quá lớn hoặc quá nhỏ. Cá dùng để làm nước mắm không được rửa bằng nước ngọt để tránh tình trạng nhanh thối. Các chum muối cá thường được làm bằng gỗ mít, dưới đáy chum phải chèn sạn, chổi đót...
Muối để dùng làm mắm Nam Ô, bà con địa phương thường dùng loại muối hạt to ở Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), hoặc muối Cà Ná (Ninh Thuận). Những hạt muối này cũng phải cất trong chum 1 đến 2 năm, sau đó mới được dùng để muối cá. Đặc biệt, thứ quý giá nhất tạo nên thương hiệu nổi tiếng cho nước mắm Nam Ô chính là việc sản xuất hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, tỷ mỉ, gia truyền, không hề sử dụng hóa chất độc hại.
Mô hình du lịch cộng đồng ở làng nghề nước mắm Nam Ô |
Có truyền thống lâu đời, vang danh trên thị trường, nghề làm nước mắm từng góp phần để nhiều người dân ở Nam Ô có cuộc sống ổn định. Bên cạnh tiêu thụ trong nước, các sản phẩm nước mắm Nam Ô còn theo chân du khách thập phương vươn xa ra thế giới. Tôn vinh sản phẩm nghề truyền thống, nghề làm nước mắm Nam Ô đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Theo ông Huỳnh Văn Hùng - Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao TP. Đà Nẵng, đây là làng nghề nước mắm đầu tiên trên cả nước đón nhận vinh dự này. Nước mắm Nam Ô không chỉ là một món ăn, gia vị mà còn là một phần lịch sử, văn hóa, thể hiện bản sắc cộng đồng địa phương mà từng người dân và chính quyền thành phố đang nỗ lực gìn giữ.
Dù vang danh trong quá khứ, song cũng có thời điểm nghề làm nước mắm Nam Ô đứng trước nhiều khó khăn điêu đứng. Đó là khi trên thị trường xuất hiện ngày càng nhiều sản phẩm nước mắm công nghiệp, sản xuất theo dây chuyền, sản phẩm nhiều, giá thành rẻ. Trong khi đó, sản phẩm nước mắm được làm theo kiểu thủ công truyền thống như Nam Ô, giá thành luôn đội lên cao, lên đến 70-80 nghìn đồng/lít. Sản phẩm làm ra khó tiêu thụ nhiều trên thị trường. Số hộ làm nghề ngày càng ít dần, nhiều gia đình chuyển sang làm nghề khác để mưu sinh.
Kỳ vọng “cú hích” từ du lịch
Trước nguy cơ mai một làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô, chính quyền TP. Đà Nẵng cùng một số doanh nghiệp đã cùng nhau bắt tay khôi phục lại. Trong đó, chú trọng việc bảo tồn, phát triển làng nghề này bằng việc gắn với du lịch. Mới đây, Đề án “Bảo tồn làng nghề nước mắm Nam Ô gắn với phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng” đã được UBND TP. Đà Nẵng phê duyệt. Tổng kinh phí dự trù khoảng 4,65 tỷ đồng, chưa tính kinh phí chỉnh trang đô thị trong làng nghề và đầu tư khu trưng bày làng nghề. Đề án do UBND quận Liên Chiểu chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện.
Mục tiêu của đề án nhằm bảo tồn, phát huy giá trị làng nghề nước mắm Nam Ô, gắn với phát triển du lịch - di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trở thành sản phẩm du lịch tiêu biểu, đặc sắc của Đà Nẵng. Đề án có các mục tiêu cụ thể như, đưa sản phẩm nước mắm Nam Ô trở thành sản phẩm du lịch, trong đó đạt sản lượng nước mắm tiêu thụ từ 200 đến 250 nghìn lít/năm; nâng cao chất lượng mẫu mã, bao bì, nhãn mác của sản phẩm để tạo thương hiệu; tăng thu nhập bình quân đầu người từ nghề đạt 3 - 4 triệu đồng/người/tháng năm 2021 và đạt 4,5 - 5 triệu đồng/người/tháng vào năm 2025.
Bên cạnh đó, đề án cũng đặt ra một số nhiệm vụ và giải pháp cụ thể như, bảo tồn và phát triển làng nghề nước mắm Nam Ô bằng cách khôi phục đội tàu đánh cá để chủ động nguồn nguyên liệu, khuyến khích tạo điều kiện cho người dân đóng mới tàu thuyền, tham gia đánh bắt cá nhằm tăng quy mô và sản lượng phục vụ nghề mắm được ổn định; ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào quản lý, sản xuất; đầu tư cơ sở hạ tầng chỉnh trang đô thị, bảo đảm an ninh trật tự và vệ sinh môi trường; tăng cường công tác tuyên truyền, quảng cáo, tiếp thị cho các sản phẩm của nước mắm Nam Ô...
Đặc biệt, đề án chú trọng việc xây dựng làng nghề nước mắm Nam Ô, trở thành điểm du lịch của thành phố nhằm giới thiệu tiêu thụ sản phẩm nước mắm và các sản phẩm liên quan của làng nghề; khai thác các tiềm năng di tích, phong cảnh cũng như các hoạt động văn hóa văn nghệ của địa phương; bổ sung làng nghề nước mắm Nam Ô vào các tour du lịch hiện có như tour Đà Nẵng - Bà Nà Hills; Đà Nẵng - Vịnh Lăng Cô - Huế, Đà Nẵng - Huế - Quảng Bình… Đồng thời, xây dựng tour du lịch bằng đường sông từ làng nghề nước mắm Nam Ô - dọc sông Cu Đê lên Trường Định - Khu du lịch sinh thái cộng đồng tại thôn Tà Lang - Giàn Bí (huyện Hòa Vang)…
Ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng cho rằng, nếu được triển khai tốt thì làng nghề nước mắm Nam Ô sẽ trở thành một sản phẩm thương mại, “quà tặng” quá tốt của thành phố để phục vụ khách du lịch. Tuy nhiên, trước mắt làng nghề cần phải được quy hoạch cảnh quan, có các điểm dừng đỗ để phục vụ cho du khách. Bên cạnh đó, để Nam Ô trở thành một điểm du lịch dẫn đầu, cần có sự chung tay của cộng đồng, phải gìn giữ chất lượng của nước mắm Nam Ô, có nơi để người dân trưng bày, giới thiệu sản phẩm, người dân phải được đào tạo các kỹ năng phát triển du lịch…
Nhiều người dân ở địa phương đang rất kỳ vọng, đề án “Bảo tồn làng nghề nước mắm Nam Ô gắn với phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng” sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương, để những người dân làm nghề sống được bằng nghề truyền thống, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho từng hộ gia đình, để nước mắm Nam Ô lấy lại vị thế của mình, vị thế của một sản phẩm dùng để tiến vua.