Bất ngờ với hơn 400 trang “Nhật ký phi công tiêm kích”
Trung tướng Nguyễn Đức Soát là một trong số những “phi công huyền thoại” của Việt Nam. Trong “cuộc đời bay” của mình, ông đã bắn rơi 6 máy bay của Mỹ, được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Việc ông công bố hơn 400 trang nhật ký trong cuốn “Nhật ký phi công tiêm kích” đã mang tới cho công chúng những bất ngờ thú vị.
Sẵn sàng cống hiến, sẵn sàng hy sinh
Trung tướng Nguyễn Đức Soát sinh ngày 24/6/1946 tại Nam Phong, Phú Xuyên, Hà Tây cũ (nay thuộc Hà Nội), nhập ngũ ngày 4/7/1965, là phi công tiêm kích MiG-21, SU-22, SU-27. Từ một anh lính bắt đầu học lái máy bay MiG-21 cho đến khi trở thành một trong những phi công có tài xạ kích giỏi nhất của Không quân Việt Nam. Trung tướng Nguyễn Đức Soát từng giữ chức vụ: Tư lệnh Quân chủng Không quân, Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Trung tướng Nguyễn Đức Soát tâm sự: “Năm 1965 có thật nhiều dấu mốc quan trọng: là năm đế quốc Mỹ chính thức tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược nước ta, bắt đầu bằng việc đưa quân đổ bộ vào Đà Nẵng, sử dụng không quân đánh phá miền Bắc nhằm ngăn chặn sự chi viện cho cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam; là năm mà đất nước được tổng động viên cục bộ với phong trào “Thanh niên ba sẵn sàng” để lớp lớp thanh niên náo nức tòng quân giết giặc.
Năm ấy có 250 chàng trai gồm bộ đội, học sinh, sinh viên được tuyển chọn đưa đi đào tạo để trở thành phi công chiến đấu. Trong đó có 130 học viên được gửi sang Liên Xô, 80 học viên sang Trung Quốc và 40 học viên vào học tại trường Không quân Việt Nam (sơ tán tại Tường Vân, Trung Quốc). Hơn 100 phi công tốt nghiệp sau đó đã trở thành lực lượng nòng cốt trong cuộc đối đầu lịch sử năm 1972 giữa Không quân nhân dân Việt Nam và Không lực Hoa Kỳ. Tôi thật may mắn được là một trong số 250 học viên phi công năm ấy, không chỉ được chứng kiến mà còn được trực tiếp đồng hành cùng họ trong suốt từ những năm học bay, những năm tham gia chiến đấu đến khi Mỹ phải chịu thua và tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc cuối năm 1972. Tôi nhập ngũ vào không quân ngày 4/7/1965.
Chỉ sau 23 ngày, vào ngày 27/7 năm đó, tôi cùng 58 học viên khác lên tàu từ ga Hàng Cỏ (Hà Nội) đi sang Liên Xô học lái máy bay chiến đấu. Do nhu cầu cần sớm có lực lượng không quân bổ sung cho các lớp phi công đàn anh đang chiến đấu, lớp chúng tôi được phía Việt Nam đề nghị Liên Xô đào tạo nhanh nhất có thể. Vậy là chỉ sau 2 năm 9 tháng, chúng tôi đã bay xong chương trình đào tạo phi công lái máy bay chiến đấu MiG-21, loại máy bay tiêm kích hiện đại nhất của Liên Xô thuở ấy, trong khi chương trình đào tạo của bạn phải mất 5 năm”.
Bìa cuốn “Nhật ký phi công tiêm kích” do NXB Trẻ ấn hành |
Thượng tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Thanh Ngân đánh giá: “Khi anh Nguyễn Đức Soát trở thành cán bộ trung đoàn, tôi mới có dịp làm việc nhiều với anh, ngoài những việc chung còn có nhiều chuyện tâm tình về quê hương, gia đình. Tôi nhận thấy anh là một phi công, một cán bộ có bản lĩnh vững vàng, ý chí quyết tâm rất cao, luôn sẵn sàng nhận những nhiệm vụ khó khăn phức tạp nhất…”.
Quả vậy, ngay từ những ngày đầu tiên nhận lệnh bay trên bầu trời Tổ quốc, phi công Nguyễn Đức Soát cùng những đồng đội của anh đã sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh. Trong nhật ký ngày 22/11/1969, phi công Nguyễn Đức Soát viết: “…Nghe nói chuyện, mình tin ngày cách mạng thành công không còn xa nữa. Phải chết vào lúc cách mạng sắp thành công là điều thiệt thòi nhất. Nhưng mình đã sẵn sàng rồi. Được đi đánh, mình sẽ đánh hết sức. Nếu cần chết, mình sẽ không ngần ngại…”.
Không chỉ viết cho mình
Cầm trên tay cuốn “Nhật ký phi công tiêm kích” của Trung tướng Nguyễn Đức Soát vừa được Nhà xuất bản Trẻ ấn hành nhiều người bất ngờ. Ít ai nghĩ rằng, đã 50 năm trôi qua, đặc biệt thời gian qua đã từng có “cơn sốt” nhật ký chiến trường với những tác phẩm đình đám, vậy mà đến nay, vẫn còn những cuốn nhật ký thật đặc biệt, thật thú vị chưa công bố.
Chia sẻ lý do công bố nhật ký sau hơn nửa thế kỷ giấu kín, Trung tướng Nguyễn Đức Soát cho biết, cách đây ít lâu, Ban liên lạc Cựu chiến binh Không quân đề nghị ông viết một bài nhân 65 năm Ngày truyền thống Không quân. Để lấy tư liệu, ông quyết định lật mở những cuốn sổ tay cũ kỹ, đọc lại nhật ký của mình.
“Thật bất ngờ khi đọc lại những trang giấy đã ố vàng vì thời gian, tôi thấy mình như gặp lại những người bạn thời xưa, sống lại giai đoạn hào hùng của đất nước, thấy được lòng yêu nước, khát khao chiến đấu của cả thế hệ thanh niên thời bấy giờ đồng thời như được sống lại cùng đồng đội với tràn trề khát vọng trong một thời khắc lịch sử đầy thử thách nhưng cũng thật hào hùng của dân tộc”, Trung tướng Nguyễn Đức Soát chia sẻ, đồng thời cho biết: “Có nhiều tấm gương sáng, những tấm gương hy sinh dũng cảm của bạn bè, tình cảm yêu quý nhau trong chiến tranh… tôi muốn mọi người biết đến vì nhiều người trong số họ ít xuất hiện trên truyền thông. Có những đồng chí đã hy sinh trong chiến tranh, có người mất chỉ sau chiến tranh thời gian ngắn nên chưa có sách nào viết kịp về họ cả”.
Nhật ký của ông ghi từ ngày 20/3/1966 (sau khi sang Liên Xô 8 tháng), viết đều từ khi học bay đến khi về nước tham gia chiến đấu và dừng lại ở ngày 31/12/1972 - một ngày sau khi Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc. Nhật ký được viết trong 5 cuốn sổ nhỏ, nhưng đến nay 2 cuốn đã bị thất lạc. Những trang nhật ký công bố́ lần này trải dài suốt 7 năm của Nguyễn Đức Soát đã mô tả trung thực suy nghĩ của lớp thanh niên thuở ấy về tình yêu Tổ quốc, về trách nhiệm công dân trước vận mệnh mang tính sống còn của dân tộc.
Qua những trang nhật ký, người ta còn thấy được lòng ham mê và quyết tâm nắm chắc kỹ thuật bay để được tham gia chiến đấu; thấy được cả những chiến công oanh liệt và những tổn thất không gì bù đắp của cả một lớp phi công trẻ tuổi vừa rời ghế nhà trường. Họ đã anh dũng đối đầu với những cỗ máy chiến tranh hiện đại của đối phương, góp phần cùng quân và dân miền Bắc đánh thắng hai lần chiến tranh phá hoại Mỹ. Những chiến công của họ là một mốc son chói lọi của không quân Việt Nam thời kỳ đầu non trẻ.
Đọc lại những nét chữ của thời trai trẻ, nhiều trang nét mực đã phai màu, Trung tướng Nguyễn Đức Soát nhận ra một điều: Những trang nhật ký ấ́y không chỉ viết cho riêng mình mà viết về cả một tập thể những phi công thời bấy giờ. Những trang viết đầy cảm xúc về tình yêu đất nước của họ, những suy nghĩ về trách nhiệm công dân trước vận mệnh mang tính sống còn, những chiến công, thành tích mà họ đã đạt được và cả những mất mát trong chiến tranh... Vì vậy mà ông quyết định công bố nhật ký với mong muốn là nhiều người biết thêm về cuộc đời của những người lính không quân trẻ tuổi trong những năm tháng ác liệt của chiến tranh.
Nhưng từ quyết định công bố tới khi cuốn sách ra đời cũng là một hành trình. Hành trình ấy không phải là sự đắn đo công bố cái gì, giữ lại cái gì. Bởi như ông chia sẻ, đã công bố gần như tất cả những nhật ký đã viết. Ông chỉ bớt đi một số trang vì thấy sự lặp lại, còn tất cả nhật ký những ngày chiến đấu thì không bỏ ngày nào. Định lượng cụ thể hơn, ông bảo, đã công bố 85% nhật ký cá nhân.
Theo Trung tướng Nguyễn Đức Soát, khi quyết định công bố nhật ký riêng tư thành cuốn sách cho nhiều người đọc, ông vẫn giữ nguyên những gì đã viết. Tức là, trước đây ông viết thế nào thì cho in như thế, không điều chỉnh gì cả. Quan điểm của ông là cần tôn trọng sự thật, không biến nhật ký thành hồi ký. Tuy nhiên, đọc cuốn “Nhật ký phi công tiêm kích” của ông, bạn đọc thấy thuận tiện hơn bởi để bạn đọc hôm nay hiểu rõ hơn, Trung tướng Nguyễn Đức Soát có viết thêm lời dẫn trước các sự kiện, trước mỗi giai đoạn, đồng thời ông cũng viết bổ sung một số thông tin vào sau một số trang nhật ký nhằm làm rõ hơn về sự kiện, số hiệu máy bay, hay tên tuổi, chức vụ những viên phi công đối phương bị bắt…
Một tác phẩm văn học “phi hư cấu” đặc biệt
Cuốn sách “Nhật ký phi công tiêm kích” đã làm sống lại trong ông nhiều câu chuyện đã quên và làm sống lại trong lòng một thế hệ những nhiệt huyết tuổi trẻ.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận xét: “Nhật ký phi công tiêm kích” xứng đáng là tác phẩm văn học phi hư cấu đặc biệt. Cuốn sách cũng mở ra những chiều kích mới, cung cấp tư liệu quan trọng, mang tính nền cốt cho các nhà văn, các nhà nghiên cứu sau này muốn tìm hiểu, muốn viết về lịch sử Quân chủng Phòng không - Không quân, với những trận không chiến lịch sử cùng một “thế hệ vàng” phi công Việt Nam.
Trong khi đó, nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đánh giá cao chất văn chương trong cuốn nhật ký. Nếu trong lĩnh vực quân sự, tướng Soát là bậc anh hùng, thì với viết lách, ông cũng thể hiện tố chất văn chương. Cuốn nhật ký không chỉ là chuyện riêng của anh hùng Nguyễn Đức Soát, mà còn là chuyện của nhiều anh hùng không quân. “Đây là tư liệu rất quý để chúng ta thêm hiểu về không quân Việt Nam”, nhà thơ Trần Đăng Khoa nói.