Bình quân người lao động nhận gần 7 triệu đồng tiền thưởng Tết 2024
Đột phá nào để Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình Mở rộng thị trường xuất khẩu lao động điều kiện làm việc tốt, thu nhập cao Tín hiệu vui từ thị trường lao động |
Bộ LĐTB&XH cho biết, thưởng Tết Nguyên đán 2024, mức thưởng bình quân là 6,85 triệu đồng/người, cho 3,33 triệu lao động. Mức thưởng này gần như không thay đổi so với năm trước đó.
Đáng chú ý, tại Long An ghi nhận khoản thưởng Tết Nguyên đán cao nhất năm 2024 là 5,68 tỷ đồng/người thuộc về một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chi trả cho một quản lý cấp cao. Tương tự, theo thống kê, mức thưởng cao tập trung tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như: Tại Đồng Nai là 1 tỷ đồng/người; tại Quảng Nam là 636,2 triệu đồng/người; tại Bà Rịa - Vũng Tàu là 528,43 triệu đồng/người…
Trong đợt chi trả tiền thưởng tết Dương lịch trước đó, 47.625 doanh nghiệp đã tiến hành chi trả khoản này cho 1,877 triệu lao động; mức thưởng bình quân là 1,85 triệu đồng/người, tăng 49% so với thưởng dịp Tết Dương lịch năm 2023 (1,24 triệu đồng/người). Mức thưởng Tết Dương lịch năm 2024 cao nhất là 376,3 triệu đồng/người thuộc về vị trí quản lý cấp cao tại doanh nghiệp FDI ở tỉnh Vĩnh Phúc.
Nhìn chung, tiền lương thưởng của người lao động tại các doanh nghiệp đều tăng so với các năm trước đó |
Về mức tiền lương trong năm 2023, trong báo cáo của Bộ LĐTB&XH cho thấy, tiền lương bình quân mà doanh nghiệp trả cho người lao động ước đạt 8,5 triệu đồng/tháng, tăng 3% so với năm 2022 (8,25 triệu đồng/tháng). Một Công ty TNHH Một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, chi trả trung bình khoảng 9,94 triệu đồng/tháng; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 9,27 triệu đồng/tháng; doanh nghiệp dân doanh đạt 8 triệu đồng/tháng.
Cũng trong báo cáo, Bộ LĐTB&XH xác định năm 2024 các thách thức về lao động, việc làm đi liền với thách thức về bảo đảm an sinh xã hội. Vì thế, Bộ này yêu cầu các đơn vị, địa phương tập trung, ưu tiên, quyết liệt triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đã đề ra.
Cơ quan quản lý nhà nước về lao động cũng yêu cầu các địa phương, đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường lao động, thực hiện các giải pháp nhằm thu hút người lao động quay trở lại làm việc, duy trì chuỗi cung ứng nguồn nhân lực; hạn chế xảy ra tình trạng thiếu lao động cục bộ. Đồng thời, thúc đẩy tạo việc làm bền vững và sử dụng hiệu quả lực lượng lao động thông qua các chương trình, đề án, chính sách tín dụng hỗ trợ tạo việc làm, tham gia thị trường lao động…