Tín hiệu vui từ thị trường lao động
Mức thưởng Tết 2024 cao nhất gần 5,7 tỷ đồng/người Doanh nghiệp “níu chân” người lao động Mở rộng thị trường xuất khẩu lao động điều kiện làm việc tốt, thu nhập cao |
Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thị trường lao động đang phục hồi, lực lượng lao động, số người có việc làm tiếp tục tăng. Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp phục hồi và phát triển thị trường lao động đã mang lại những kết quả tích cực, giúp các khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng kinh tế trọng điểm cơ bản duy trì được lực lượng lao động ổn định, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế đất nước sau đại dịch Covid-19.
Đặc biệt, tình trạng hàng trăm nghìn lao động bị buộc nghỉ giãn việc, thôi việc, mất việc ở các doanh nghiệp diễn ra từ quý IV/2022 đã giảm nhiệt trong các tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024.
Ảnh minh họa |
Đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chia sẻ, 2023 là năm bản lề giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa rất quan trọng. Trong một năm đầy khó khăn, thách thức, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội; kịp thời xử lý, phản ứng chính sách; vừa thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, vừa chú trọng xử lý những tồn đọng, những vấn đề mới phát sinh.
Bên cạnh đó, kết nối cung - cầu lao động được tăng cường và lần đầu tiên triển khai thí điểm sàn giao dịch làm việc trực tuyến toàn quốc, qua đó hỗ trợ kịp thời cho người lao động tìm kiếm việc làm. Hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phục hồi tích cực, cao hơn thời điểm trước đại dịch Covid-19, đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Trong thời gian tới, Bộ sẽ tập trung xây dựng thị trường lao động ổn định, linh hoạt, đa chiều, phát triển bền vững; tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng thị trường lao động.
Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, cần phải nhìn nhận chất lượng cung lao động còn hạn chế, chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập… Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng xin lùi, rút văn bản hoặc chậm trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật so với thời hạn được giao. Bước sang năm 2024, toàn ngành sẽ nỗ lực hoàn thành với kết quả cao hơn năm 2023. Đặc biệt, phấn đấu hoàn thành 3 chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao: phấn đấu tỷ lệ thất nghiệp đạt dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt gần 69%, trong đó lao động được cấp chứng chỉ, bằng cấp đạt 28%; giảm nghèo đạt chuẩn đa chiều trên 1% đồng thời hoàn thành 16 chỉ tiêu ngành đặt ra.
Vừa qua, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã thống nhất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 là 6%, áp dụng từ ngày 1/7/2024 để khuyến nghị Chính phủ. Với mức tăng 6%, lương tối thiểu tháng có thể được áp dụng từ ngày 1/7/2024 cụ thể như sau: Vùng I tăng từ 4,68 triệu đồng/tháng lên 4,96 triệu đồng/tháng (tăng thêm 280 nghìn đồng); Vùng II tăng từ 4,16 triệu đồng/tháng lên 4,41 triệu đồng/tháng (tăng 250 nghìn đồng); Vùng III tăng từ 3,64 triệu đồng/tháng lên 3,86 triệu đồng/tháng (tăng 220 nghìn đồng); Vùng IV tăng từ 3,25 triệu đồng/tháng lên 3,45 triệu đồng/tháng (tăng 200 nghìn đồng).
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, với mức tăng 6% thì cộng đồng doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, khi đã thống nhất thì cộng đồng doanh nghiệp sẽ tuân thủ và chấp hành nghiêm điều đã được thông qua.
Ông cũng bày tỏ tin tưởng tình hình kinh tế trong thời gian tới sẽ sáng hơn. Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ, hỗ trợ lãi suất, giãn, giảm thuế… cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cải cách thủ tục hành chính cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phát triển, người lao động sẽ có thu nhập tốt hơn, ông Phòng nhấn mạnh.