Bình Thuận: "Nâng chất" cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội
Lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội làm việc với Tỉnh ủy Đắk Lắk Tín dụng chính sách: Tạo kết nối giúp thoát nghèo bền vững |
Để có được cuộc sống như ngày hôm nay, gia đình chị Ngô Thị Nhung, ở khu phố Tân Thành, thị trấn Lạc Tánh, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận luôn nhận được sự đồng hành từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH).
Đầu tiên là vào giữa tháng 11/2022, gia đình chị được vay 100 triệu đồng theo chương trình cho vay vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Có vốn, 2 vợ chồng đầu tư trồng cây cao su. Từ đó, gia đình chị đỡ khó khăn, cuộc sống đỡ chật vật hơn.
Đến năm 2023, gia đình chị Nhung lại tiếp tục được NHCSXH cho vay 40 triệu đồng từ chương trình cho vay vốn xây nhà ở theo Nghị định 28 năm 2022 của Chính phủ, 40 triệu đồng được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. “Cùng với số tiền tích góp và vay mượn thêm từ người thân, sau bao nhiêu năm chờ đợi và mơ ước, gia đình tôi đã có được ngôi nhà mới, khang trang, các con có điều kiện để ở, để học tập, vợ chồng tôi được an lòng hơn”, chị Nhung tâm sự.
Còn rất nhiều những câu chuyện ấm áp như thế ở Bình Thuận. Đặc biệt, từ khi triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị số 40), nguồn vốn ưu đãi càng hiệu quả hơn.
Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận, triển khai Chỉ thị số 40, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã quan tâm hơn đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, phối hợp tốt với NHCSXH trong việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội; củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng; tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị - xã hội tập hợp lực lượng, củng cố, nâng cao về số lượng, chất lượng các hoạt động phong trào, tiếp cận các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cao dân trí cho người dân, góp phần củng cố hệ thống chính trị cơ sở.
Gia đình chị Ngô Thị Nhung sử dụng vốn ưu đãi để trồng cây cao su mang lại hiệu quả kinh tế |
Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố đã quan tâm cân đối ngân sách để bổ sung nguồn vốn ủy thác sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Nguồn vốn ủy thác tại địa phương đến ngày 30/4/2024 đã chuyển 364.482 triệu đồng, chiếm 7,51% tổng nguồn vốn hoạt động của NHCSXH tỉnh, tăng 343.850 triệu đồng, tăng 16,67 lần so với trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW. NHCSXH tỉnh và các phòng giao dịch cấp huyện đã tiếp nhận tiền gửi tiết kiệm trên 56 tỷ đồng các nguồn quỹ như: Quỹ khuyến học, Quỹ Vì người nghèo, Quỹ Bảo trợ trẻ em, Quỹ Nhân đạo, Quỹ dự trữ ngân sách Đảng...
Bà Võ Thị Minh Thảo - Giám đốc NHCSXH chinh nhánh tỉnh Bình Thuận cho biết, năng lực và hiệu quả hoạt động của NHCSXH tỉnh, cấp huyện ngày càng được nâng lên. Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội được đưa đến tất cả các thôn, khu phố trong toàn tỉnh, góp phần giúp gần 30 nghìn hộ nghèo vượt qua ngưỡng nghèo; tạo việc làm cho trên 36 nghìn lao động; gần 19,4 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, không để học sinh sinh viên nào phải bỏ học vì khó khăn về tài chính; hỗ trợ xây mới và cải tạo 263 nghìn công trình nước sạch vệ sinh môi trường; hỗ trợ xây dựng gần 700 ngôi nhà cho hộ nghèo...
“Nguồn vốn đã góp phần quan trọng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương”, bà Thảo chia sẻ.
Thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Đồng thời, tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chương trình cho vay ưu đãi hiện nay phù hợp với tình hình thực tế nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân, góp phần hạn chế tình trạng “tín dụng đen”, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Tiếp tục quan tâm bổ sung nguồn vốn ngân sách ủy thác cho NHCSXH thực hiện cho vay các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn. Phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ nguồn vốn ngân sách địa phương chiếm tối thiểu 15% tổng nguồn vốn tín dụng chính sách thực hiện trên địa bàn, đảm bảo mục tiêu của Thủ tướng Chính phủ đề ra tại Quyết định số 05/QĐ-TTg ngày 04/01/2023.
Nghiên cứu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý và hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn, chất lượng hoạt động các điểm giao dịch xã để người nghèo dễ dàng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ của NHCSXH, tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện chủ trương giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội.