Tín dụng chính sách: Tạo kết nối giúp thoát nghèo bền vững
Nguồn vốn chính sách: Đáp ứng đúng nguyện vọng của nhân dân Chỉ thị số 40-CT/TW: “Kim chỉ nam” cho hoạt động tín dụng chính sách |
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú , Ủy viên HĐQT NHCSXH phát biểu tại hội thảo |
Đặc thù riêng biệt của NHCSXH
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh, tín dụng chính sách xã hội là một giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về gắn phát triển kinh tế với phát triển xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển; lấy con người làm trung tâm, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Đặc biệt, Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội ra đời đã đáp ứng đúng nguyện vọng của nhân dân, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, góp phần đạt mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, thu hẹp khoảng cách phát triển, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Chia sẻ về những vui buồn thời gian đầu đi vào hoạt động, ông Dương Quyết Thắng, Ủy viên HĐQT, Tổng giám đốc NHCSXH cho biết, khi thành lập ngân hàng, nhiều tổ chức quốc tế cũng băn khoăn vì mô hình hoạt động của tín dụng chính sách xã hội mang đặc thù chỉ có tại Việt Nam. Nhưng qua thời gian và hiệu quả mang lại đã khẳng định, tín dụng chính sách xã hội là một giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc, phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Lý giải rõ hơn về những đặc thù của NHCSXH, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, Ủy viên HĐQT NHCSXH khẳng định, đúng như đánh giá của các chuyên gia, nhà khoa học phát biểu tại hội thảo, NHCSXH ở nước ta là một mô hình rất đặc biệt so với các nước ở góc độ mô hình tổ chức hoạt động. Thực tế ở nhiều quốc gia có tỷ lệ nghèo đói nhiều như Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia…cũng có NHCSXH, nhưng mô hình hoạt động, tính chất của NHCSXH ở Việt Nam đặc biệt do chế độ chính trị của nước ta được thể hiện trong mô hình hoạt động của NHCSXH, tức là ngân hàng bao gồm cả hệ thống chính trị tham gia, từ trung ương xuống đến cấp tỉnh, thậm chí xuống đến cấp huyện, cấp xã. Yếu tố đặc thù này chính là nguyên nhân giúp mô hình hoạt động của NHCSXH thành công, giúp cho vay không bị mất vốn, nợ xấu rất thấp trong khi vòng quay vốn hiệu quả.
Đánh giá cao vai trò của NHCSXH, PGS.TS. Lê Thị Thanh Tâm, Viện Ngân hàng-Tài chính, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, sự phát triển của NHCSXH đã giúp tăng mức độ tiếp cận tín dụng chung của người dân và doanh nghiệp, đặc biệt tại các vùng sâu vùng xa. Hiệu quả được thể hiện qua số liệu thống kê, NHCSXH đang cho vay trên 6,8 triệu hộ gia đình (1/3 dân số Việt Nam) với dư nợ xấp xỉ 332 triệu tỷ đồng (tương đương hơn 13 tỷ USD, tiếp cận khoảng 92% tổng số hộ vay và chiếm tới 87% giá trị tổng các khoản cho vay trong thị trường tài chính vi mô Việt Nam. Điểm nổi bật, tỷ lệ nợ xấu thấp dưới 1%. Nhờ vậy, tình trạng “tín dụng đen” tại các vùng sâu vùng xa đã giảm dần.
Tăng cường kết nối và chuyển đổi số
NHCSXH đã hoạt động hiệu quả, nhưng Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú khẳng định, không thể dậm chân tại chỗ với mô hình hiện nay. NHNN đã nghiên cứu, xây dựng cơ chế, quản trị mô hình tổ chức trong thời gian tới khi đã được luật hóa một cách rộng hơn, đầy đủ hơn trong cả một Chương với 11 Điều tại Luật Các Tổ chức tín dụng sửa đổi - nền tảng vững chắc về cơ sở pháp lý rõ ràng cho mô hình hoạt động của NHCSXH. Tuy nhiên để cụ thể hóa những quy định đã được luật hóa về hoạt động của NHCSXH cần có những nghị định, thông tư và sự cùng tham gia của các bộ, ngành chức năng, địa phương để xây dựng hệ thống này.
Theo đó, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng cần phải xác định rõ nhu cầu vốn, nguồn lực tín dụng hiện nay, bởi khi đưa ra một chương trình tín dụng thì vốn vẫn là câu chuyện còn ách tắc, khó khăn. Ví dụ cho vay mua nhà ở xã hội thông qua NHCSXH, lãi suất thấp nhưng nguồn lực thì hạn chế, nhu cầu lại rất cao.
Hơn nữa, nhu cầu thực tế mở rộng các chương trình ở trung ương, bộ, ngành, địa phương là rất lớn. Cách đây 10 năm chỉ có 15 chương trình tín dụng chính sách nhưng hiện đã có đến 27 chương trình, song nguồn lực của NHCSXH không được tăng lên một cách tương ứng cả về mô hình tổ chức, con người, bộ máy, cơ chế tài chính... “Điều này rõ ràng tạo ra sự bất cập, cần sự chỉ đạo của Đảng trong thời gian tới”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh: NHNN đã nghiên cứu, xây dựng cơ chế, quản trị mô hình tổ chức trong thời gian tới khi đã được luật hóa một cách rộng hơn, đầy đủ hơn trong cả một Chương với 11 Điều tại Luật Các Tổ chức tín dụng sửa đổi - nền tảng vững chắc về cơ sở pháp lý rõ ràng cho mô hình hoạt động của NHCSXH. |
Bên cạnh đó, theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, cơ chế hoạt động của tín dụng chính sách và tín dụng thương mại hiện nay rõ ràng phải có sự phối hợp, nếu không, việc giải quyết hiệu quả đói nghèo một cách bền vững là không cao. “Do đó, phải có sự kết nối giữa tín dụng chính sách và tín dụng thương mại để tạo ra kết nối giúp người nghèo thoát nghèo”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định.
Đặc biệt, cần duy trì cơ chế tài chính của riêng NHCSXH chứ không phải của tổ chức chính trị xã hội đơn thuần vì bản chất vẫn là ngân hàng. Đã là ngân hàng thì phải đảm bảo hoạt động an toàn, lành mạnh; nghiên cứu thêm mô hình hoạt động đặc thù của từng vùng, từng tỉnh, thành phố khác nhau thì nhu cầu vay vốn, đối tượng vay vốn, lãi suất cũng sẽ khác nhau... Phó Thống đốc đề xuất.
Chỉ ra một số giải pháp nhằm nâng cao năng lực hoạt động của NHCSXH trong bối cảnh mới, PGS.TS. Lê Thị Thanh Tâm kiến nghị cần tăng cường về chuyển đổi số. Cụ thể là tích hợp số hóa và công nghệ số vào mọi lĩnh vực ngân hàng, từ đó tự động hóa dần dần quy trình, phát triển các sản phẩm mới và nâng cao tính bảo mật, đặc biệt trong các hoạt động thanh toán và gửi tiết kiệm. Hơn nữa, chuyển đổi số cho phép ngân hàng tiếp cận khách hàng nhanh chóng với chi phí rẻ hơn, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ.
Để tín dụng chính sách phát huy hiệu quả khi nhu cầu vay vốn ngày càng tăng, ông Triệu Văn Bình, Phó vụ trưởng Vụ Dân tộc, Văn phòng Quốc hội đề xuất, xem xét cho phép mở hạn mức phát hành trái phiếu NHCSXH được Chính phủ bảo lãnh nhằm tận dụng nguồn vốn giá rẻ, thời hạn dài, đáp ứng được nguồn vốn cho vay theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025; tạo điều kiện cho NHCSXH được tiếp nhận nguồn vốn ODA để tạo lập nguồn vốn ổn định, lãi suất thấp để tăng nguồn vốn cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; xây dựng hoàn thiện cơ chế tạo lập nguồn vốn, cơ chế tài chính, tín dụng của NHCSXH theo hướng ổn định và bền vững.