Bức tranh tín dụng đã khởi sắc
Tăng cường các giải pháp điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024 Tín dụng gặp khó do doanh nghiệp “tắc” dòng tiền NHNN Hòa Bình đẩy mạnh phối hợp công tác trên địa bàn huyện Lương Sơn |
Tín dụng tăng trưởng tích cực
Trong hai tháng đầu năm, mặc dù với thanh khoản dồi dào và các ngân hàng có điều kiện thuận lợi để cung ứng vốn vay nhưng tăng trưởng tín dụng đạt mức tăng trưởng âm phản ánh cầu và sức hấp thụ vốn thấp của nền kinh tế. Tuy nhiên, tính đến 27/3, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt hơn 13,651 triệu tỷ đồng, tăng 0,61% so với cuối năm 2023. Tín dụng đạt mức tăng trưởng dương cho thấy những tín hiệu tích cực từ nhu cầu vốn của người dân và doanh nghiệp.
Theo thống kê, tín dụng tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực ưu tiên. Đến cuối tháng 2, tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn chiếm 24,35% dư nợ toàn nền kinh tế; tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 17,94%; tín dụng lĩnh vực xuất khẩu chiếm 2,25%; tín dụng lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ chiếm 2,75%...
Tín hiệu khởi sắc về tín dụng trong quý I cũng đã được các ngân hàng công bố, góp phần vào bức tranh chung toàn ngành. Đơn cử như tại ACB, bà Đinh Thị Thu Thảo, Giám đốc khối khách hàng cá nhân cho biết, quý I, ACB tăng 3,7% với 18.000 tỷ đồng, trong đó, tăng trưởng khối khách hàng doanh nghiệp là 3,5%, còn khách hàng cá nhân tăng 3,8%... Tín dụng tập trung vào ngành chính là nông nghiệp, dệt may, nông sản, xuất nhập khẩu, doanh nghiệp có dòng tiền, có doanh thu.
Tăng trưởng tín dụng đang có những tín hiệu tích cực |
Theo các chuyên gia, mặt bằng lãi suất cho vay đang thấp nhất trong vòng 20 năm qua cùng với nhu cầu vốn cải thiện được kỳ vọng thúc đẩy tín dụng tăng trưởng cao hơn so với đầu năm. TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đánh giá, mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm, góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán tăng trưởng tích cực, ngày càng phản ánh sát hơn tình hình nền kinh tế và sức khỏe của doanh nghiệp; thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản đang có dấu hiệu phục hồi… sẽ là những dấu hiệu tích cực trong thời gian tới.
Dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ tiếp tục phục hồi tăng trở lại khi kinh tế Việt Nam cũng đang có nhiều tín hiệu tích cực hơn. Báo cáo tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý I/2024 thực hiện bởi Bộ phận Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, UOB cho biết, GDP thực tế của Việt Nam tăng 5,66% so với cùng kỳ trong Quý 1 năm 2024, kéo dài mức tăng 6,72% so với cùng kỳ trong Quý 4 năm 2023 và vượt xa mức tăng 3,41% trong Quý 1 năm 2023, đây là kết quả quý 1 tốt nhất từ năm 2020 đến năm 2023. Kết quả khả quan vào đầu năm 2024 tạo ra tín hiệu tích cực cho thời gian còn lại của năm nay, sau một năm 2023 đầy thử thách.
Nhiều nguồn vốn rẻ dành cho doanh nghiệp
Để kích cầu tín dụng, các nhà băng không ngừng tung nhiều ưu đãi dành cho người dân, doanh nghiệp khi vay vốn. Tại ACB, bà Đinh Thị Thu Thảo cho biết, lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp chỉ là 4,9%/năm, còn khách hàng cá nhân 6-8%/năm. Riêng với khách hàng cá nhân, lãi suất cho vay ngắn hạn 6%/năm và cố định lãi suất 2 năm cho vay mua nhà để ở là 7%/năm và có sản phẩm trả góp theo bậc thang với năm đầu rất thấp 2%/năm để giảm bớt áp lực trả nợ cho khách hàng. Bên cạnh đó, ACB có sản phẩm cho ân hạn 1 năm và trả góp theo bậc thang để hỗ trợ khách hàng mua nhà để ở.
Mới đây, Agribank cũng công bố dành 50.000 tỷ đồng triển khai chương trình cho vay ngắn hạn ưu đãi đối với khách hàng cá nhân phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh với lãi suất chỉ từ 3%/năm, thấp hơn 2% so với sàn lãi suất cho vay ở lĩnh vực này.
Tương tự mức lãi suất này cũng đã có ở Sacombank với gói tín dụng 10.000 tỷ đồng lãi suất chỉ 3%/năm đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. BAC A BANK dành 10.000 tỷ đồng giảm lãi suất cho khách hàng cá nhân chỉ còn 5%/năm.
Nhiều nguồn vốn rẻ dành cho doanh nghiệp |
Còn tại MSB, ngân hàng này cũng đang đẩy mạnh cho vay trên kênh số, ưu đãi vay với lãi suất từ 6,2%/năm cho nhu cầu vay vốn kinh doanh. Theo đó, hộ kinh doanh, chủ doanh nghiệp và doanh nghiệp siêu nhỏ vay bổ sung vốn lưu động phục vụ mùa kinh doanh năm 2024 sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi, hạn mức cho vay lên tới 20 tỷ đồng…
Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV cho biết, trong thời gian tới, BIDV tập trung thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và NHNN trong thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, tham gia tích cực thị trường tiền tệ, ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát, kéo giảm lãi suất.
Về tín dụng, BIDV tiếp tục làm việc với các Hiệp hội, nhóm khách hàng, nắm bắt nhu cầu đưa ra các chương trình tín dụng phù hợp; khai thác các nguồn vốn quốc tế phục vụ tín dụng xanh; tiếp tục tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay hợp lý cho các đối tượng khách hàng; công khai, minh bạch quy trình xử lý cấp tín dụng (điều kiện, hồ sơ, lãi suất,…). Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu triển khai cho vay bằng phương tiện điện tử, chương trình cho vay tiêu dùng; triển khai các chương trình hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp giải pháp quản trị doanh nghiệp…
Lãnh đạo BIDV khẳng định, nhìn từ quan hệ cung – cầu tín dụng và các giải pháp chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và NHNN thì mục tiêu tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng của Việt Nam 15% trong năm nay có thể thực hiện được.