Tín dụng gặp khó do doanh nghiệp “tắc” dòng tiền
Vốn ưu đãi đa dạng và không thiếu
Thông tin tại Hội thảo “Khơi thông nguồn vốn ra thị trường" cuối tuần qua, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, các hoạt động hỗ trợ tăng trưởng tín dụng nền kinh tế đã được ngành Ngân hàng triển khai rất quyết liệt với nhiều chương trình ưu tiên, ưu đãi.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại hội thảo từ đầu cầu Hà Nội |
Thống kê của NHNN cho thấy, đến 27/3, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt hơn 13,651 triệu tỷ đồng, tăng 0,61% so với cuối năm 2023. Trong đó, tín dụng tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn (24,35%, tính đến cuối tháng 2), cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa (17,94%), cho vay doanh nghiệp xuất khẩu (2,25%).
Hiện vốn trong ngân hàng rất dồi dào, ngân hàng luôn đảm bảo thanh khoản đầy đủ, thậm chí dư dả. Về phía cơ quan quản lý, NHNN sử dụng các công cụ chính sách để đảm bảo tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn.
"Vốn cho nền kinh tế không thiếu. Hạn mức tín dụng NHNN đã giao cho NHTM ngay từ đầu năm với mức 15%. Nếu như điều kiện nền kinh tế cho phép, nền kinh tế cần vốn cho các lĩnh vực là động lực tăng trưởng thì có thể tăng hạn mức tín dụng lên" – Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh. Đặc biệt, hiện lãi suất đã ở mức thấp nhất trong 20 năm trở lại đây, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay vốn làm ăn.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 32/CĐ-TTg ngày 5/4/2024 gửi Thống đốc NHNN Việt Nam về các giải pháp điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, NHNN chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan: Tiếp tục theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới, trong nước, điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả hơn; thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, nhất là về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, giảm mặt bằng lãi suất cho vay... Khẩn trương thực hiện quyết liệt, hiệu quả, kịp thời các giải pháp tăng trưởng tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân; chỉ đạo các TCTD hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế truyền thống như tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu và thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, kinh tế tuần hoàn, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực rủi ro, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả; tiếp tục có chính sách đột phá các gói tín dụng ưu đãi góp phần tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng đối với doanh nghiệp, người dân. Khẩn trương rà soát toàn diện, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng kết quả thực hiện hạn mức tín dụng của hệ thống các TCTD đối với nền kinh tế, từng ngành, từng lĩnh vực để theo thẩm quyền và quy định của pháp luật có biện pháp điều hành hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2024 hiệu quả, khả thi, kịp thời hơn nữa, tuyệt đối không để ách tắc, chậm trễ, không đúng thời điểm, bảo đảm thực hiện được các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đã đề ra trong năm 2024 và an toàn hệ thống các TCTD; trường hợp có nội dung vượt thẩm quyền, kịp thời báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền theo quy định... Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp phù hợp để giảm mặt bằng lãi suất cho vay gắn với tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, bảo đảm cung cấp đủ vốn tín dụng, phục vụ, đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế và an toàn hệ thống các TCTD... NHNN chỉ đạo, yêu cầu các TCTD: Thực hiện công khai mặt bằng lãi suất cho vay, việc triển khai các gói tín dụng trước ngày 10/4/2024; tổ chức nào không thực hiện thì Thống đốc NHNN xử lý nghiêm theo thẩm quyền và công khai theo quy định của pháp luật... |
Đến nay, lãi suất bình quân huy động và cho vay đối với các giao dịch phát sinh mới lần lượt ở mức 3,1%/năm và 6,5%/năm, giảm tương ứng khoảng 0,4%/năm và 0,6%/năm so với cuối năm 2023.
Thời gian qua, NHNN và hệ thống các NHTM cũng đã đưa ra nhiều gói tín dụng ưu đãi vừa khuyến khích vừa tạo động lực tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên. Chẳng hạn như gói 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; gói 30.000 tỷ đồng cho thủy sản, lâm nghiệp…
“Hạn mức tín dụng NHNN đã giao cho NHTM ngay từ đầu năm với 15%. Nếu như điều kiện nền kinh tế cho phép, nền kinh tế cần vốn cho các lĩnh vực là động lực tăng trưởng thì có thể tăng hạn mức tín dụng lên” – Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Về phía các NHTM, bà Nguyễn Thị Lộc, Giám đốc điều hành miền Nam của Techcombank cho hay, trong 2 tháng đầu năm 2024 tín dụng chung của ngân hàng này tăng khoảng 3 - 4%. Trong đó riêng mảng khách hàng doanh nghiệp đã phục hồi mạnh mẽ gần 7% nhờ sự khởi sắc của xuất khẩu.
Trong khi đó, đại diện HDBank cho biết, quý I/2024 tín dụng của nhà băng này tăng trưởng 6%. Các lĩnh vực sản xuất, tiêu dùng trong quý vừa qua hấp thụ khoảng 60.000 tỷ đồng vốn vay từ HDBank. Trong đó các doanh nghiệp lúa gạo đã vay khoảng 5.000 tỷ đồng, xây dựng vay khoảng 4.000 tỷ đồng, xăng dầu khoảng 2.000 tỷ đồng… “So với mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm nay là 6-6,5% thì tăng trưởng tín dụng cả năm 2024 khoảng 13,5-14% là phù hợp. NHNN đã giao hạn mức tăng trưởng tín dụng 15% cả năm cho các ngân hàng từ đầu năm. Vì thế, có thể nói là nguồn vốn để cho vay của các ngân hàng là không thiếu” – Phó tổng giám đốc HDBank Trần Hoài Nam nhận định.
Tắc ở dòng tiền của doanh nghiệp
Theo nhận định của nhóm nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Phát triển Công nghệ ngân hàng (Đại học Kinh tế Luật), với diễn biến tăng trưởng tín dụng dương trở lại trong tháng vừa qua, trong khi mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tiếp tục giảm, cho thấy các chính sách chỉ đạo, điều hành thị trường tiền tệ của NHNN đang khá hiệu quả.
PGS.TS. Phạm Thị Thanh Xuân, Trưởng nhóm nghiên cứu cho rằng, việc NHNN yêu cầu hệ thống NHTM công khai các mức lãi suất bình quân, đã tác động rất tích cực đến tâm lý đầu tư, tâm lý kinh doanh.
“Khi nền kinh tế bước vào hồi phục thì chính sách lãi suất thấp và minh bạch sẽ dịch chuyển sự cạnh tranh giá vốn sang chất lượng dịch vụ, dẫn đến điều hướng dòng vốn phù hợp với khẩu vị rủi ro và năng lực quản trị rủi ro”, bà Xuân nhận định.
Theo khảo sát của nhóm nghiên cứu, hiện nay mặt bằng lãi suất của các ngân hàng ở mức thấp trong nhiều năm, thanh khoản của các ngân hàng cũng khá dồi dào. Vì thế, nếu dòng vốn tín dụng không đẩy ra thị trường được thì không phải là do “tắc vốn” mà là do “tắc nghẽn dòng tiền”. Theo đó, dòng tiền của doanh nghiệp các ngành hàng bị gián đoạn, không chuyển hóa được. “Đơn cử như lĩnh vực bất động sản, hiện nay giá nhà đất vẫn còn “cứng” so với tính linh hoạt về giá cả trên các thị trường hàng hóa, dịch vụ khác. Các doanh nghiệp không chịu giảm giá hoặc giảm giá chậm khiến dòng tiền bị tắc nghẽn”, bà Xuân nói.
Ở khía cạnh doanh nghiệp, ông Nguyễn Đình Tuệ, Giám đốc Trung tâm dịch vụ Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cho rằng, việc tắc nghẽn dòng tiền như các nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Phát triển Công nghệ ngân hàng chỉ ra là khá xác đáng. Bởi hiện nay khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp là tiêu thụ sản phẩm hàng hóa khá chậm. Nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, giảm quy mô kinh doanh. Do vậy, nhu cầu vay vốn ngân hàng cũng giảm theo.
Theo ông Tuệ, hai tháng đầu năm 2024 tình hình xuất khẩu đang có dấu hiệu khởi sắc. Các ngành như ngành du lịch và một số ngành bán lẻ có tốc độ tăng trưởng khá. Tuy nhiên, khảo sát ở doanh nghiệp nhiều ngành hàng thì vẫn chưa có nhu cầu vay vốn, ngay cả khi lãi suất cho vay đã được các ngân hàng áp dụng ở mức thấp và niêm yết công khai.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh cho rằng, các ngân hàng hiện nay cũng đang rất muốn cho doanh nghiệp vay nhưng doanh nghiệp lại chưa trả lời được câu hỏi “vay để làm gì”. Vì thế trước mắt cần tiếp tục có sự vào cuộc của Chính phủ và nhiều bộ, ngành địa phương nhằm cải thiện sức cầu của nền kinh tế, tháo gỡ các vướng mắc về các thủ tục đầu tư, đặc biệt pháp lý liên quan đến đất đai. Từ đó, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận nhanh chóng các cơ hội làm ăn, kinh doanh. Khi đó mới tính đến nhu cầu vay vốn tín dụng.