Khơi thông nguồn vốn cho kinh tế tập thể
Dư nợ tín dụng xanh mỗi năm tăng bình quân 22% Phối hợp thực hiện tốt chính sách tín dụng cho người chấp hành xong án phạt tù Nắn dòng tín dụng xanh |
Đồng chí Cao Xuân Thu Vân – Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Phó Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về kinh tế tập thể và đồng chí Đào Minh Tú – Phó Thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam, Ủy viên Ban chỉ đạo quốc gia về kinh tế tập thể đồng chủ trì hội thảo.
Hợp tác xã luôn là đối tượng ưu tiên tín dụng
Tại hội thảo, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, NHNN, cho biết, phát triển kinh tế tập thể, trong đó nòng cốt là hợp tác xã là một chủ trương lớn được Đảng và Nhà nước quan tâm, hỗ trợ. Thời gian qua, bám sát chủ trương, các Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về kinh tế tập thể, NHNN đã xác định khu vực kinh tế tập thể nói chung và hợp tác xã nói riêng là một trong những đối tượng ngành Ngân hàng ưu tiên đầu tư tín dụng, chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp mở rộng tín dụng đối với khu vực kinh tế này.
Đồng chí Cao Xuân Thu Vân – Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Phó Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về kinh tế tập thể và đồng chí Đào Minh Tú – Phó Thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam chủ trì Hội thảo |
Cụ thể, NHNN đã trình Chính phủ ban hành nghị định riêng về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, hiện đang thực hiện theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 và Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 sửa đổi bổ sung Nghị định 55/2015/NĐ-CP, trong đó quy định nhiều cơ chế tín dụng ưu đãi đối với kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Theo đó, tổ hợp tác có thể được vay không có tài sản bảo đảm tối đa 300 triệu đồng; hợp tác xã tối đa 1 tỷ đồng. Đối với hợp tác xã nuôi trồng thủy sản, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trên địa bàn nông thôn hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp có thể vay tới 2 tỷ đồng không cần tài sản bảo đảm. Liên hiệp hợp tác xã nuôi trồng thủy sản hoặc khai thác hải sản xa bờ, cung cấp dịch vụ phục vụ khai thác hải sản xa bờ được vay tối đa 3 tỷ đồng không cần tài sản bảo đảm.
Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, NHNN phát biểu tại Hội thảo |
Đối với nhóm chính sách ưu đãi lãi suất, hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác được hưởng trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND thấp hơn lĩnh vực sản xuất thông thường từ 1%-1,5%/năm (hiện đang áp dụng 4,0%/năm) khi hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên; được giảm lãi suất cho vay với mức tối thiểu 0,2%/năm so với lãi suất của các khoản cho vay cùng loại và có thời hạn tương ứng khi khách hàng mua bảo hiểm trong nông nghiệp.
Nhóm chính sách về cơ chế xử lý nợ đặc thù trong trường hợp khách hàng gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, thiên tai dịch bệnh trên phạm vi rộng (cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; khoanh nợ).
Nhờ những giải pháp trên, theo thống kê của NHNN, đến cuối tháng 2/2024, tín dụng đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đạt 6.024 tỷ đồng đối với khoảng 1.200 đối tượng, giảm 1,69% so với cuối năm 2023...
Tuy nhiên theo bà Tùng, tín dụng đối với hợp tác xã còn khá khiêm tốn. Nguyên nhân do hợp tác xã thiếu tài sản bảo đảm, thiếu minh bạch tài chính, làm ăn kém hiệu quả, quản trị yếu. Ngoài ra, do dịch bệnh và khó khăn của nền kinh tế, cùng với áp lực biến động giá cả hàng hoá, nguyên vật liệu đầu vào nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động đầu tư, kết quả kinh doanh của hợp tác xã, dẫn đến nhu cầu vay vốn tín dụng của hợp tác xã giảm.
Ông Tô Hoài Thanh, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam cho rằng, hợp tác xã hiện nay vẫn khó tiếp cận vốn do tồn tại nhiều vấn đề như năng lực tài chính của hợp tác xã còn yếu, trong khi để vay vốn hợp tác xã phải có nguồn vốn tự có từ 20% - 30% vốn đầu tư của dự án. Đây là một yêu cầu bắt buộc khi vay vốn ngân hàng mà rất nhiều hợp tác xã hiện nay khó đáp ứng được. Ngoài ra, nhiều hợp tác xã không có đầy đủ hệ thống sổ sách theo quy định, thiếu hệ thống báo cáo chuẩn về tình hình tài chính; sổ sách kế toán chưa đáp ứng yêu cầu rõ ràng, minh bạch. Những tồn tại đó khiến các ngân hàng khó đánh giá hiệu quả hoạt động của hợp tác xã để thẩm định và quyết định việc cho vay.
Ông Tô Hoài Thanh, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam phát biểu ý kiến tại Hội thảo |
Bên cạnh đó, liên kết trong sản xuất của các hợp tác xã còn hạn chế, chủ yếu quy mô nhỏ, chưa hình thành các chuỗi liên kết sản xuất gắn từ đầu vào - sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nên còn nhiều rủi ro về thị trường, giá cả dẫn đến phương án sản xuất, kinh doanh khi vay vốn còn kém khả thi, hiệu quả….
Cần thêm nhiều chính sách thúc đẩy hợp tác xã phát triển
Theo bà Phạm Thị Thanh Tùng, thời gian tới, để thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tập thể, trong đó có hợp tác xã, về phía các Bộ, ngành, địa phương cần sớm trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Hợp tác xã (có hiệu lực 1/7/2024) để triển khai đồng bộ các cơ chế hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Đồng thời, thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể theo hướng tăng cường kiểm tra giám sát hoạt động của kinh tế tập thể trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật… Ưu tiên, bố trí và lồng ghép các nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng dân tộc thiểu số và miền núi để thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ hợp tác xã.
Tăng cường hiệu quả hoạt động của Quỹ hỗ trợ hợp tác xã tại các địa phương, hỗ trợ vốn, bảo lãnh vay vốn cho hợp tác xã.
Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh, hợp tác xã luôn có sự gắn bó chặt chẽ với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, luôn được cơ cấu trong chính sách ưu đãi của ngành Ngân hàng.
Toàn cảnh Hội thảo |
NHNN luôn xác định, hợp tác xã là đối tượng cần quan tâm, hỗ trợ, thông qua các chính sách gián tiếp và trực tiếp. Tuy nhiên, vì sao tín dụng với hợp tác xã vẫn ở mức khiêm tốn dù cơ chế, chính sách tích cực được triển khai, theo Phó Thống đốc, đây là câu chuyện cần phân tích rất rõ.
Đối với cơ chế, ngân hàng huy động tiền gửi để cho vay. Chính vì vậy, nếu đáp ứng đủ điều kiện, ngân hàng sẵn sàng cho vay. Minh chứng là tín dụng đối với kinh tế tư nhân, cho vay hộ gia đình vẫn tăng cao. Song thực tế đang cho thấy, ngay cả quỹ hỗ trợ cho hợp tác xã cũng chưa phát huy được vai trò ở từng địa phương. Vì vậy, vốn không phải là yếu tố vướng mắc, mà phải giải quyết những vấn đề căn cơ ở chính nội tại của hợp tác xã.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu kết luận hội thảo |
Đồng thời, Phó Thống đốc cũng cho rằng, cần tăng cường chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho hợp tác xã, như chính sách hỗ trợ tìm kiếm thị trường, tham gia chuỗi liên kết. Ngoài ra, tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho hợp tác xã, đổi mới, củng cố, sắp xếp lại các hợp tác xã.
Phó Thống đốc cho biết, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, thời gian tới NHNN sẽ chỉ đạo các TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới quy trình, thủ tục cho vay theo hướng đơn giản và phù hợp với đối tượng khách hàng là các hợp tác xã, nhưng vẫn phải bảo đảm đúng quy định của pháp luật và quản lý được chất lượng tín dụng; Nghiên cứu, triển khai các sản phẩm tín dụng phù hợp với đặc thù của kinh tế tập thể, hợp tác xã tăng cường kết nối để tháo gỡ khó khăn trong vay vốn.
“Cho vay tín chấp, hay thế chấp là do quyết định của NHTM dựa trên nguyên tắc đảm bảo an toàn vốn nhưng cũng không thể cứng nhắc, cần mạnh dạn hơn trong việc cho vay. NHNN đã giao quyền quyết định cho các NHTM trong việc này”, Phó Thống đốc cho biết.