Các nền kinh tế phát triển trước rủi ro khủng hoảng nợ
Tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển đang mạnh dần |
Viện Tài chính Quốc tế cho biết, nợ toàn cầu đã tăng thêm 10 nghìn tỷ USD lên mức cao kỷ lục là 307 nghìn tỷ USD trong nửa đầu năm nay và hơn 80% trong số đó là đến từ các nền kinh tế phát triển.
Chi phí đi vay của các chính phủ tăng vọt càng khiến các khoản nợ này thêm nặng gánh. Trong khi căng thẳng địa chính trị gia tăng làm tăng thêm chi phí. Tình hình càng trở nên nghiêm trọng trong một môi trường lãi suất cao và các NHTW đang có xu hướng thu hẹp sự hỗ trợ.
Peter Praet - cựu kinh tế trưởng tại NHTW châu Âu (ECB) cho biết, mặc dù nợ vẫn có vẻ bền vững, nhưng triển vọng là rất đáng lo ngại do nhu cầu chi tiêu dài hạn. “Ngày nay, bạn có thể quan sát rất nhiều quốc gia và bạn sẽ thấy rằng chúng ta không còn xa nữa sẽ xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính công”, Praet cho biết.
Còn theo Sophia Drossos - Chiến lược gia của quỹ phòng hộ Point72 Asset Management, nhu cầu tài trợ cao và việc NHTW loại bỏ hỗ trợ đang làm tăng sự không chắc chắn đối với các nhà đầu tư.
Trong khi Daniel Ivascyn, giám đốc đầu tư của PIMCO cho biết: “Mức thâm hụt và nợ khiến chúng tôi không thoải mái”. Các kế hoạch chi tiêu thiếu uy tín được coi là có nhiều khả năng gây ra tình trạng hỗn loạn thị trường nhất.
Về lâu dài, “quỹ đạo nợ chính phủ là mối đe dọa lớn nhất đối với sự ổn định tài chính và kinh tế vĩ mô”, Claudio Borio - Trưởng bộ phận tiền tệ và kinh tế của BIS cho biết.
Hơn 20 nhà kinh tế nổi tiếng, các nhà hoạch định chính sách và nhà đầu tư lớn nói với Reuters rằng Mỹ, Italia và Anh là những quốc gia đáng lo ngại nhất. Hiện nợ tại Anh, Mỹ và Ý đã gần bằng hoặc cao hơn 100% sản lượng của các quốc gia này.
Tại Mỹ, tranh cãi về ngân sách đã làm tổn hại đến uy tín của Mỹ, khiến nước này mất đi mức xếp hạng cao nhất AAA. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen gần đây cũng tỏ ra lo ngại về thâm hụt ngân sách và lãi suất tăng. Yellen nói với tờ Wall Street Journal tuần trước rằng chính phủ đã cam kết thực hiện “chính sách tài chính bền vững” và ngân sách có thể được điều chỉnh để đảm bảo điều đó.
Trong khi đó tại châu Âu, khoản nợ 2,4 nghìn tỷ euro của Italia là tâm điểm ở lục địa già, nơi IMF cho biết nợ cao khiến các chính phủ dễ bị khủng hoảng. Phí bảo hiểm rủi ro nợ của Italia đã tăng vọt khi nước này cắt giảm tăng trưởng và tăng dự báo thâm hụt ngân sách. Scope Ratings cảnh báo Italia có thể không đủ điều kiện tham gia chương trình mua trái phiếu quan trọng của ECB. Điểm tới hạn là khả năng nước này bị mất xếp hạng cấp đầu tư. Hiện Moody's xếp hạng nợ của Italia chỉ cao hơn một bậc, song với triển vọng tiêu cực.
Không chỉ riêng Italia mà tăng trưởng thấp và nợ cao là một rủi ro trên khắp châu Âu và Anh. “Nếu chúng ta không có triển vọng tăng trưởng sáng sủa hơn ở châu Âu thì tính bền vững của nợ có vẻ khá kém”, Daleep Singh - Nhà kinh tế toàn cầu về thu nhập cố định của PGIM và là cựu cố vấn của Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết.
Lãi suất cao càng làm tăng thêm áp lực. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ ước tính các khoản thanh toán lãi ròng của nước này sẽ tăng từ 2,5% lên 3,6% GDP vào năm 2033 và 6,7% vào năm 2053. Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách của Anh cũng dự kiến chi phí lãi vay sẽ tăng lên 7,8% doanh thu vào năm 2027-2028, từ mức 3,1% trong năm 2020-2021...
Theo giới chuyên môn, chi tiêu hiệu quả, cải cách và kế hoạch tăng trưởng là chìa khóa cho vấn đề nợ tại các nền kinh tế phát triển. Các nhà kinh tế nhấn mạnh, mặc dù không thể chấp nhận được nhưng thuế cần phải tăng, đặc biệt là ở Mỹ và Anh. Song song với đó, việc cắt giảm chi tiêu là không thể tránh khỏi.
Nhà kinh tế trưởng Clare Lombardelli của OECD cảnh báo rằng các cải cách đang được thực hiện chưa đủ. Sự chậm trễ sẽ ảnh hưởng đến khả năng của chính phủ trong việc giải quyết những cú sốc trong tương lai.
Moritz Kraemer, nhà kinh tế trưởng của LBBW, người giám sát việc hạ xếp hạng nợ chủ quyền châu Âu của S&P vào năm 2011 cho biết: “Nếu chúng ta cứ tiếp tục như hiện tại, chúng ta sẽ chứng kiến một cuộc khủng hoảng trong thập kỷ tới”.