Các ngân hàng trung ương ráo riết ngăn chặn nguy cơ suy thoái
Giảm lãi suất điều hành: Chặn đà suy thoái, đón đầu cho sự hồi phục | |
ECB bất ngờ giữ nguyên lãi suất | |
Fed cắt giảm lãi suất về 0%, triển khai chương trình nới lỏng định lượng 700 tỷ USD |
Tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia do dịch Covid-19, qua đó đã bơm thêm 50 tỷ USD ngân sách cho hoạt động chống dịch, cũng như tiết lộ kế hoạch dự trữ dầu thô và miễn thanh toán lãi suất cho các khoản vay sinh viên.
Nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm hỗ trợ hoạt động kinh tế - thương mại vốn đang bị đình trệ do dịch Covid-19 |
Về phía Cục Dự trữ Liên bang Fed, sáng ngày 16/3, Fed đã có hành động cắt giảm lãi suất chuẩn 1 điểm phần trăm xuống mức gần bằng 0, đồng thời cam kết tăng quy mô nắm giữ trái phiếu ít nhất 700 tỷ USD. Như vậy, tỷ lệ lãi suất cơ bản của ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới hiện vào khoảng 0% đến 0,25%, tương đương với mức thấp kỷ lục vào năm 2015. Cơ quan này cũng đã công bố một số hành động khác bao gồm cho phép các ngân hàng vay chiết khấu trong 90 ngày và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc xuống 0%. Ngoài ra, Fed cũng thỏa thuận với 5 ngân hàng trung ương khác để đảm bảo đồng bạc xanh sẽ có sẵn trên toàn thế giới thông qua hoạt động trao đổi.
Trước đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ chi nhánh New York vào cuối tuần trước đã thông báo sẽ bơm 1.500 tỷ USD để tiếp sức cho thị trường tài chính, trong bối cảnh tâm lý lo ngại nền kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng suy thoái phủ bóng lên các nhà kinh tế và giới đầu tư, kể từ khi ông Trump ra lệnh cấm tất cả các chuyến đi đến Mỹ từ châu Âu trong 30 ngày, ngoại trừ nước Anh.
Ngoài ra, Mỹ cũng đã thông qua gói chi tiêu ngân sách khẩn cấp trị giá 8,3 tỷ USD để tăng cường ứng phó với Covid-19, đồng thời cho biết chính phủ sẽ cung cấp các khoản vay lãi suất thấp cho những doanh nghiệp bị tổn thương vì dịch bệnh và cho phép các cá nhân bị ảnh hưởng bởi Covid-19 trả thuế chậm mà không bị tính lãi hay bị phạt.
Còn tại châu Âu - nơi đang được xem "tâm điểm" của Covid-19, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 12/3 dù quyết định không cắt giảm lãi suất, song đã thông qua gói kích thích kinh tế lên tới 120 tỷ EUR (135 tỷ USD) để trợ giúp cho nền kinh tế, nhất là với các ngân hàng đang gặp khó khăn do dịch bệnh. Hiện tại, thông qua việc giữ nguyên lãi suất chủ chốt ở mức -0,5% và triển khai song song gói thu mua trái phiếu và tín dụng ưu đãi đến hết năm 2020, ECB kỳ vọng điều này sẽ kích thích vay đầu tư trong nền kinh tế.
Riêng tại Đức, chính phủ đã tung ra gói hỗ trợ kinh tế lớn nhất kể từ sau Thế chiến thứ 2 trị giá 550 tỷ EUR (khoảng 614 tỷ USD) cho các doanh nghiệp mới kinh doanh. Ngoài ra, chính phủ đồng ý đến năm 2024 sẽ tăng mức đầu tư công thêm 12,4 tỷ Euro, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp yêu cầu trợ cấp hỗ trợ người lao động bị giảm giờ làm.
Tại Úc, ngày 13/3, Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA - Ngân hàng Trung ương Australia) đã bơm lượng tiền mặt lớn bất thường vào hệ thống tài chính trong nước. Cụ thể, trên thị trường giao dịch tiền điện tử, RBA đã bơm 8,8 tỷ AUD (khoảng 5,52 tỷ USD) vào hệ thống thông qua các thỏa thuận mua lại, cao hơn so với yêu cầu ước vào khoảng 3,4 tỷ AUD.
Còn tại khu vực châu Á, Nhật Bản cũng vừa thông qua gói cứu trợ khẩn cấp thứ hai với tổng trị giá lên tới gần 1.000 tỷ Yen (9,6 tỷ USD) để ứng phó Covid-19. Trong đó, 500 tỷ Yen là để hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp khó khăn và 430,8 tỷ Yen trong ngân sách của tài khóa 2019.
Theo đó, chính phủ Nhật sẽ cung cấp các khoản vay không lãi suất cho các doanh nghiệp cũng như tiểu thương bị thiệt hại về doanh thu từ 15% và 20% do dịch bệnh. Còn đối với các doanh nghiệp và tiểu thương có doanh thu giảm từ 5% - 14%, chính phủ sẽ cung cấp khoản vay với lãi suất dưới 1%. Mặt khác, chính phủ sẽ trợ cấp 4.100 Yen/ngày cho những người làm nghề tự do phải nghỉ việc để chăm sóc con cái khi trường học đóng cửa.
Trong khi đó, ngày 16/3, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) tiến hành cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) đối với các ngân hàng có đủ điều kiện, từ đó “giải phóng” 550 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 78,57 tỷUSD) từ các khoản dự trữ dài hạn. Trước đó, PBoC cũng đã bơm 300 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 42,8 tỷ USD) vào thị trường tài chính thông qua các hợp đồng repo ngược và công cụ cho vay trung hạn (MLF).
Tại khu vực Đông Nam Á, nhiều quốc gia cũng đã tung ra các gói kích thích kinh tế. Vào thứ 6 tuần trước, Ngân hàng Trung ương Indonesia đã công bố gói kích thích trị giá 120 nghìn tỷ rupiah (8,1 tỷ USD) để hỗ trợ nền kinh tế Đông Nam Á này trước sự lây lan của virus corona làm gián đoạn hoạt động toàn cầu. Gói kích thích, chiếm 0,8% tổng sản phẩm quốc nội, bao gồm miễn thuế thu nhập cho công nhân ngành sản xuất và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các công ty.
Với Singapore - một trong những quốc gia chịu tác động lớn nhất về y tế lẫn kinh tế tại châu Á do Covid-19, Chính phủ đã tung ra gói giải cứu đầu tiên trị giá 4 tỷ SGD cho doanh nghiệp từ giữa tháng trước bao gồm việc trợ cấp thu nhập cho người lao động và hoàn thuế cho các doanh nghiệp. Đáng chú ý đó là mỗi doanh nghiệp sẽ được hoàn thuế thu nhập doanh nghiệp hiện ở mức 25% trong năm nay, với mức hoàn tối đa là 15.000 SGD/doanh nghiệp.
Gần đây, khu vực Trung Đông cũng đã chính thức tham gia vào làn sóng nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng Trung ương các nước. Theo đó, Ngân hàng Trung ương Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) - hai nền kinh tế lớn nhất Trung Đông, vào ngày 15/3 đã tuyên bố đã chuẩn bị các gói kích thích tài chính với giá trị tổng cộng lên tới 40 tỷ USD để giảm thiểu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19.
Cụ thể, UAE sẽ chi 27 tỷ USD hỗ trợ các ngân hàng và doanh nghiệp nội địa, trong bối cảnh các khu vực kinh tế chủ chốt của nước này như du lịch, vận tải bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch bệnh. Về phía Ả Rập Saudi, ngân hàng trung ương nước này cho biết đã chuẩn bị một gói kích thích tài chính trị giá 13 tỷ USD để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ ứng phó với Covid-19. Theo đó, các doanh nghiệp tại Ả Rập Saudi sẽ được hoãn chi trả các khoản thanh toán cho ngân hàng trong nửa năm, đồng thời được ưu đãi tài chính và miễn giảm thuế thông qua một chương trình cho vay có bảo lãnh.