Cách nào để phim nhà nước ra rạp?
Tính đến sáng 12/3, bộ phim “Đào, phở và piano” của đạo diễn Phi Tiến Sơn đã thu được hơn 14,5 tỷ đồng (theo Box Office Việt Nam - đơn vị thống kê độc lập), kết quả này chưa tính doanh thu bán vé trực tiếp tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia. Như vậy, theo các chuyên gia, “Đào, phở và piano” sẽ sớm cán mốc hơn 15 tỷ doanh thu. Đây là điều rất đáng khích lệ đối với một bộ phim nhà nước đầu tư kinh phí và bất ngờ trở nên thu hút khán giả.
Cảnh trong phim “Đào, phở và piano” |
Nói bất ngờ, là bởi bộ phim này hoàn thành và không có chiến lược truyền thông gì đáng kể, bởi không có kinh phí truyền thông. Phim do Cục Điện ảnh (Bộ VHTTDL) đặt hàng, Công ty cổ phần Phim truyện 1 sản xuất. Dự án được đạo diễn Phi Tiến Sơn viết kịch bản và chỉ đạo thực hiện với kinh phí đầu tư 20 tỷ đồng. “Đào, phở và piano” ra mắt công chúng lần đầu tiên từ tháng 9/2023 và đoạt giải Bông sen Bạc tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 23 tổ chức tại tỉnh Lâm Đồng vào tháng 11/2023. Số tiền 20 tỷ đồng được nhiều chuyên gia điện ảnh cho là khá “khiêm tốn” đối với một bộ phim khai thác những câu chuyện lịch sử.
“Đào, phở và piano” tái hiện Hà Nội 60 ngày đêm khói lửa. Chuyện phim kể về câu chuyện tình yêu của anh tự vệ (Doãn Quốc Đam đảm nhận) và cô tiểu thư Hà thành (Cao Thùy Linh đóng). Họ đã vượt qua gian khó hiểm nguy để tìm lại nhau vào ngày cuối cùng của cuộc chiến (ngày 17/2/1947), khi quân ta rút ra chiến khu bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ. “Đào, phở và piano” là bộ phim tôn vinh cái đẹp và cốt cách tinh thần của người Hà Nội xưa. Trận chiến gần kề, nhưng từng người dân Thủ đô vẫn hiện lên với vẻ đẹp giản dị, yêu nước, cốt cách hào hoa, phong nhã. Họ yêu cuộc sống nhưng đầy quả cảm và sẵn sàng hy sinh để gìn giữ mảnh đất quê hương. Bộ phim có sự góp mặt của NSND Trung Hiếu, đạo diễn Trần Lực, diễn viên Doãn Quốc Đam, Cao Thùy Linh, Anh Tuấn, ca sĩ Tuấn Hưng...
Việc “Đào, phở và piano” ra mắt từ tháng 9/2023 nhưng đến tháng 1/2024 mới bất ngờ được xôn xao nhờ vào mạng xã hội đặt ra vấn đề phải thay đổi cách phát hành phim nhà nước như lâu nay vẫn thực hiện. TS. Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, cho rằng việc bộ phim “Đào, phở và piano” trở thành hiện tượng gây chú ý trong thời gian qua thực sự là tín hiệu mừng, song sẽ tốt hơn nếu có thể tận dụng được điểm nhấn này để lan tỏa, tạo xu hướng thưởng thức cho người xem, về lâu dài là tạo được sự thay đổi trong xu hướng làm phim của nhà sản xuất, như trước đây bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” đã làm được.
Theo bà Lan, muốn có công nghiệp văn hóa, đặc biệt là công nghiệp điện ảnh phát triển bền vững thì buộc phải duy trì tốt cơ chế hợp tác công - tư, đặc biệt là với các tác phẩm cần có sự đầu tư lớn. “Ngay cả với những phim có vốn 100% của nhà nước thì cũng rất cần có phương án phát hành, quảng bá hiệu quả. Thực tế, có nhiều hãng phim tư nhân chỉ chuyên sản xuất phim và họ phải hợp tác với các đơn vị phát hành chuyên nghiệp khác. Nghề quảng bá, tiếp thị, phát hành rất khác với sản xuất phim, bởi vậy, với những phim do nhà nước đặt hàng cũng cần dành một phần kinh phí cho việc hợp tác này, hoặc huy động các nguồn vốn khác dành cho việc quảng bá, tiếp thị”, TS. Ngô Phương Lan nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, đạo diễn Đào Thanh Hưng - Giám đốc Hãng phim tư nhân Miền đất điện ảnh, cũng cho rằng, với bất cứ bộ phim nào của Việt Nam, dù là phim thương mại hay phim nhà nước đặt hàng thì tất cả các dự án phim phải chuẩn bị cho mình kế hoạch phát hành cũng như các kế hoạch truyền thông và quảng bá một cách kịp thời mới có thể chạm được vào tất cả khán giả. “Cho nên rõ ràng là phim nhà nước đặt hàng đang không có kế hoạch phát hành, họ chỉ chiếu và mong chờ khán giả để ý thì đến, không để ý thì thôi, như thế rất lãng phí. Dù là phim tuyên truyền thì cũng cần khán giả, nên bộ phim cần phải đến được với đông đảo khán giả hơn nữa”, đạo diễn Đào Thanh Hưng nói.
Lý giải những khó khăn trong việc phát hành phim nhà nước đặt hàng, trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cho biết, phim sử dụng ngân sách nhà nước là sản phẩm, dịch vụ công nên việc đặt hàng sản xuất phim này bên cạnh thực hiện theo pháp luật về điện ảnh còn phải thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về giá và pháp luật liên quan. Bộ phim “Đào, phở và piano” được Cục Điện ảnh đề xuất đưa vào kế hoạch sản xuất phim hàng năm và cho đến nay, Cục Điện ảnh chưa đề xuất kinh phí phát hành phim cũng như cơ sở pháp lý để thực hiện phát hành rộng rãi trên hệ thống rạp đối với các phim đã đặt hàng sản xuất. Do vậy, không có cơ sở nêu "không được bố trí kinh phí phát hành trên hệ thống rạp". Ông Đông cũng nhấn mạnh, việc bố trí kinh phí phát hành, phổ biến phim thực hiện nhiệm vụ chính trị được bố trí kinh phí hàng năm theo đúng danh mục dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch.
“Chúng tôi hiểu rằng, tác phẩm điện ảnh do nhà nước đặt hàng muốn có sức lan tỏa cần phải được tiếp cận công chúng thông qua nhiều kênh phân phối. Chính vì vậy, ngày 6/2/2024, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch phát hành, phổ biến thí điểm một số phim sản xuất sử dụng ngân sách nhà nước tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia và một số Đài Truyền hình, Đài Phát thanh - Truyền hình trên toàn quốc. “Sau thời gian phát hành, phổ biến thí điểm này, Bộ VHTTDL sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý về phổ biến, phát hành phim sử dụng ngân sách nhà nước”, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết.