Cách tiếp cận mới trong đầu tư phát triển rừng
Agribank được chỉ định phục vụ dự án về quản lý rừng do ADB tài trợ | |
Lỗ hổng quản lý rừng |
"Gia đình tôi có 4,2 ha rừng. Sau 5 năm kể từ khi vay vốn của dự án chúng tôi đã có thu nhập 90-100 triệu đồng/ha sau khi đã trừ đi chi phí cây giống, phân bón, lãi suất. Hiện chúng tôi đã trả hết món vay và còn đủ tiền xây nhà mới và mua sắm đồ dùng hiện đại", ông Cao Dựa, xã Xuân Lộc, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết.
Đây chỉ là một trong 43.000 hộ gia đình tại các tỉnh miền Trung Việt Nam đã được vay vốn vi mô và hỗ trợ kỹ thuật để trồng trên 76.500 ha rừng trong Dự án Phát triển ngành lâm nghiệp của Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện từ 2005 đến 2015. Có điều đáng nói, đây là dự án đầu tiên và duy nhất áp dụng cách tiếp cận cho vay lại đối với các hộ trồng rừng tiểu điền thay vì các phương pháp cho không truyền thống.
Ảnh minh họa |
Nhìn nhận hạn chế của việc trồng rừng trước đây là do các cơ chế khuyến khích chưa đầy đủ, chưa định hướng thị trường đúng đắn, WB đã hỗ trợ Chính phủ giải quyết các thách thức trên thông qua việc nâng cao sinh kế nông thôn.
Đó là cải cách chính sách và luật pháp tạo môi trường đầu tư và thị trường nhằm thu hút các nhà đầu tư vào công tác trồng rừng, trong đó có các hộ gia đình, cộng đồng và DN tư nhân; Làm rõ vai trò của các lâm trường quốc doanh và khu vực ngoài Nhà nước trong trồng rừng thương mại, trong đó có cung cấp dịch vụ khuyến lâm dựa trên thị trường.
Cùng với đó là việc đẩy nhanh quá trình phân loại đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tăng cường năng lực quản lý mọi mặt trong trồng rừng tiểu điền. WB cũng đưa vào áp dụng cơ chế cấp vốn và hỗ trợ kỹ thuật cho cộng đồng và hộ nông dân nhỏ một cách minh bạch và tiết kiệm.
Với nguồn tài trợ của IDA cấp 72,3 triệu USD, Quỹ Môi trường toàn cầu cấp khoảng 16 triệu USD cùng sự trợ lực của chính phủ các nước Hà Lan, Phần Lan, Thụy Sĩ thông qua Quỹ Ủy thác Lâm nghiệp (TFF), sau 10 năm thực hiện, phương pháp này đã chứng tỏ phù hợp hơn nhiều so với cách hỗ trợ theo kiểu “cho không” truyền thống.
Trên 43.000 hộ, chủ yếu là hộ nghèo và cận nghèo khu vực miền Trung đã nhận được các khoản vay vi mô, cùng các hỗ trợ kỹ thuật và trồng trên 76.500 ha rừng. Dự án đã cấp vốn cho công tác khảo sát đất đai và tạo điều kiện cấp chứng nhận quyền sử dụng đất cho khoảng 35.000 hộ với 66.000 ha.
Các hộ nông dân có thể dùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay ưu đãi từ dự án do NHCSXH quản lý. Với việc thí điểm cấp Chứng chỉ Quản lý rừng quốc tế cho 850 ha đạt chuẩn quốc tế về kỹ thuật, xã hội và môi trường, giá gỗ được chứng nhận đã cao hơn 20% đến 30% so với gỗ thông thường cùng loại.
Cùng với đó, dự án đã nâng cấp trên 400 km đường lâm sinh, hỗ trợ xây dựng 86 chòi canh lửa và 102 biển báo trong khu vực dự án nhằm nâng cao ý thức người dân về bảo vệ rừng và hạn chế rủi ro cháy và gây thiệt hại rừng.
Bộ NN&PTNT khẳng định rằng gói hỗ trợ là yếu tố quan trọng giúp các nhà đầu tư nhỏ có niềm tin để thực hiện đầu tư trồng rừng. Dự án trên đã tạo cơ sở vững chắc giúp Việt Nam phát triển trồng rừng và xuất khẩu gỗ có chứng nhận trong tương lai. Cẩm nang trồng rừng tiểu điền được dự án hỗ trợ xây dựng đã được thể chế hóa và sử dụng cho các chương trình trồng rừng khác của Chính phủ Việt Nam.
Tuy dự án đã kết thúc vào tháng 3/2015, nhưng quỹ quay vòng do NHCSXH quản lý vẫn sẽ tiếp tục hoạt động 20 năm nữa và tạo điều kiện cho nhiều hộ nông dân tiếp tục vay vốn. Cơ chế cấp vốn của Quỹ Bảo tồn Việt Nam đã được đưa vào Quỹ Lâm nghiệp Việt Nam và sẽ cấp vốn cho các dịch vụ chi trả môi trường sau này.