Ngân hàng hỗ trợ người nuôi tôm vượt qua khó khăn
Vốn ngân hàng thúc đẩy nghề nuôi tôm hùm Ngân hàng hỗ trợ khách hàng nuôi tôm bị thiệt hại ở Phú Yên |
Người dân thiệt hại nặng nề
Điều đáng nói, không chỉ tôm hùm mà nhiều loại cá biển nuôi lồng bè và tôm, cá tự nhiên ở khu vực đầm Cù Mông cũng bỗng dưng chết. Theo thống kê của cơ quan chức năng địa phương, chỉ trong vòng một tuần, hơn 67 tấn tôm hùm, 62 tấn cá biển của 281 hộ nuôi của một số hộ dân tại thị xã Sông Cầu bị chết, ước thiệt hại hàng chục tỷ đồng…
Theo UBND thị xã Sông Cầu, nghề nuôi tôm hùm đã góp phần giải quyết việc làm cho hơn 4.000 hộ dân, với khoảng 10.000 lao động trực tiếp nuôi. Trong khi đó, nghề nuôi tôm hùm và các loại hải sản khác cũng đang chiếm tỷ trọng dư nợ lớn ở địa phương. Ông Hoàng Vũ Phi Phong, giám đốc Agribank thị xã Sông Cầu cho biết, toàn thị xã có 13 xã, phường, trong đó có nhiều địa phương tập trung phát triển nghề nuôi hải sản. Hiện, dư nợ của khách hàng nuôi tôm hùm chiếm đến 70% tổng dư nợ của đơn vị. Những năm gần đây, nghề tôm hùm ở Sông Cầu đang được mùa, được giá. Bên cạnh đó, ýthức trả nợ của bà con địa phương cũng rất tốt.
Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, qua khảo sát thực tế, cơ quan chức năng đánh giá nguyên nhân gây ra tình trạng tôm hùm, cá chết hàng loạt ở thị xã Sông Cầu trong thời gian qua do mật độ lồng nuôi quá dày, môi trường nuôi xấu kết hợp với diễn biến thời tiết phức tạp, nắng nóng oi bức, xuất hiện mưa giông đã làm nước bị phân tầng, tăng áp suất tầng đáy, thúc đẩy quá trình phân hủy chất hữu cơ, làm tiêu hao hàm lượng ô xy hòa tan trong nước, nhất là trong khoảng thời gian từ 0 - 3 h sáng. Ngoài ra, còn do hàm lượng một số loại khí độc từ đáy đầm tăng đột ngột vượt ngưỡng, nước tại vùng nuôi có mùi thối nặng cũng gây hiện tượng tôm cá, bị chết…
Ngân hàng trên địa bàn Phú Yên đã vào cuộc hỗ trợ người nuôi tôm vượt qua khó khăn |
Ngân hàng vào cuộc hỗ trợ
Được biết, tính đến tháng 7/2024, toàn tỉnh Phú Yên có trên 186.000 lồng nuôi trồng thủy sản, tăng gấp 3,8 lần so với số được quy hoạch. Để hạn chế tình trạng thủy sản nuôi bị chết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã đề nghị UBND thị xã Sông Cầu, thị xã Đông Hòa và huyện Tuy An chỉ đạo các xã, phường tuyên truyền cho người dân không thả nuôi với mật độ dày, giãn khoảng cách lồng để tăng lưu thông nước, tránh hiện tượng bị thiếu ôxy cục bộ tại lồng nuôi.
Trước những thiệt hại của bà con, bà Đỗ Thị Bích Diệu, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh Phú Yên cho biết, ngay sau khi các hộ nuôi tôm hùm, hải sản ở địa phương bị thiệt hại nặng nề, ngành Ngân hàng trên địa bàn đã nhanh chóng vào cuộc, thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ bà con thoát khỏi những khó khăn và sớm ổn định sản xuất trở lại...
Theo đó, NHNN chi nhánh Phú Yên đã thành lập Tổ công tác trực tiếp làm việc với các TCTD có chi nhánh, phòng giao dịch trên địa bàn thị xã Sông Cầu. Đồng thời, có công văn số 482/PHY1 yêu cầu các chi nhánh NHTM trên địa bàn và Ngân hàng Chính sách xã hội, chi nhánh Phú Yên báo cáo tình hình cho vay nuôi tôm hùm bị thiệt hại; yêu cầu các ngân hàng rà soát, đánh giá tình hình thiệt hại của khách hàng. Từ đó, đề xuất hướng xử lý và áp dụng giải pháp hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn, tái nuôi trồng vụ mới.
Qua tổng hợp báo cáo của các TCTD ở địa phương, trên toàn địa bàn có 8/17 ngân hàng cho vay nuôi tôm hùm, dư nợ 1.418,4 tỷ đồng đối với 5.986 hộ dân. Trong đó, có 4 ngân hàng phát sinh khách hàng bị thiệt hại, dư nợ bị thiệt hại 35,5 tỷ đồng (thống kê theo số dư nợ hiện tại của khách hàng tại ngân hàng) đối với 119 hộ dân…
Căn cứ theo quy định, chính sách của Chính phủ và các quy định pháp luật hiện hành, cũng như tình hình tài chính của các ngân hàng, các chương trình, chính sách ưu đãi lãi suất theo đối tượng quy định của từng ngân hàng, bước đầu các ngân hàng đã thực hiện một số giải pháp như, thực hiện giảm lãi suất cho vay cho khách hàng từ 1% đến 3%, cơ cấu nợ, miễn giảm lãi, cho vay bổ sung thêm vốn để hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn. Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội, chi nhánh Phú Yên cũng đã áp dụng các giải pháp (theo cơ chế xử lý nợ rủi ro được quy định riêng) gồm: gia hạn nợ đối với khách hàng có mức độ thiệt hại về vốn và tài sản dưới 40%; khoanh nợ đối với khách hàng có mức độ thiệt hại về vốn và tài sản từ 40% đến 100%; cho vay bổ sung để khôi phục sản xuất theo chương trình chính sách cụ thể của ngân hàng.
Bà Trần Thị Chặc, ở thôn Vịnh Hoà, xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu cho biết, ngay sau khi tôm hùm nuôi bị chết, bà đã được Agribank thị xã Sông Cầu cho vay lại với số tiền 200 triệu đồng với lãi suất ưu đãi. Nhờ vậy, trong thời điểm rất khó khăn bà có số vốn để đầu tư, phục hồi nghề nuôi tôm truyền thống của gia đình. Tương tự, ông Lê Văn Sang, trú cùng địa phương chia sẻ, gia đình cũng đã được Agribank thị xã Sông Cầu, tạo điều kiện cho vay mới số tiền 150 triệu đồng. Với số vốn này, bước đầu gia đình đã có khoản kinh phí để khắc phục hậu quả và đầu tư nuôi vụ tôm mới…
Cũng theo Đỗ Thị Bích Diệu, NHNN chi nhánh Phú Yên sẽ tiếp tục theo dõi tình hình, yêu cầu các TCTD báo cáo cụ thể kết quả hỗ trợ đối với khách hàng và đề xuất, tham mưu các giải pháp hỗ trợ cho hộ dân phù hợp (nếu phát sinh diễn biến mới...). Bên cạnh đó, yêu cầu các TCTD trên địa bàn tiếp tục theo dõi và tạo điều kiện cho vay mới đối với khách hàng nuôi trồng hải sản có nhu cầu, cho vay với lãi suất ưu đãi để người nuôi tôm sớm có điều kiện phục hồi sản xuất.