Cải cách hành chính: Nền tảng cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ nền kinh tế
Sáng 25/5/2021, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ đã Hội nghị Công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2021 (PAR INDEX 2020) của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ chủ trì.
CCHC có sự thống nhất từ Thống đốc NHNN đến từng cán bộ
Theo Báo cáo PAR INDEX 2020, kết quả Chỉ số CCHC năm 2021 các bộ, cơ quan ngang bộ tiếp tục tập trung vào 2 nhóm điểm. Nhóm thứ nhất, đạt kết quả Chỉ số CCHC trên 90% vẫn tiếp tục là 03 đơn vị: Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, với kết quả điểm bám sát nút nhau tương ứng: 91,90; 91,99 và 90,37.
Trong đó, NHNN đứng đầu trong chỉ số thành phần "Công tác chỉ đạo điều hành CCHC của các Bộ và cơ quan ngang bộ với số điểm tối đa 9 điểm và kết quả chỉ số thành phần đạt 100%. Chỉ số thành phần "Cải cách Tài chính công" cũng đã có sự đột phá mới khi xếp vị trí thứ 2 với điểm số 11,93 trong khi đó mức điểm tối đa là 12,5 điểm, với kết quả chỉ số thành phần đạt 95,44%.
Chỉ số "Hiện đại hóa hành chính" của NHNN cũng tiến lên vị trí thứ 2 với điểm số 15,55 (điểm tối đa 16,5) cùng kết quả chỉ số thành phần đạt 94,23%. Điểm điều tra xã hội học đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng các bộ ngành cho thấy hiệu quả tích cực từ CCHC của NHNN trong đời sống kinh tế - xã hội.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN, Thủ truởng Hành chính Cơ quan NHTW Đào MInh Tú cho biết, những kết quả tích cực trong lĩnh vực CCHC trong năm 2021 cũng như trong suốt thời gian qua được kết tinh từ việc NHNN luôn bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về CCHC và cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp; Bám sát sự chỉ đạo sát sao của Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ. Từ đó, đề ra chương trình hành động của toàn Ngành cả giai đoạn 5 năm, 10 năm và kế hoạch nhiệm vụ từng năm.
Đặc biệt với sự quyết tâm và chỉ đạo sát sao của Thống đốc NHNN, quan điểm, trọng tâm trong điều hành CCHC của NHNN luôn có sự thống nhất từ Thống đốc NHNN đến từng cán bộ, nhân viên trong Ngành, từ các cơ quan đơn vị tại TW đến địa phương và thường xuyên được đánh giá, cập nhật bổ sung thêm các nhiệm vụ mới.
NHNN thường xuyên, giám sát, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện của các đơn vị trong toàn Ngành để nắm vững tình hình, kịp thời chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn vướng mắc. Định kỳ, Lãnh đạo NHNN, Ban chỉ đạo của Ngành đều trực tiếp đi kiểm tra tại các địa phương, các đơn vị trong Ngành về việc tổ chức triển khai các chương trình, kế hoạch CCHC.
NHNN đã tập trung chỉ đạo triển khai toàn diện 6 lĩnh vực CCHC, trọng tâm vào 3 trụ cột đó là cải cách hoàn thiện thể chế; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong hoạt động nghệp vụ; quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói chung và công chức công vụ nói riêng.
Trong đó chỉ đạo toàn Ngành tiếp cận ứng dụng nhanh công nghệ số, chuyển đổi số trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng; đưa nhiều sản phẩm tiện lợi, an toàn nhất, có nhiều lựa chọn cho doanh nghiệp và người dân trong các lĩnh vực tiền tệ, tín dụng, thanh toán. Đến nay, CNTT đã được ứng dụng trong hầu hết các hoạt động nghiệp vụ, hoạt động quản lý và điều hành của NHNN.
NHNN cũng đã chủ động đề xuất với Chính phủ và chủ động phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương thực hiện các chương trình cải cách thủ tục hành chính, triển khai giải pháp thanh toán điện tử đối với các dịch vụ công và tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Nền tảng cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ nền kinh tế
Đặc biệt, trong năm 2021, đây là thời điểm đại dịch Covid-19 diễn biến vô cùng phức tạp, gây ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế-xã hội và hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước.
Dù trong điều kiện có không ít khó khăn, nhưng NHNN vẫn quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu CCHC theo tinh thần Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ về Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021 – 2030 và Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về CCHC. Hơn thế, bằng chính những kết quả trong CCHC, đã tạo được những công cụ hữu hiệu để NHNN triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện thành công chính sách tiền tệ, qua đó, củng cố niềm tin của người dân vào các mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, giữ vững giá trị đồng bản tệ, thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Những giải pháp quyết liệt của NHNN để tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khắc phục khó khăn do dịch Covid-19 đều đạt được kết quả tích cực.
Tín dụng toàn nền kinh tế năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 cao hơn cùng kỳ, đáp ứng kịp thời nhu cầu của nền kinh tế, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, vốn được tập trung cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên.
Hệ thống văn bản QPPL tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý để NHNN điều hành chính sách tiền tệ hiệu quả; khơi thông nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho các khu vực sản xuất kinh doanh; phát triển các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, đảm bảo an ninh an toàn trong các giao dịch thanh toán. Kịp thời ban hành các văn bản, tạo cơ sở pháp lý cho các TCTD thực hiện các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Lũy kế từ 23/01/2020 đến 14/3/2022 tổng số tiền lãi TCTD miễn, giảm, hạ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch khoảng 45.000 tỷ đồng. Tổng số tiền phí dịch vụ thanh toán qua hệ thống TTĐTLNH và qua hệ thống NAPAS đã giảm cho khách hàng khoảng 2.557 tỷ đồng trong năm 2020-2021.
Trong năm 2021, NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1844/QĐ-TTg ngày 02/11/2021 về phê duyệt Phương án cắt giảm, đơn giản hóa các quy định kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của NHNN. Theo đó, trong hai năm 2021, 2022 NHNN sẽ cắt giảm được 5% trên tổng số quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc các lĩnh vực hoạt động ngân hàng.
Đồng thời, NHNN trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của NHNN (thay thế Nghị định số 16/2017/NĐ-CP); nghiên cứu thành lập đơn vị độc lập thuộc NHNN quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hoạt động công vụ, công chức, xây dựng đội ngũ công chức, viên chức có số lượng, cơ cấu hợp lý và có chất lượng tốt.
Công tác quản lý tài chính tiếp tục được NHNN tổ chức thực hiện chặt chẽ, theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn về vốn và tài sản, đáp ứng đầy đủ kinh phí cho yêu cầu hoạt động thường xuyên của các đơn vị thuộc NHNN, gắn với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để dành nguồn lực phòng, chống Covid-19.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, trong những năm tiếp theo, Đảng, Nhà nước, Chính phủ tiếp tục coi công tác CCHC, cắt giảm đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, đẩy mạnh triển khai Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số là một trong các nhiệm vụ trọng tâm quan trọng của đất nước.
Căn cứ vào chủ trương, định hướng của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, NHNN đã xác định các nhiệm vụ CCHC giai đoạn 2021-2030 và năm 2022 trong đó, ngành Ngân hàng sẽ tập trung vào 3 trụ cột chính, gồm: cải cách hoàn thiện thể chế về hoạt động ngân hàng; đẩy mạnh chuyển đổi số; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban chỉ đạo CCHC, sự phối hợp tích cực của các Bộ, Ban, ngành; cùng với nỗ lực cải cách của toàn ngành Ngân hàng, NHNN sẽ hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch CCHC, góp phần thực hiện tốt chương trình tổng thể CCHC 10 năm của Chính phủ.