Cải cách thể chế môi trường kinh doanh: Vẫn thấp thoáng tư duy cũ
Nhiều điểm sáng trong “dòng sông” thể chế
Sáng 12/1, tại Hà Nội, Hội thảo công bố Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2020 do VCCI tổ chức đã diễn ra. Đây là hoạt động thường niên của VCCI nhằm ghi lại bức tranh pháp luật kinh doanh của Việt Nam trong mỗi năm.
TS.Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu khai mạc Hội thảo |
Phát biểu tại Hội thảo, TS.Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng: Năm 2020 là một năm đặc biệt, nhưng vẫn là năm thành công của nền kinh tế Việt Nam. Thành tích tăng trưởng có đóng góp quan trọng của công tác xây dựng pháp luật.
Ông Lộc đánh giá, trong bối cảnh của năm qua, có hai dòng chảy mạnh mẽ trong “dòng sông” của thể chế. Thứ nhất là dòng chảy kịp thời của các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn của dịch bệnh; thứ hai là dòng chảy bền bỉ, mạnh mẽ của chính sách cải cách thể chế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và của cả quốc gia.
Cũng theo Chủ tịch VCCI, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong năm nay xuất phát từ bối cảnh đặc biệt là dịch bệnh COVID-19. Ngay từ đầu năm, 4/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 11 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19. Thực hiện Chỉ thị này, các bộ, ngành đã ban hành đến ít nhất 95 văn bản để cụ thể hoá các chính sách hỗ trợ.
Ngoài ra, trong năm qua, điểm sáng mà doanh nghiệp đánh giá cao đó là 2 nghị định về thúc đẩy khởi sự kinh doanh.
Cụ thể, Nghị định 122/2020/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành đã xây dựng quy trình liên thông giữa các thủ tục đăng kí doanh nghiệp, khai trình việc sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội, thủ tục về hóa đơn, chứng từ, tích hợp ba quy trình…
Theo quy định mới này, doanh nghiệp sẽ chỉ phải chuẩn bị một bộ hồ sơ, kê khai 1 biểu mẫu, thực hiện tại 1 cơ quan và nhận 1 kết quả thống nhất, rút ngắn được tối đa thời gian gia nhập thị trường của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, nếu như trước đây bất kì chủ thể kinh doanh nào gia nhập thị trường đều phải đóng lệ phí môn bài thì theo Nghị định 22/2020/NĐ-CP, trong năm đầu tổ chức cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình mới ra hoạt động kinh doanh hoặc mới thành lập cơ sở sản xuất kinh doanh sẽ không phải đóng lệ phí môn bài. Việc miễn đóng lệ phí môn bài trong năm đầu tiên kinh doanh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể kinh doanh khi gia nhập thị trường.
Toàn cảnh Hội thảo |
Chủ tịch VCCI cho rằng, đây là 2 văn bản có ý nghĩa rất lớn trong việc cắt giảm chi phí khởi sự kinh doanh của các chủ thể kinh doanh, dự báo sẽ giúp Việt Nam thăng hạng mạnh mẽ về Bảng xếp hạng Chỉ số gia nhập thị trường của Ngân hàng Thế giới trong năm tới.
Cũng theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, 2 nghị định trên đã thể hiện sự chuyển đổi tư duy và nỗ lực của Việt Nam trong vấn đề cải thiện gia nhập thị trường của doanh nghiệp.
Theo ông Tuấn, điều này phục vụ cho một trong những mục tiêu rất quan trọng của Chính phủ là thành lập thêm nhiều doanh nghiệp mới, đóng góp thêm công ăn việc làm, là động lực phát triển quan trọng của quốc gia. Muốn vậy, rào cản về gia nhập thị trường phải được gỡ bỏ, doanh nghiệp phải kinh doanh bình đẳng, thuận lợi hơn.
Vẫn thấp thoáng những “tư duy cũ”
Theo Chủ tịch VCCI, dù đã có nhiều bước tiến mới nhưng vẫn còn “thấp thoáng” tư duy cũ trong các văn bản pháp luật. Điều kiện về gia nhập thị trường còn nhiều vướng mắc, việc ban hành và thực hiện chính sách vẫn còn chưa nhất quán, chậm trễ.
Đơn cử như các quy định có tính chất gia tăng về chi phí tuân thủ của doanh nghiệp một cách bất hợp lý, như dự kiến bổ sung giấy phép con cho người lái xe trong lĩnh vực kinh doanh vận tải, gia tăng điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực thẩm định giá, các quy định có tính chất can thiệp vào thị trường một cách không hợp lý…
Môi trường kinh doanh đã có nhiều thuận lợi trong năm qua |
Không chỉ là những văn bản được ban hành trong năm 2020, ông Lộc cho biết những quy định đã được ban hành trong các năm trước qua rà soát cũng có nhiều vấn đề bất cập.
“Chẳng hạn trong lĩnh vực mà dù đã có nhiều cải cách nhưng các quy định gia nhập thị trường, về điều kiện kinh doanh còn bất cập, thủ tục hành chính phức tạp. Vẫn còn hiện tượng chồng chéo về thẩm quyền quản lý trong một số hoạt động kinh doanh”, Chủ tịch VCCI dẫn chứng.
Ông Đậu Anh Tuấn cho biết, qua việc rà soát 410 văn bản về điều kiện gia nhập thị trường, tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp, có thể thấy dù đã có nhiều nỗ lực nhưng nhóm quy định về gia nhập thị trường vẫn còn tồn tại hạn chế.
Đơn cử như việc quản lý các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, dù Luật Đầu tư 2020 đã bỏ 7 ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhưng thực tế vẫn còn có thể bãi bỏ một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện nữa. Có thể kể như: Kinh doanh dịch vụ kế toán; kinh doanh dịch vụ làm thủ tục hải quan; kinh doanh dịch vụ làm thủ tục thuế; xuất khẩu gạo; kinh doanh vàng trang sức, thủ công mỹ nghệ; kinh doanh dịch vụ việc làm.
Đồng thời, Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh của VCCI cũng chỉ ra, việc quản lý ở một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện còn chồng chéo và tạo gánh nặng thủ tục cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, điều kiện kinh doanh ở một số lĩnh vực chưa đảm bảo tính hợp lý và minh bạch.