Cần cẩn trọng với áp lực lạm phát
Lĩnh vực ngân hàng góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định nền kinh tế | |
Chính sách tiền tệ đúng hướng, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô | |
Lạm phát vẫn an toàn trong dư địa hẹp |
Áp lực gia tăng
Giá dầu mỏ cũng bước sang tuần thứ 7 liên tiếp duy trì đà tăng, thậm chí nhiều dự báo cho thấy giá dầu mỏ tiếp tục đà tăng trong năm tới. Ảnh hưởng của giá dầu thế giới, giá xăng dầu trong nước cũng đã 2 lần tăng khá mạnh. Trong khi 2 tuần vừa qua, giá thịt lợn đã tăng trở lại. Chưa hết, hiện nền kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi khi dịch bệnh trong nước cơ bản được kiểm soát cũng sẽ tác động đến lạm phát. Ngoài ra nhu cầu tiêu dùng thường tăng cao trong dịp cận Tết Nguyên đán cũng tạo thêm áp lực cho lạm phát trong thời gian tới.
Theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), thị trường hàng hóa thế giới trong tháng cuối năm 2020 sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng đan xen do tình hình dịch bệnh vẫn có những diễn biến phức tạp, các tác động từ tình hình địa - chính trị thế giới… từ đó có những ảnh hưởng đan xen, trái chiều đến kinh tế cũng như tình hình giá cả thị trường. Trong nước, giá một số mặt hàng thiết yếu, có tác động lớn đến CPI vẫn tiềm ẩn khả năng diễn biến khó lường, trong khi thời điểm cuối năm là thời gian cao điểm chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết Nguyên đán.
Nhu cầu tiêu dùng thường có xu hướng tăng cao vào dịp tết |
Bởi vậy theo các chuyên gia, mặc dù có thể khẳng định lạm phát năm nay chắc chắn dưới mức 4% nhưng áp lực tăng lên là có, nhất là trong năm tới và cẩn trọng vẫn là cần thiết.
Lạc quan nhất trong số các chuyên gia mà Thời báo Ngân hàng tham khảo ý kiến là TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính. “Nếu tính theo lạm phát bình quân thì CPI 11 tháng năm 2020 tăng 3,51% so với cùng kỳ 2019. Nhưng CPI tháng 11 đã giảm so với tháng 10 (giảm 0,01%), chỉ tăng 0,08% so với tháng 12/2019 và tăng 1,48% so với cùng kỳ 2019. Như vậy ngay cả khi lạm phát có tăng cao hơn trong tháng 12 này thì cũng gần như không tăng so với tháng 12/2019”, TS. Độ phân tích. Theo chuyên gia này, việc giá thịt lợn tăng nhẹ hiện nay hay hai đợt tăng giá xăng dầu gần đây dù tạo ra những áp lực nhất định nhưng tác động là “không đáng kể”. Bởi vậy lạm phát bình quân năm nay sẽ chỉ ở khoảng 3% và năm 2021 thậm chí còn thấp hơn mức này.
Càng không thể lơ là trong năm 2021
Cơ bản cùng quan điểm trên, nhưng theo TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, trong bối cảnh hiện nay thì về mặt tổng thể, áp lực đối với lạm phát không lớn. “Tuy nhiên, biến động giá nhiên liệu và giá lương thực, thực phẩm (đặc biệt là giá thịt lợn) gần đây là những vấn đề cần quan tâm”, TS. Thành lưu ý về các áp lực ngắn hạn với lạm phát.
Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV cho rằng, xu hướng giá dầu trên thế giới tăng và giá xăng dầu trong nước cũng đã tăng hai lần liên tiếp sẽ là một trong những nguyên nhân khiến CPI tháng 12 sẽ tăng cao hơn tháng 11 vừa qua. Bên cạnh đó, giá thịt lợn tăng và tính thời vụ về hàng hóa, dịch vụ khi nhu cầu dịp cuối năm tăng cũng sẽ đẩy mặt bằng giá cả lên một chút. “Tuy nhiên tính chung cả năm lạm phát bình quân vẫn sẽ ở mức thấp. Theo dự báo của chúng tôi chỉ tăng khoảng 3,5% cho cả năm nay”.
Nhìn qua năm 2021, TS. Cấn Văn Lực cho rằng có một số yếu tố có thể đẩy áp lực lạm phát lên đáng kể. Trước tiên là khả năng phục hồi mạnh của kinh tế toàn cầu nói chung, của Việt Nam nói riêng trên nền tăng trưởng thấp của năm nay. Khi kinh tế phục hồi thì nhu cầu về hàng hóa, dịch vụ tăng, qua đó sẽ đẩy mặt bằng giá cả lên.
Cùng với tăng trưởng phục hồi, lạm phát trên toàn cầu dự báo cũng có thể tăng tương đối. Trong đó, ngoài tác động do nhu cầu tăng thì lượng tiền mà các nước, các ngân hàng trung ương bơm ra để phòng chống dịch, hỗ trợ phục hồi kinh tế lớn, hay các động thái tiếp tục nới lỏng tiền tệ, giảm lãi suất… trong thời gian qua (và có độ trễ) nên sẽ có tác động mạnh hơn trong năm tới. Bên cạnh đó, các dự báo đều cho thấy giá các hàng hóa cơ bản, trong đó có giá dầu vẫn tiếp tục xu hướng tăng trở lại, dù mức tăng không lớn nhưng cũng tạo thêm sức ép.
Trong khi đó ở trong nước, lộ trình tăng giá một số hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý cũng phải thực hiện… “Những yếu tố như vậy cho thấy áp lực lạm phát sẽ cao hơn đáng kể trong năm 2021. Tuy nhiên, chúng tôi dự báo lạm phát vẫn sẽ trong tầm kiểm soát ở mức dưới 4% (cụ thể dự báo tăng trong khoảng 3,7-3,9%), tức là chúng ta cũng không lo ngại sẽ xảy ra tình trạng lạm phát bùng phát trở lại”, TS. Cấn Văn Lực nói.
Trong bối cảnh nhu cầu yếu và chưa thể phục hồi mạnh, hầu hết các dự báo đều cho rằng áp lực với lạm phát hiện nay cũng như trong năm tới là không lớn. Hơn nữa, với những kinh nghiệm điều hành đã có thì chắc chắn lạm phát sẽ kiểm soát được. Tuy nhiên, không thể lơ là, chủ quan vẫn là khuyến nghị được các chuyên gia đưa ra, đặc biệt là trong năm tới. “Về phía chính sách tiền tệ, chắc chắn NHNN sẽ tính toán để đưa ra một lượng cung tiền phù hợp. Năm nay M2 tăng khoảng 11-12% và chúng tôi dự báo năm tới có thể cao hơn, có thể trong khoảng 12-14%; tín dụng năm tới có thể khoảng 10-12% là phù hợp”, TS. Cấn Văn Lực dự báo.
Chuyên gia này khuyến nghị, một điểm cần quan tâm nhất là hoạt động phối hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, trong đó có việc kiểm soát về giá cả. Bên cạnh đó, lộ trình tăng giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý cũng sẽ cần cân nhắc lùi lại nếu áp lực lạm phát lớn hơn. Trong ngắn hạn, để giữ cho giá cả thị trường không xảy ra những biến động tăng mạnh trong tháng 12 này và tháng 1/2021 – tháng cao điểm cận Tết Nguyên đán, cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành, địa phương trong quản lý, điều hành, bình ổn giá, nhất là các mặt hàng thiết yếu.