Lạm phát vẫn an toàn trong dư địa hẹp
Hỗ trợ nền kinh tế, nhưng đảm bảo kiểm soát lạm phát | |
Tạm gác lại nỗi lo lạm phát | |
Nới “room” tín dụng: Áp lực lên lạm phát không lớn |
Lạm phát giảm tốc
Tổng cục Thống kê cho biết, mặt bằng giá 9 tháng năm nay tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước và có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản. Ngay từ tháng 1 đã tăng 6,43%, ảnh hưởng đến công tác quản lý, điều hành giá của năm 2020, dẫn đến việc kiểm soát lạm phát theo mục tiêu dưới 4% Quốc hội đặt ra gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nhưng với sự chỉ đạo, điều hành sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, mức tăng của CPI được kiểm soát dần qua từng tháng. Theo đó mức tăng CPI bình quân 8 tháng (3,96%) bắt đầu xuống dưới mức 4%, đến 9 tháng tiếp tục theo xu hướng giảm tốc dần xuống còn 3,85%.
Đi sâu phân tích nguyên nhân đẩy CPI 9 tháng tăng, cơ quan này cho biết, là do một số yếu tố sau. Thứ nhất giá các mặt hàng lương thực tăng 4,03% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung tăng 0,15%; trong đó giá các mặt hàng thực phẩm tăng 14,31% so với cùng kỳ năm trước làm CPI chung tăng 3,05%, đặc biệt riêng giá thịt lợn tăng 70,55% đã làm CPI chung tăng 2,39%.
Diễn biến lạm phát |
Thứ hai, giá thuốc và thiết bị y tế tăng 1,43% do dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp nên nhu cầu về mặt hàng này ở mức cao và tại một số thời điểm, một bộ phận người dân tập trung đi mua hàng dự trữ nhu yếu phẩm nên có những tác động nhất định đến tâm lý chung toàn xã hội...
Mặc dù lạm phát đang có xu hướng giảm tốc và hiện đang ở dưới mức mục tiêu mà Quốc hội đề ra, song theo giới chuyên môn, chưa thể chủ quan với lạm phát khi mà giá thịt lợn và xăng dầu vẫn diễn biến phức tạp, trong khi đại dịch Covid-19 chưa được kiểm soát trên bình diện thế giới.
Tổng cục Thống kê cũng dự kiến trong những tháng cuối năm sẽ có một số yếu tố chính ảnh hưởng đến lạm phát là giá nhiên liệu, giá lương thực và thời tiết bất lợi. Theo dự báo, giá xăng dầu, giá nhiên liệu sẽ có những diễn biến phức tạp, khó lường và nhiều khả năng tiếp tục xu hướng tăng do nhu cầu thế giới phục hồi khi các quốc gia đang dần nới lỏng các biện pháp cách ly xã hội và khôi phục sản xuất. Trong khi giá thóc gạo chịu các tác động trái chiều khi Hiệp định EVFTA tạo động lực tích cực cho xuất khẩu gạo của Việt Nam, nhu cầu gạo của thế giới ở mức cao do dịch bệnh ở nhiều nước còn diễn biến phức tạp. Nhưng do nguồn cung trong nước dồi dào nên dự báo giá gạo có tăng nhưng tăng nhẹ và không ở mức cao. Ngoài ra rủi ro về thiên tai và thời tiết bất lợi có thể làm tăng giá một số mặt hàng thiết yếu tại những địa phương bị ảnh hưởng.
Không để kỳ vọng lạm phát tăng
Nói về công tác điều hành giá và kiểm soát lạm phát, bà Đỗ Thị Ngọc - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê cho biết, Chính phủ và các bộ, ngành đã nỗ lực rất lớn trong kiểm soát lạm phát. Trong các kỳ điều hành, Chính phủ đều phải có các giải pháp để bình ổn giá cả thị trường bằng chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để giảm thiểu tác động của lạm phát cũng như để làm giảm lạm phát kỳ vọng.
Dẫn chứng trường hợp giá xăng dầu, bà Ngọc cho biết, 9 tháng đầu năm giá dầu thô Brent trên thế giới tăng 37% so với cùng kỳ nhưng trong nước, giá dầu chỉ tăng 22%. Điều này là do liên bộ đã có sự phối hợp điều hành sử dụng quỹ bình ổn giá như một công cụ kinh tế để điều hành tăng - giảm giá trong các thời điểm, không tạo ra sự đột biến, không tạo ra sự tác động lan truyền từ đó giảm lạm phát kỳ vọng.
Dự báo về giá cả và lạm phát những tháng tới, Tổng cục Thống kê cho biết, trên cơ sở đánh giá, dự báo xu hướng giá cả thế giới và trong nước và với sự chỉ đạo và điều hành của Chính phủ, dự kiến CPI bình quân năm 2020 so với năm 2019 khả năng cao đạt mục tiêu Quốc đề ra dưới 4%.
Các chuyên gia về giá cả và lạm phát cũng tin rằng sẽ giữ được mức tăng lạm phát trong giới hạn 4%, nhưng cũng ý rằng dư địa rất hạn hẹp. “Việc điều hành giá cả và kiểm soát lạm phát 2020 phức tạp và khó khăn hơn rất nhiều so với mấy năm gần đây do Covid-19 đã đẩy thế giới vào cuộc khủng hoảng chưa từng có, lại thêm dịch tả lợn châu Phi. Bên cạnh đó là sự căng thẳng của cuộc chiến tranh thương mại và bất đồng nội bộ sâu sắc giữa các nước xuất khẩu dầu mỏ…”, PGS.TS.Ngô Trí Long cho biết.
Theo chuyên gia này, áp lực lạm phát là có, nhưng có thể vượt qua, đặc biệt khi các cơ quan điều hành chính sách đều khá thận trọng và chú trọng kiểm soát lạm phát, mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 4% là có thể đạt được. Tuy nhiên, theo quan điểm của ông, trong bối cảnh khó khăn và dịch bệnh vẫn phức tạp, thế giới đang có nhiều biến động bất định, khó lường, nếu lạm phát năm nay vượt mục tiêu Quốc hội đặt ra đôi chút cũng là điều có thể chấp nhận được.
Các chuyên gia nhấn mạnh với tình hình thị trường và giá cả đã được dự báo đòi hỏi công tác điều hành vẫn phải kiên định với ổn định vĩ mô và kiểm soát chặt chẽ thị trường giá cả, phải quyết liệt thực hiện nhanh và hiệu quả các giải pháp phục hồi kinh tế và phòng chống dịch bệnh, giữ vững niềm tin không để kỳ vọng lạm phát tăng. Dù như Tổng cục Thống kê đã nhận định lạm phát cả năm vẫn giữ được mục tiêu nhưng các chuyên gia vẫn nhấn mạnh: không chủ quan và lơ là với lạm phát.
Các chuyên gia cũng đề nghị Chính phủ và Ban chỉ đạo giá của Chính phủ tiếp tục yêu cầu các Bộ, ngành tiếp tục rà soát để đẩy nhanh thực hiện giảm giá các mặt hàng có khả năng giảm giá. Đối với các mặt hàng giá thị trường có xu hướng tăng cao trong thời gian gần đây, như thịt lợn, lương thực, xăng dầu cần chủ động rà soát, cân đối cung cầu, sử dụng hợp lý quỹ bình ổn giá để bình ổn thị trường. Đặc biệt với giá xăng dầu, yêu cầu Bộ Công thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá, sử dụng hợp lý quỹ bình ổn với liều lượng thích hợp, chủ động có kịch bản ứng phó nếu giá tăng cao, để tạo dư địa thuận lợi cho việc kiểm soát mặt bằng giá cả năm.