Cần giảm thủ tục nhận tiền hỗ trợ sau thiên tai, dịch bệnh
Từ đầu tháng 7/2024 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã có văn bản lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương nhằm góp ý cho Dự thảo Nghị định quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất các vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh thực vật (thay thế Nghị định số 02/2017/NĐ-CP).
Tuy nhiên, hiện nay trong bối cảnh nhiều tỉnh thành phía Bắc đang tập trung khắc phục hậu quả do Bão số 3 và mưa lũ, sạt lở đất, đồng thời mùa mưa bão tại các tỉnh miền Trung cũng đang bắt đầu vào các tháng cao điểm, nhiều ý kiến cho rằng cơ quan soạn thảo Nghị định cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện pháp lý để kịp thời trình Chính phủ ban hành, góp phần hỗ trợ các vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh thời gian qua.
Bên cạnh cá nhân, hộ gia đình và các mô hình kinh tế tập thể, Vasep đề nghị bổ sung thêm doanh nghiệp vào danh sách đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh |
Từ phía Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), đại diện các doanh nghiệp ngành thủy sản đánh giá cao những bổ sung, cập nhật kịp thời của Bộ NN&PTNT trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 02/2017/NĐ-CP, nhất là việc tăng thêm đáng kể mức tiền hỗ trợ và đối tượng, địa bàn nhận hỗ trợ. Tuy nhiên, Vasep cho rằng, việc Ban soạn thảo không đưa “doanh nghiệp” vào danh mục các đối tượng được hưởng các khoản hỗ trợ thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trong dự thảo Nghị định là một thiếu sót, cần bổ sung.
Cụ thể, tại Khoản 1, Điều 4 Dự thảo Nghị định (quy định về đối tượng và điều kiện hỗ trợ), Bộ NN&PTNT chỉ quy định đối tượng hỗ trợ là “cá nhân, hộ gia đình; tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; cơ quan đơn vị thuộc lực lượng vũ trang; đơn vị sự nghiệp công lập”. Điều này sẽ khiến các doanh nghiệp ngành thủy sản nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung không được thụ hưởng chính sách hỗ trợ thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.
Trong khi đó, theo lập luận của đại diện Vasep, trong hiện tại và xu hướng tương lai, “doanh nghiệp” là một chủ thể không thể tách dời và ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản. Vì thế rất cần thiết phải bổ sung “doanh nghiệp” vào Khoản 1, Điều 4 Dự thảo Nghị định.
Cùng quan điểm với Vasep, đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, ngoài việc bổ sung doanh nghiệp vào nhóm đối tượng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, Ban soạn thảo Nghị định cần xem xét lại Điều 6 của Dự thảo Nghị định (quy định về trình tự, thủ tục hỗ trợ thiệt hại).
Vì hiện nay, theo bản Dự thảo mới nhất của Bộ NN&PTNT, 6 bước thủ tục hỗ trợ thiệt hại mới chỉ đề cập vấn đề ban hành quyết định hỗ trợ, chứ chưa đề cập đến việc chi trả thực tế.
Như vậy, có thể dẫn đến tình trạng từ thời điểm UBND cấp huyện ban hành quyết định hỗ trợ cho đến khi tiền hỗ trợ đến tay cơ sở sản xuất bị kéo dài không xác định thời hạn. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định thời hạn từ khi ban hành quyết định hỗ trợ đến khi chi trả thực tế.
Ngoài ra, tổng thời gian để thực hiện tất cả các công đoạn (từ khi bên bị thiệt hại nộp hồ sơ cho UBND cấp xã đến khi UBND cấp huyện ban hành quyết định hỗ trợ) kéo dài đến 70 ngày là quá dài. Điều này chưa phù hợp với mục đích của việc hỗ trợ là giúp cơ sở sản xuất nông nghiệp sớm khôi phục sản xuất sau thiên tai, dịch bệnh.
Cũng theo VCCI, thiên tai, dịch bệnh thường ảnh hưởng đến nhiều cơ sở sản xuất nông nghiệp cùng một lúc. Nếu yêu cầu từng cơ sở phải nộp hồ sơ và thực hiện thủ tục riêng lẻ có thể sẽ phức tạp và tốn kém chi phí, kéo dài thời gian. Trong những trường hợp đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu cơ chế để UBND cấp xã chủ trì tập hợp thống kê, đồng thời thẩm tra thiệt hại của các cơ sở sản xuất kinh doanh nhằm rút ngắn thời gian hỗ trợ khôi phục sản xuất.
Điều chỉnh tăng mức hỗ trợ khi thiệt hại do thiên tai dịch bệnh Theo Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 02/2017/NĐ-CP của Bộ NN&PTNT, mức hỗ trợ cho các cá nhân, tổ chức kinh tế bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh có sự điều chỉnh tăng thêm đáng kể so với các quy định trước đây. Cụ thể, đối với cây lúa, mức hỗ trợ tối đa là 30 triệu đồng/hecta (trường hợp mạ bị thiệt hại trên 70% diện tích) và mức hỗ trợ tối thiểu là 3 triệu đồng/hecta (trường hợp lúa mới gieo từ 1-10 ngày, thiệt hại từ 30-70% diện tích). Đối với cây trồng hàng năm mức hỗ trợ tối đa và tối thiểu lần lượt là 15 triệu đồng/hecta và 3.000.000 đồng/hecta. Cây trồng lâu năm mức hỗ trợ tối đa là 30 triệu đồng/hecta; mức hỗ trợ tối thiểu là 6 triệu đồng/hecta. Riêng đối với lĩnh vực lâm nghiệp, mức hỗ trợ tối đa dự kiến là 50 triệu đồng/hecta đối với trường hợp vườn ươm bị thiệt hại trên 70% diện tích và mức hỗ trợ tối thiểu là 4 triệu đồng/hecta trong trường hợp cây rừng, cây lâm sản ngoài gỗ trồng trên đất lâm nghiệp mới trồng đến 1/2 chu kỳ khai thác bị thiệt hại từ 30-70% diện tích. Riêng đối với lĩnh vực chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, mức hỗ trợ thiên tai dịch bệnh cao nhất dành cho các trường hợp: sản xuất giống thủy sản (hỗ trợ tối đa 20 triệu đồng/100 m3 bể bị thiệt hại); nuôi cá tra, cá cá nước lạnh thâm canh (tối đa 50 triệu đồng/hecta); nuôi bò sữa trên 6 tháng tuổi (hỗ trợ từ 4,1-12 triệu đồng/con); nuôi lợn nái và lợn đực đang trong chu kỳ khai thác (hỗ trợ 3 triệu đồng/con);… |