Cắt giảm tối đa thủ tục thực hiện dự án nhà ở xã hội
Thủ tục "cản bước" phát triển nhà ở xã hội Cần thay đổi tư duy về nhà ở xã hội Cần nhiều nguồn vốn khác nhau để thực hiện chương trình nhà ở xã hội |
Nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn, tuy nhiên thực tế đến nay có rất ít người lao động có thể tiếp cận được. |
Hồ sơ phải làm đi làm lại nhiều lần
Khảo sát chuyên đề về nhà ở xã hội của Ban Kinh tế tư nhân, có đến 57% người lao động có nhu cầu thuê hoặc mua nhà, trong đó có gần 1 nửa số lượng là có nhu cầu mua nhà ở xã hội. Điều này cho thấy nhu cầu rất lớn, tuy nhiên thực tế đến nay có rất ít người lao động có thể tiếp cận được.
Bên cạnh khan hiếm nguồn cung thì một trong những nguyên nhân chính là do các thủ tục xin thuê/mua nhà ở xã hội rất khó khăn, phức tạp. Hiện thủ tục xác minh người được thuê/mua nhà ở xã hội phải đáp ứng 3 điều kiện: Một là nơi cư trú: có hộ khẩu hoặc phải tạm trú và đóng bảo hiểm xã hội liên tiếp trên 6 tháng. Hai là mức thu nhập thấp, không thuộc diện đóng thuế thu nhập cá nhân (nghĩa là dưới 11tr/tháng). Cuối cùng là chưa có sở hữu nhà hộ gia đình.
Hiện có 2 điều kiện khó khăn nhất mà uỷ ban thường không chứng nhận đúng theo quy định của Sở, đó là chứng minh thu nhập thấp và chưa có sở hữu nhà theo hộ gia đình.
Một tư vấn viên thủ tục nhà ở xã hội chia sẻ, giấy tờ làm thủ tục mua nhà ở xã hội gặp nhiều khó khăn. Đến ủy ban để xác nhận là chưa có nhà ở sở hữu hộ gia đình thì uỷ ban sẽ trả lời là chỗ khác có nhà thì sao? Ủy ban không có cơ sở, căn cứ để mà xác nhận vấn đề đó. Nhiều người làm giữa chừng họ thấy khó quá, họ bỏ không làm nữa.
Chị Phương Hà (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ, nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp mà đòi hỏi quá nhiều chứng từ. Một bộ hồ sơ phải làm đi làm lại nhiều lần, tốn rất nhiều thời gian. Khi chị Phương Hà làm thủ tục thì lúc đó mức thu nhập phù hợp với tiêu chuẩn để làm hồ sơ mua nhà ở xã hội. Tuy nhiên, sau quá trình làm thủ tục bị kéo dài thời gian, mức lương chị lại tăng do đó không đáp ứng được tiêu chí.
Ông Nguyễn Hoàng Nam, Tổng giám đốc G-Home cho hay, việc phát triển dự án nhà ở xã hội gặp nhiều khó khăn bởi các thủ tục và chính sách ưu đãi đầu tư dành cho nhà đầu tư. Theo các luật hiện hành trước đây tưởng chừng các doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội được nhiều ưu đãi nhưng thực tế không ưu đãi như tưởng tượng của nhà đầu tư.
Chẳng hạn Khoản 3, Điều 54 Luật Nhà ở năm 2014 quy định, chủ đầu tư phải dành tối thiểu 20% diện tích nhà ở xã hội trong dự án để cho thuê, sau 5 năm mới được bán. Thực tế, với mỗi dự án nhà ở xã hội, chủ đầu tư chỉ được hưởng lợi nhuận tối đa 10%, trong khi họ phải dành ra tới 20% diện tích để cho thuê nên gần như không còn lợi nhuận.
Theo ông Nguyễn Hoàng Nam: "Đó là chưa kể còn một loạt các quy định khác nữa về ưu đãi tiền sử dụng đất làm nhà ở xã hội nhưng lại yêu cầu doanh nghiệp phải ứng trước, khấu trừ sau. Trong trường hợp thủ tục dự án kéo dài khoảng 5 năm thì gần như doanh nghiệp đứng hình".
Đơn giản hóa thủ tục thuê, mua nhà ở xã hội
Mới đây, Ban chấp hành Trung ương đã ban hành Chỉ thị số 34 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội. Chỉ thị đã giao nhiệm vụ đến năm 2030 có ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, cho công nhân khu công nghiệp.
Ông Vũ Chí Kiên - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng QUALIPRO cho rằng, Chỉ thị 34 một lần nữa đã khẳng định sự quyết tâm của Đảng ta trong việc thực hiện an sinh xã hội đối với người thu nhập thấp, công nhân và các đối tượng khác thuộc diện được hưởng các chính sách về nhà ở xã hội.
Để đạt mục tiêu này, theo ông Kiên cần tháo gỡ các nhóm vướng mắc chính. Cụ thể, việc quy định dành 20% quỹ đất ở của dự án nhà ở thương mại để làm dự án nhà ở xã hội sẽ tuỳ thuộc vào vị trí của từng dự án mà áp dụng hoặc gom các quỹ đất đó thành một dự án nhà ở xã hội được bố trí tập trung tại một vị trí thích hợp thì sẽ phù hợp với thực tiễn hơn.
Theo quy định, với dự án nhà ở xã hội, Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ kinh phí đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án nhà ở xã hội. Tuy nhiên, hầu hết các dự án đều chưa được hưởng chính sách này. Nếu chính sách này được áp dụng thì giá bán/thuê nhà ở xã hội cũng sẽ được giảm một phần.
Theo ông Nguyễn Hoàng Nam, sau khi Luật Nhà ở (sửa đổi) chính thức được thông qua vào cuối năm ngoái, nhiều doanh nghiệp bất động sản có cảm giác thở phào nhẹ nhõm bởi có những thay đổi mang tính thực tiễn hơn trong các quy định của luật.
Từ việc cởi trói đối tượng mua nhà ở đến quy định chủ dự đầu tư dự án sẽ ưu đãi chính sách khi thực hiện dự án nhà ở xã hội cũng đã làm rõ hơn các vướng mắc bấy lâu nay đang cản trở phân khúc này phát triển.
Cụ thể, theo Điều 85, được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; được ưu đãi thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, được vay vốn với lãi suất ưu đãi; được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hỗ trợ thực hiện đấu nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật của dự án với hệ thống hạ tầng ký thuật của khu vực, bảo đảm đồng bộ hạ tầng xã hội trong và ngoài phạm vi dự án.
Tại cuộc họp về dự thảo Nghị định quản lý và phát triển nhà ở xã hội diễn ra mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước… nghiên cứu cơ chế huy động, sử dụng nguồn lực cho phát triển nhà ở xã hội một cách thống nhất, tập trung. Trong đó nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, cùng với nguồn tiền đóng góp để phát triển nhà ở xã hội từ các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại và các nguồn xã hội khác, không để gánh nặng cho các ngân hàng thương mại khi tham gia các gói tín dụng ưu đãi cho nhà ở xã hội.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng lưu ý Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ, ngành, rà soát, cắt giảm tối đa trình tự, thủ tục thực hiện dự án nhà ở xã hội, đơn giản hoá tiêu chí xác định đối tượng cũng như điều kiện, thủ tục thuê, mua.
Bộ Xây dựng làm rõ các tiêu chí về nhà ở xã hội, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư, cũng như bổ sung chế định chuyển đổi quỹ đất hoặc dự án nhà tái định cư sang làm nhà ở xã hội.