Cần hành động trước hiểm họa “ô nhiễm trắng”
Ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển | |
Chung tay vì Cù Lao Chàm |
Mỗi ngày thải cả triệu túi nilon
Theo báo cáo của Liên hợp quốc, mỗi phút có 1.000 túi nhựa được tiêu thụ, nhưng chỉ có 27% trong số chúng được xử lý và tái chế, lượng còn lại là rác thải nhựa. Khi thải ra biển, rác nhựa không thể phân hủy, nằm lại dưới đáy đại dương nhiều thế kỷ, nó vừa gây ô nhiễm, vừa trở thành một phần thức ăn đầu độc các loài sinh vật biển, dẫn đến hệ lụy đương nhiên đó là trong các sinh vật biển sẽ có nhựa. Tình trạng này được cảnh báo là sẽ dẫn đến thảm họa mà các chuyên gia môi trường gọi là “ô nhiễm trắng”.
Có hơn 260 loài sinh vật ở biển đã ăn hoặc bị vướng vào rác thải biển |
Ở Việt Nam, chỉ tính mỗi hộ gia đình bỏ đi 1 túi nilon thì mỗi ngày có cả triệu túi nilon trong rác. Việt Nam là một trong 5 nước có lượng rác thải nhựa không được tái chế lớn nhất thế giới. Mỗi năm Việt Nam xả ra đại dương 0,28 đến 0,73 triệu tấn rác thải nhựa, bằng 6% lượng rác thải nhựa toàn thế giới…
Để giải quyết thực trạng này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, cần tập trung vào những giải pháp cụ thể, bao gồm: Xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về quản lý rác thải nhựa; cần có cơ chế tài chính khuyến khích chuyển dịch mô hình tăng trưởng trên cơ sở nền kinh tế tuần hoàn theo nguyên tắc giảm tiêu thụ, gia tăng việc tái chế và tái sử dụng nhựa; tạo lập cơ chế và huy động sự tham gia tích cực, hiệu quả của tất cả các bên liên quan đến sản xuất và sử dụng sản phẩm nhựa. Bộ đã tích cực phát động phong trào chống rác thải nhựa, tiên phong giảm thiểu rác thải nhựa.
Với đặc thù là một không gian liên thông, được chi phối bởi các hoàn lưu biển, ô nhiễm rác thải nhựa ở biển đã trở thành vấn đề của toàn thế giới, là thách thức toàn cầu, đòi hỏi nhân loại phải sớm chung tay hành động.
Các cá nhân và các công ty thải ra một lượng bao bì đóng gói bằng nhựa/nilon mỗi năm, trị giá 100 đến 150 tỷ USD. Có tới khoảng 90% các sản phẩm nhựa được làm từ nguyên liệu hóa thạch. Như vậy nếu tái chế 1 tấn nhựa, sẽ giúp giảm 2 tấn carbon thải ra làm ô nhiễm không khí. Giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng 1 lần và tái chế nhựa sẽ giúp cắt giảm đáng kể phát thải khí nhà kính.
Phải có biện pháp đồng bộ
Góp ý vào kế hoạch hành động, bà Nguyễn Ngọc Lý (Trung tâm nghiên cứu môi trường và cộng đồng CECR) nhấn mạnh, Việt Nam là một trong 5 quốc gia không quản lý rác thải nhựa. Vì thế, điều quan trọng hơn cả hiện nay là phải thay đổi hành vi sử dụng, trước hết là giảm thiểu sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần như túi nilon, ống hút nhựa… Đồng thời, thay đổi hành vi đổ rác, rác phải được phân loại để đưa đi tái chế. Bà Lý đề xuất phí vệ sinh nên thu theo mức độ gây ra ô nhiễm.
Phí vệ sinh hiện nay quá thấp không đủ bù đắp chi phí nên NSNN vẫn phải bù chi cho thu gom và vận chuyển rác. Khoản chi này ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh hiện lên tới 1.300 tỷ đồng/năm và ngày càng tăng khi lượng rác cứ tăng tới 10% mỗi năm.
“Đấy mới là chi cho thu gom và vận chuyển, chưa có phần xử lý rác. NSNN không thể trợ cấp mãi”, bà Lý nhấn mạnh. Bà cũng cho biết ở một số địa bàn tại Đà Nẵng đang triển khai mô hình thu gom và tái chế rác thải dựa vào cộng đồng khá hiệu quả. Đây cũng là gợi ý để nhân rộng hơn.
Đại dương khỏe mạnh và có sức chống chịu cao sẽ là nguồn cung cấp thực phẩm dồi dào cho dân cư, là những động lực chính thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Mục tiêu kế hoạch hành động của Việt Nam là giảm thiểu phát thải rác nhựa, cải cách chính sách và thực thi pháp luật về sản xuất và tiêu dùng sản phẩm nhựa…
Kế hoạch hành động cũng nhằm thay đổi thói quen của người dân về sử dụng nhựa, đặc biệt là đồ nhựa dùng một lần. Cơ chế tài chính khuyến khích chuyển dịch mô hình tăng trưởng trên cơ sở nền kinh tế tuần hoàn theo nguyên tắc giảm tiêu thụ, gia tăng việc tái chế và tái sử dụng nhựa cũng đã được đề cập đến.
Dự kiến Kế hoạch hành động này sẽ được trình Chính phủ vào năm 2019. Ông Nguyễn Lê Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Biển và Hải đảo phát biểu: “Chúng ta phải có biện pháp đồng bộ. Muốn giảm thải rác nhựa trên biển thì phải giảm thải rác nhựa ở trên đất liền”.