Cần kết nối để vượt khó
TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, có nhiều yếu tố tích cực tác động lên tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Đặc biệt, năm 2023, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, hoàn thiện thể chế (sửa đổi Luật Đất đai, Luật Nhà ở, luật liên quan đến kinh doanh bất động sản) tại Việt Nam sẽ được thúc đẩy. Kinh tế số phát triển nhanh sẽ tạo đà cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế...
Bên cạnh đó, Việt Nam đang tích cực chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa, số hóa; kinh tế tuần hoàn được đẩy mạnh, hội nhập tích cực. Tuy nhiên, môi trường quốc tế vẫn trong xu hướng xấu, rủi ro, thách thức từ bên ngoài vẫn hiện hữu và có những tác động tiêu cực rõ nét hơn… Thị trường tài chính và tiền tệ quốc tế còn nhiều biến động, thanh khoản còn eo hẹp, dư địa chính sách tài khóa và tiền tệ đã bị thu hẹp tại hầu hết các nền kinh tế tăng trưởng cao dù đã mở cửa thị trường…
Cần phát triển các doanh nghiệp đầu đàn trong các lĩnh vực |
Trên thực tế, do có độ mở cao, kinh tế Việt Nam luôn phải chịu ảnh hưởng trực tiếp từ biến động của thị trường thế giới. Ở trong nước, còn những vấn đề về dư địa chính sách tiền tệ, tính thanh khoản của thị trường… Bên cạnh đó, giải ngân chương trình phục hồi và đầu tư công chưa có đột phá; doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, rủi ro ở thị trường chứng khoán; vấn đề trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản cần thời gian xử lý, lành mạnh hóa…
“Chính vì vậy, bản thân doanh nghiệp rất cần thay đổi tư duy, đổi mới về quản trị điều hành và văn hóa kinh doanh, cũng như tham gia tích cực hơn vào việc góp ý hoàn thiện thể chế, tiên phong đổi mới sáng tạo, kinh doanh xanh và chuyển đổi số. Doanh nghiệp cần phải thay đổi để có thể tồn tại và vượt khó trong bối cảnh hiện nay. Đó là phải thích ứng linh hoạt, tìm cách phục hồi càng nhanh càng tốt, tái cấu trúc hoạt động, thực hiện đổi mới sáng tạo (bao gồm cả chuyển đổi số), quản lý rủi ro (tài chính, lãi suất, tỷ giá…), tăng sức chống chịu, trong đó chống chịu trước các cú sốc”, ông Lực lưu ý.
Theo các chuyên gia, Việt Nam cần có những doanh nghiệp cả trong khu vực nhà nước và khu vực tư nhân đủ lớn mạnh về quy mô, có năng lực quản trị chuẩn mực quốc tế, ứng dụng công nghệ hiện đại, có khả năng cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường trong nước và vươn ra thế giới. Vì thế, các cơ quan quản lý cần tập trung phát triển các doanh nghiệp đầu đàn trong những ngành, lĩnh vực thì mới có tác động dẫn dắt, lan tỏa.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Liên Thái Bình Dương chia sẻ, hiện đang có rất nhiều tập đoàn lớn trên thế giới quan tâm đến Việt Nam. Vì vậy, tới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cần có cách làm đột phá và chuẩn bị kỹ để thu hút các tập đoàn lớn đến tìm hiểu kinh doanh trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Từ đó, kết nối và tạo các cơ hội cho các nhà sản xuất trong nước.
Trong năm 2023, TP.HCM đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 7,5-8%, gấp 1,3-1,5 lần so với mức bình quân của cả nước. Để làm được điều này, thành phố cần đẩy mạnh và thúc đẩy các chương trình hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn thông qua chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, rà soát giãn, hoãn thuế cho các doanh nghiệp; đẩy mạnh đầu tư công, nhất là các dự án trọng điểm của thành phố.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, chủ đề năm 2023 của TP.HCM là “Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội”.
Để thực hiện tốt điều này, ngành công thương thành phố đã xây dựng nhiều nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và triển khai ngay trong những tháng đầu năm. Theo đó, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp ổn định nguồn cung ứng và chi phí đầu vào; định hình các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm công nghiệp chủ lực.
“Song song với đó, các đơn vị cũng đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại đa kênh, kết nối giao thương đa hình thức, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả thị trường trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu, thúc đẩy chuyển đổi số nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp”, ông Vũ nói.