Cần khuyến khích áp dụng đấu thầu tại doanh nghiệp có vốn nhà nước
Tiếp tục chương trình làm việc, chiều ngày 05/4, Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách xem xét, cho ý kiến về Báo cáo một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) và dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Góp ý về tổ chức đấu thầu trước, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị không nên quy định tổ chức đấu thầu trước. Nêu thực tế thời gian qua việc tổ chức đấu thầu trước có nhiều hệ lụy, bởi nếu tổ chức đấu thầu trước nhưng hồ sơ mời thầu chưa xong, cấp thẩm quyền chưa cho ý kiến hoặc trong quá trình giải phóng mặt bằng chưa hoàn thành, giá trị xây lắp tăng, giá nhân công tăng dẫn tới đội vốn… phát sinh nhiều tiêu cực. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc quy định không nên quy định đấu thầu trước trong dự thảo luật.
Đại biểu Tạ Văn Hạ phát biểu tại Hội nghị |
Về chỉ định thầu, đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh về sự cần thiết, nhất là trong những trường hợp đặc biệt để đảm bảo các tiêu chí đề ra, tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư không dám chỉ định thầu vì có nhiều quy định ràng buộc, trách nhiệm của nhà đầu tư rất lớn, do vậy cần quy định cụ thể nội dung này.
Đại biểu cũng thống nhất với quy định về đấu thầu dự án, nhưng dự thảo luật cần quy định cụ thể hơn đảm bảo khách quan, công bằng cho các nhà đầu tư, tránh hình thức.
Ngoài ra, quy định về tổ thẩm định giá, chuyên gia thẩm định giá có vai trò rất quan trọng, đại biểu đề xuất quy định rõ tiêu chí, quy định rõ trách nhiệm rõ ràng, cụ thể đối với những trường hợp này.
Quan tâm phát biểu ý kiến về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) tại hội nghị, đại biểu Đinh Ngọc Minh (Cà Mau) cho rằng, dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) có rất nhiều điểm mới, minh bạch, sẽ giúp quá trình mua sắm công của nước ta tốt hơn.
Tuy nhiên, đại biểu Đinh Ngọc Minh đề nghị bổ sung thêm nội dung về đấu thầu rộng rãi, theo đó cần có quy định đấu thầu chỉ về giá cho các gói thầu thông thường. Bởi ở nước ta hàng năm thực hiện hàng nghìn gói thầu, trong đó có rất nhiều gói thầu thông thường với quy mô dưới 50 tỷ đồng, cùng một số loại công trình xây dựng…
Do vậy, đại biểu cho rằng, cần có giải pháp để cho các nhà thầu chỉ đấu thầu về giá, giúp giảm chi phí cho nhà thầu và đặc biệt hạn chế được nhà thầu phải gặp chủ đầu tư trước khi đấu thầu, bởi làm như vậy thì nó sẽ không khách quan.
Về nội dung tại Điều 23 quy định chỉ định thầu, dự thảo Luật quy định gói thầu cấp bách cần triển khai nhằm mục tiêu bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia; gói thầu cần thực hiện để khắc phục ngay hoặc để xử lý kịp thời hậu quả gây ra do sự cố bất khả kháng… đại biểu cho rằng, gói thầu về mục tiêu bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia là gói thầu đặc biệt, có thể phải chỉ định thầu trong suốt quá trình. Tuy nhiên gói thầu về khắc phục sự cố thiên tai hoặc bất khả kháng thì chỉ cần trong một thời gian ngắn. Do vậy, để đảm bảo chặt chẽ, dự thảo Luật cần quy định tách ra để tránh những kẽ hở bị lợi dụng.
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) thì đề nghị cần khuyến khích áp dụng đấu thầu tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước. Cụ thể về đối tượng điều chỉnh, áp dụng đấu thầu, dự thảo đưa ra 2 phương án, đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng nguyên tắc khuyến khích áp dụng đấu thầu. Thực tiễn doanh nghiệp ngoài quốc doanh thực hiện đấu thầu hiệu quả. Do đó, các doanh nghiệp có vốn nhà nước càng phải minh bạch càng rõ khi sử dụng tiền, tài sản của nhà nước, nhân dân. Vì vậy phải quy định theo hướng cố gắng vận dụng đấu thầu.
Về đấu thầu trước, đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng quy định này chưa có đủ căn cứ, cơ sở để thực hiện. Đại biểu cho biết, đấu thầu vướng mắc trong khu vực nhà nước chủ yếu là do tổ chức thực hiện. Do đó, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan đơn vị phải rõ, phải bảo đảm công khai minh bạch, cạnh tranh, tuân thủ các quy định cam kết quốc tế.
Góp ý về về đấu thầu thuốc và vật liệu y tế, đại biểu Tạ Văn Hạ đề nghị xem xét vấn đề đấu thầu tập trung, đấu thầu quốc gia và đấu thầu địa phương. Đại biểu cho biết, trong lĩnh vực này, người đấu thầu là người không sử dụng. Tại địa phương, Sở là đơn vị đấu thầu rồi mới cấp phát cho các đơn vị. Thực tiễn giám sát các địa phương vừa qua cho thấy có một số tỉnh do chậm trễ trong đấu thầu dẫn đến cả tỉnh chậm thuốc, tương tự như vậy đối với vật tư y tế cũng như quy mô quốc gia. Có những loại thuốc người bệnh rất cần, liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng Nhân dân. Trong khi rất nhiều doanh nghiệp, bệnh viện có đủ cơ sở, đủ khả năng để mua thuốc phù hợp với giá thị trường nhưng vẫn phải chờ Sở đấu thầu theo rất nhiều quy trình.
Chỉ rõ bất cập này, đại biểu Tạ Văn Hạ đề nghị riêng với ngành y tế là ngành đặc thù nên cần phải xem xét quy định về đấu thầu tập trung, đấu thầu thuốc để có quy định phù hợp.
Liên quan đến đối tượng điều chỉnh đấu thầu doanh nghiệp nhà nước, đại biểu Phan Đức Hiếu (Thái Bình) cho biết, theo phương án mà Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị Quốc hội cân nhắc, xem xét thêm mở rộng đối tượng so với Chính phủ, bao gồm công ty con sở hữu 100% vốn của doanh nghiệp nhà nước và công ty con sở hữu 50% vốn của doanh nghiệp nhà nước. Đây là 2 đối tượng được mở rộng thêm theo đề xuất của Uỷ ban Tài chính – Ngân sách. Đại biểu Phan Đức Hiếu kiến nghị nên xem xét thu hẹp phạm vi đối tượng điều chỉnh chỉ áp dụng đối với công ty con có sở hữu 100% vốn doanh nghiệp nhà nước.
Đưa ra 3 lý do xem xét quy định này, đại biểu nêu rõ, thứ nhất, cần cân bằng lợi ích Nhà nước và cân bằng sự linh hoạt của hoạt động sản xuất kinh doanh và sự đa dạng của thực tiễn.
Thứ hai, xét về mặt lợi ích, đại biểu cho rằng, cần bảo vệ, trong nhiều trường hợp khi công ty con sở hữu trên 50% vốn doanh nghiệp nhà nước thì lợi ích của Nhà nước và lợi ích của các nhà đầu tư tư nhân là tuơng đương nhau. Do vậy, cần có cơ chế bảo vệ nhà đầu tư tư nhân để phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh của họ, bảo đảm tính nhanh nhạy, vì lợi ích doanh nghiệp.
Thứ ba, theo đại biểu, hiện nay các doanh nghiệp đã thiết kế các quy trình, thủ tục đấu thầu đảm bảo các lợi ích tốt nhất cho các cổ đông của chính doanh nghiệp đó, không nhất thiết áp dụng quy trình cứng nhắc.
Với những lí do trên, đại biểu Phan Đức Hiếu đề nghị nên cân nhắc chỉ giới hạn mở rộng đối tượng điều chỉnh đối với công ty con sở hữu 100% vốn doanh nghiệp nhà nước, không nên mở rộng đối tượng đối với công ty con sở hữu trên 50% vốn doanh nghiệp nhà nước.