Cần làm tốt hơn nữa các giải pháp tăng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp
Chung tay, đồng sức, đồng lòng giúp khu vực doanh nghiệp phục hồi ổn định và phát triển |
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại Hội thảo |
Tích cực các giải pháp khơi thông tín dụng
Phát biểu tại Hội thảo với chủ đề “Tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của khu vực doanh nghiệp: Khó khăn, thách thức và quyết tâm” do Viện Chiến lược Ngân hàng (NHNN) phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức sáng 22/8, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN, thông tin, trong bối cảnh tình hình kinh tế quốc tế và trong nước từ cuối năm 2022 và nửa đầu năm 2023 diễn biến phức tạp, khó lường, xuất hiện nhiều yếu tố tác động tiêu cực chưa từng có, thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã chủ động, kịp thời ban hành và quyết liệt chỉ đạo hệ thống các TCTD triển khai nhiều chính sách, giải pháp về tín dụng để xử lý hài hòa nhiều mục tiêu vừa đảm bảo nhu cầu tín dụng cho nền kinh tế, triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn để hỗ trợ kinh tế phục hồi, vừa đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, vừa ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN phát biểu tại Hội thảo |
Cụ thể, NHNN đã kịp thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn về tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản; chỉ đạo các TCTD tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư dự án bất động sản, nhà thầu xây dựng, người mua nhà và các đơn vị sản xuất cung cấp vật tư, vật liệu xây dựng tiếp cận tín dụng để tăng khả năng luân chuyển vốn và thanh khoản cho thị trường bất động sản; triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng từ nguồn vốn của các NHTM với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1,5%-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường theo đúng chỉ đạo của Chính phủ đối với chủ đầu tư, người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.
Theo bà Giang, vừa qua, BIDV đã ký hợp đồng tín dụng tài trợ 01 dự án nhà ở xã hội tại tỉnh Phú Thọ tham gia chương trình với số tiền cấp tín dụng khoảng 95 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân 20,5 tỷ đồng. Agribank cũng đã cấp tín dụng đối với 01 dự án với số tiền cam kết cấp tín dụng là 950 tỷ đồng, dự kiến giải ngân trong Quý III. Bên cạnh đó, các NHTM đang tiếp cận khoảng 16 dự án.
Bên cạnh đó, NHNN cũng chỉ đạo các NHTM triển khai Chương trình cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản với quy mô 15.000 tỷ đồng từ nguồn lực của chính NHTM với lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam thấp hơn tối thiểu từ 1%-2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn của ngân hàng cho vay.
Ngoài ra, có văn bản chỉ đạo các TCTD tập trung nguồn vốn đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong một số ngành nông nghiệp chủ lực như lúa gạo, cà phê...
Toàn cảnh Hội thảo |
Ngoài ra, NHNN cũng ban hành chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN để tạo điều kiện cho khách hàng được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, kéo dài thời gian trả nợ mà không bị chuyển nhóm nợ xấu, qua đó, khách hàng có điều kiện được tiếp cận các khoản vay mới phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.
Đến cuối tháng 7/2023, lũy kế tổng giá trị nợ (gốc và lãi) được cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ khoảng 96.000 tỷ đồng, với gần 97.000 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Ban hành Thông tư số 11/2022/TT-NHNN quy định về bảo lãnh ngân hàng và Thông tư số 06/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN, trong đó bổ sung quy định về hoạt động bảo lãnh điện tử và cho vay bằng phương tiện điện tử, phù hợp với chủ trương về đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng, với quy trình thủ tục thực hiện nhanh hơn, thuận tiện hơn, tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng...
Về lãi suất, từ đầu năm 2023 tới nay NHNN đã 04 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất (lãi suất điều hành, trần lãi suất tiền gửi bằng VND kỳ hạn dưới 6 tháng và trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với một số ngành, lĩnh vực) với mức giảm 0,5-2,0%/năm nhằm tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp hơn, từ đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, NHNN đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, làm việc trực tiếp với các TCTD, yêu cầu các TCTD tiết giảm chi phí hoạt động, giảm lãi suất tiền gửi, qua đó tạo dư địa để giảm lãi suất cho vay.
Bà Giang thông tin, vừa qua, NHNN đã có văn bản số 6385/NHNN-CSTT yêu cầu các TCTD giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản vay mới (phấn đấu mức giảm lãi suất tổi thiểu từ 1,5-2%/năm) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất kinh doanh theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Tích cực triển khai các chỉ đạo của NHNN, ông Ngô Tấn Long – Phó Tổng giám đốc ACB cho biết, ngân hàng đã tích cực triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% ở tất cả các chi nhánh trên nhiều tỉnh thành.
Bên cạnh đó, ACB cũng rất chủ động đưa ra các gói giảm lãi suất cho các doanh nghiệp, trong đó có gói hỗ trợ giảm 3% so với lãi suất thông thường, giảm từ 1,5 - 2% với các khoản vay cũ. Tổng mức hỗ trợ của ngân hàng trong 6 tháng đầu năm với chương trình này có dư nợ khoảng 58.000 tỷ đồng. Đặc biệt, ACB còn có thế mạnh trong việc cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Các diễn giả tham gia thảo luận |
Trong tình hình khó khăn của các doanh nghiệp, khi NHNN ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN hỗ trợ cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ để các doanh nghiệp được phục hồi, ngân hàng cũng đã đẩy mạnh triển khai trên toàn hệ thống.
Ông Long cũng cho biết, ngân hàng đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin để tăng khả năng tiếp cận vốn một cách nhanh chóng cho người dân, doanh nghiệp.
Đặc biệt, ACB đẩy mạnh phương thức giải ngân online. Với các khách hàng doanh nghiệp đã ký hợp đồng tín dụng với ACB, có thể sử dụng chữ ký điện tử để tự tạo khế ước trên hệ thống trong 3 phút mà không cần ra ngân hàng. “Khoảng 25% khách hàng vay vốn đang sử dụng dịch vụ này, giúp doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận vốn”, ông Long cho biết.
Từ góc độ của NHTM, theo ông Long, hiện mặt bằng lãi suất cả huy động lẫn cho vay đều đã giảm và sẽ còn có xu hướng giảm trong thời gian tới, vì vậy điều quan trọng hiện nay là sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp cần được cải thiện bởi các giải pháp đến từ nhiều phía.
Tiếp tục linh hoạt, điều hành phù hợp với thực tiễn
Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, trong bối cảnh khó khăn còn kéo dài và không biết tình trạng này sẽ kéo dài bao lâu, nên rất cần sự đồng bộ, thực thi trong quá trình triển khai chính sách để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Đơn cử như với thị trường bất động sản, trên 90% là khó khăn về mặt pháp lý, vì vậy cần nhanh chóng có biện pháp tháo gỡ pháp lý cho lĩnh vực này.
Đối với chính sách tiền tệ, khi đang cùng lúc phải đảm bảo nhiều mục tiêu nhưng thời gian tới, Phó Thống đốc cho biết mục tiêu tăng trưởng tín dụng vẫn phải đặt ra, những giải pháp hỗ trợ tăng khả năng hấp thụ vốn đã làm tốt rồi cần tốt hơn.
Thứ nhất, các NHTM cũng cần tiếp tục hạ lãi suất, giảm các loại phí, thể hiện nhiều hơn trách nhiệm với cộng đồng nhưng cũng phải đảm bảo an toàn, không để rơi vào tình trạng yếu kém về tài chính.
Thứ hai, cắt giảm thủ tục tiếp cận tín dụng, kích thích các doanh nghiệp vay vốn, lúc này phải chia sẻ với doanh nghiệp. Tuy nhiên, bản chất của NHTM cũng là một doanh nghiệp, huy động tiền của người dân để cho vay vì vậy phải bảo toàn được nguồn vốn và đảm bảo thanh khoản hệ thống.
Thứ ba, chính sách cơ cấu, giãn hoãn lại nợ, Thông tư 02/2023/TT-NHNN đã được ban hành, tuỳ điều kiện thực tế sẽ có điều chỉnh phù hợp.
“Về điều hành chính sách tiền tệ, trong thời gian gian tới, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hợp lý, phù hợp với Việt Nam”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.