Cần quy định chặt chẽ, xử lý nghiêm các hành vi bỏ rơi người lao động ở nước ngoài
Ảnh minh họa |
Chính phủ trình Dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) bố cục gồm 8 chương và 79 Điều (giữ nguyên số chương và giảm 01 điều so với Luật hiện hành).
Về cơ bản Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết ban hành Luật và cho rằng dự án Luật đủ điều kiện trình Quốc hội.
Đa số ý kiến phát biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) như Tờ trình của Chính phủ. Đồng thời nhấn mạnh việc ban hành Luật cần hướng tới thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; bảo đảm mọi hình thức đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đều được điều chỉnh trong Luật; hỗ trợ và tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động, đồng thời, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải kỳ vọng dự án Luật này cần thúc đẩy chuyển biến về chất trong hoạt động xuất khẩu lao động không chỉ về lợi ích kinh tế trực tiếp mà còn chất lượng, trình độ lao động, người lao động làm việc ở nước ngoài được đào tạo, có kinh nghiệm ở các nước phát triển quay trở về cống hiến cho đất nước.
Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho rằng cần thay đổi cách tiếp cận về thị trường lao động để có cách quy định phù hợp, đầy đủ đối tượng lao động có thể đi làm việc ở nước ngoài từ lao động chân tay, lao động giản đơn đến lao động trình độ cao.
Nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị đặc biệt quan tâm đến hoạt động của ngành nghề đưa lao động ra nước ngoài làm việc trong bối cảnh lao động giản đơn dần được thay thể bởi robot, hướng đến ngành nghề có giá trị gia tăng cao hơn. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, dự án Luật này phải gắn việc làm trong nước với làm việc ở nước ngoài để sau khi người lao động hết thời hạn làm việc ở nước ngoài về nước có thể tìm được việc làm việc, tiếp tục chính sách bảo hiểm xã hội. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh cần phải thiết kế trong luật để bảo vệ người lao động cũng như chính sách cho người lao động khi quay trở về nước thay vì chỉ tập trung vào các quy định để đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Bên cạnh cải cách thủ tục hành chính tạo minh bạch, thuận lợi cho doanh nghiệp đưa lao động đi nước ngoài làm việc cũng cần quy định chặt chẽ điều kiện kinh doanh và xử lý nghiêm các hành vi trục lợi bất chính, vô trách nhiệm, bỏ rơi người lao động.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý các hành vi nghiêm cấm cần được quy định cụ thể trong Luật nhằm thể chế hóa Hiến pháp bảo đảm quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế trong quy định của Luật. Đề nghị làm rõ hơn việc quy định đơn vị sự nghiệp công lập địa phương đưa lao động đi lao động nước ngoài; cân nhắc lại đối tượng điều chỉnh của dự thảo Luật là “công dân xuất cảnh hợp pháp theo các mục đích không phải lao động, sau đó tìm được việc làm để cư trú và làm việc hợp pháp theo quy định của nước sở tại” để phù hợp với tên gọi, phạm vi điều chỉnh của Luật; cơ sở dữ liệu đối với lao động đi làm việc ở nước ngoài có chương trình để quản lý; cân nhắc việc duy trì Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện các văn bản với tinh thần đạt được yêu cầu thể chế đường lối, chính sách của Đảng về việc đưa người Việt Nam đi lao động, học tập ở nước ngoài, không chỉ lao động mà còn nâng cao tay nghề, tri thức để quay về đóng góp, xây dựng đất nước, giữ vững hình ảnh người Việt Nam, danh dự người Việt Nam, đề cao trách nhiệm, chất lượng việc đưa người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc, định hướng lựa chọn ngành nghề có giá trị gia tăng, phù hợp với điều kiện sức khỏe, luật pháp tập quán nước sở tại, tăng cường quản lý nhà nước.