Cần sớm luật hóa Nghị quyết 42
Trong 5 năm qua, ngành Ngân hàng đã xử lý nợ xấu theo Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, đến ngày 15/8/2022 tới đây, Nghị quyết này sẽ hết hiệu lực thi hành. Việc tiếp tục duy trì Nghị quyết 42 để giải quyết nợ xấu - vốn được coi là "cục máu đông" làm tắc nghẽn sự phát triển và tăng trưởng của nền kinh tế - đang là mối quan tâm rất lớn của cả ngành Ngân hàng và các tổ chức tài chính, các cơ quan quản lý Nhà nước.
Thông tin trên được nhiều chuyên gia kinh tế và lãnh đạo các ngân hàng cho biết tại hội thảo trực tuyến “Cần luật hóa Nghị quyết 42 để giải bài toán xử lý nợ xấu ngân hàng” tổ chức ngày 19/2/2022.
Toàn cảnh hội thảo |
Tầm quan trọng của Nghị quyết 42
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư kí Hiệp hội Ngân hàng nhấn mạnh, nhờ có Nghị quyết 42, tính đến cuối năm 2021, toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được trên 1,3 triệu tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, giai đoạn 2012-2015 xử lý được 493,1 nghìn tỷ đồng; giai đoạn 2016-2021 xử lý được trên 800 nghìn tỷ đồng.
Tổng nợ xấu được xác định theo Nghị quyết số 42 của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được khoảng 368,9 nghìn tỷ đồng, không bao gồm nợ xấu xử lý bằng sử dụng dự phòng rủi ro. Số nợ xấu được xác định xử lý thu hồi trong giai đoạn từ ngày 15/8/2017 đến cuối năm 2021 đạt trung bình khoảng 6,92 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn 3,94 nghìn tỷ đồng/tháng so với giai đoạn trước khi có Nghị quyết số 42 (giai đoạn năm 2012-2017). Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống tổ chức tín dụng trong giai đoạn 2016-2021 được duy trì dưới mức 3%.
Như vậy, với những kết quả đạt được đã cho thấy vai trò, tầm quan trọng của Nghị quyết số 42 trong quá trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, góp phần xử lý hiệu quả nợ xấu, thu hồi vốn cho các tổ chức tín dụng để tái đầu tư, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế.
Nghị quyết 42 đến nay đã gần 5 năm, chỉ còn vài tháng nữa là kết thúc. Hiệu quả của của Nghị quyết 42 đã tác động đến nền kinh tế nói chung và ngành Ngân hàng nói riêng. Đặc biệt, nó đã phá tan "cục máu đông" nợ xấu trong nền kinh tế, đưa dòng vốn luân chuyển vào hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Tác dụng rất thiết thực trong bối cảnh tốc độ phát triển của nền kinh tế trong COVID-19. Từ đó, nó đã tạo tiềm lực cho các tổ chức tín dụng trong thời gian đó đổi mới ứng dụng công nghệ, chuẩn bị trước một bước cho giai đoạn tiếp theo. Khi dịch COVID-19 xảy đến, sự chủ động cũng như xử lý nợ xấu tại Nghị quyết 42 đã hỗ trợ ngân hàng vượt qua khó khăn, tích lũy lợi nhuận và đầu tư bổ sung vào công nghệ.
Nhiều phát sinh cần xử lý
Bên cạnh kết quả đạt được, qua quá trình theo dõi và phản ảnh của các tổ chức tín dụng hội viên cho thấy trong quá trình thực hiện Nghị quyết 42 vẫn còn phát sinh nhiều khó khăn và vướng mắc. Thời gian qua, NHNN, Hiệp hội Ngân hàng và các tổ chức tín dụng đã có nhiều văn bản báo cáo Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, tuy nhiên đến nay, nhiều vướng mắc vẫn chưa được tháo gỡ hoàn toàn hoặc cách áp dụng vẫn còn chưa đồng bộ, thiếu thống nhất, làm hạn chế công tác xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng.
Ông Nguyễn Quốc Hùng chỉ ra 5 điểm vướng mắc:
Thứ nhất là vướng mắc trong thu giữ tài sản bảo đảm. Việc thu giữ hạn chế, gặp nhiều vướng mắc do phần lớn các hợp đồng bảo đảm cũ chưa có nội dung đáp ứng điều kiện tại điểm b khoản 2 Điều 7 Nghị quyết 42, theo đó hợp đồng bảo đảm phải có thỏa thuận việc bên bảo đảm đồng ý cho các tổ chức tín dụng có quyền thu giữ tài sản biến động (TSBĐ).
Thứ hai là vướng mắc trong áp dụng thủ tục rút gọn. Ông Hùng chỉ ra rằng, hầu như chưa có tổ chức tín dụng nào áp dụng thành công thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp theo Nghị quyết 42. Nguyên nhân chính là khoản 1 Điều 8 Nghị quyết 42 chỉ áp dụng đối với tranh chấp về nghĩa vụ giao TSBĐ, tranh chấp về quyền xử lý TSBĐ của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng mà chưa quy định rõ việc áp dụng thủ tục rút gọn đối với các tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa các tổ chức tín dụng với khách hàng vay. Do đó, chưa tạo được cơ sở pháp lý cho Tòa án áp dụng thủ tục rút gọn rộng rãi khi tổ chức tín dụng khởi kiện, yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng.
Thứ ba là vướng mắc trong việc xác định thứ tự ưu tiên thanh toán từ tiền bán/phát mại TSBĐ. Cơ chế ưu tiên thu hồi nợ xấu của các tổ chức tín dụng từ số tiền xử lý TSBĐ theo Nghị quyết 42 không được bảo đảm thực thi trên thực tế bởi sự thiếu đồng bộ, chưa nhất quán giữa quy định tại Nghị quyết 42 với quy định của pháp luật về thuế và pháp luật về thi hành án dân sự.
Thứ tư là khó khăn về nhận lại TSBĐ là vật chứng trong vụ án hình sự (Điều 14 Nghị quyết 42).
Thứ năm là vướng mắc trong nguyên tắc áp dụng pháp luật về xử lý nợ xấu, xử lý TSBĐ của khoản nợ xấu. Theo ông Hùng, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 42, một số cơ quan có thẩm quyền đã ban hành văn bản hướng dẫn các cơ quan cấp dưới hoặc áp dụng trong nội bộ ngành mình có nội dung tiếp tục duy trì việc áp dụng các luật chuyên ngành như trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực. Dẫn đến mục tiêu ban hành các chính sách hỗ trợ để đẩy nhanh tiến độ xử lý, thu hồi nợ xấu theo tinh thần Nghị quyết 42 không đạt được toàn diện, một số chính sách hỗ trợ hoạt động xử lý nợ xấu trong Nghị quyết 42 chưa đi vào thực tiễn.
Ông Phan Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc BIDV cho hay, ngân hàng này cũng vướng phải không ít khó khăn trong quá trình xử lý nợ xấu do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, do những bất cập trong thi hành án; nhất là khó khăn trong thẩm định giá khoản nợ và xử lý tài sản bảo đảm là quyền khai thác khoáng sản.
Nghị quyết 42 chưa quy định chế tài xử lý hoặc cơ chế, cách thức tiến hành cưỡng chế trong trường hợp bên bảo đảm, bên giữ tài sản không hợp tác. Do đó, khi thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm trên thực tế, tổ chức tín dụng gần như phụ thuộc vào sự phối hợp của bên bảo đảm.
Đồng tình với viện dẫn của đại diện BIDV, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho biết, vấn đề then chốt, quan trọng nhất mà Nghị quyết 42 mang lại là tác động đến nhận thức của xã hội và các cơ quan chức năng. Đặc biệt là ý thức về nghĩa vụ trả nợ của người vay cũng như trách nhiệm trả nợ thay, xử lý tài sản thế chấp của người thứ 3 bảo đảm nghĩa vụ trả nợ của người vay. Việc chây ỳ, trì hoãn nghĩa vụ trả nợ và xử lý tài sản bảo đảm của khách hàng vay và người có tài sản thế chấp không còn có lợi như trước đây mà thậm chí trở thành bất lợi hơn.
Nợ xấu có tài sản bảo đảm, nhất là nợ xấu của các tổ chức tín dụng, tuy có khả năng thu hồi nhưng lại gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trên thực tế, nên rất cần cơ chế pháp lý hỗ trợ để xử lý; trong đó, tập trung vào việc xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ. Cùng với đó, cần có sự hoàn thiện các quy trình, thủ tục và cơ chế được quy định trong Nghị quyết 42 để tránh việc tổ chức tín dụng lợi dụng vị thế, lạm quyền và tiêu cực gây thiệt hại cho người có tài sản thế chấp.
Theo nhiều chuyên gia, cần tiến tới luật hóa Nghị quyết 42 |
Cần sớm luật hóa Nghị quyết 42
Từ góc độ chuyên môn và cũng xuất phát từ nhu cầu của thực tiễn trước áp lực nợ xấu đang và sẽ diễn biến căng thẳng hơn khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực thực thi vào tháng 8 năm nay, các chuyên gia và đại diện các tổ chức tín dụng đều thống nhất kiến nghị, phải sớm luật hóa Nghị quyết 42 và hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo để hỗ trợ tích cực hơn cho công tác xử lý nợ xấu là điều cấp thiết hiện nay.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực khuyến nghị, Chính phủ nên xem xét đề xuất Quốc hội sớm tổng kết Nghị quyết 42, tiến tới luật hóa Nghị quyết 42 trên cơ sở rà soát, hoàn thiện và hệ thống hóa các quy định pháp luật liên quan. Hoặc, ít nhất là gia hạn trong khoảng thời gian 3 năm để chuẩn bị cho dự thảo luật, cũng như kịp thời tháo gỡ những vướng mắc nêu trên.
Trường hợp Quốc hội xem xét, thông qua việc luật hóa Nghị quyết 42 thì sau khi Luật Xử lý nợ xấu được ban hành và triển khai áp dụng, Chính phủ, NHNN cũng như các cơ quan chức năng có liên quan sẽ có cơ sở để tổng kết thực tiễn, nghiên cứu và đề xuất ban hành đồng bộ các nghị định, thông tư quy định, hướng dẫn cụ thể. Từ đó, giải quyết các vấn đề, vướng mắc phát sinh xoay quanh việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
“Vì vậy, cần hoàn thiện chính sách xử lý nợ xấu theo hướng quy định rõ ràng hơn, cụ thể hơn, hợp lý hơn, khả thi hơn và hợp lý nhất là nâng lên thành luật, để bảo đảm việc xử lý kịp thời, có hiệu quả nợ xấu của ngành Ngân hàng nói riêng và của cả nền kinh tế nói chung. Trường hợp không kịp ban hành hoặc không ban hành luật thì cần tiếp tục duy trì hiệu lực của Nghị quyết này”, Luật sư Trương Thanh Đức cho hay.
Theo ông Đức, Luật Xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng cần được tiếp tục duy trì trong khoảng tối thiểu 5 - 10 năm nữa, cho đến khi nào tòa án thực sự bảo đảm được trên thực tế yêu cầu xử lý tài sản bảo đảm nói riêng, các vụ án đòi nợ nói chung một cách nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả.
Đại diện Ngân hàng BIDV, ông Phan Thanh Hải kiến nghị việc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nghiên cứu, luật hóa Nghị quyết 42 để ban hành Luật Xử lý nợ xấu trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết, bởi các lý do sau: Thứ nhất, giải quyết xung đột pháp luật; bổ sung cơ chế, chính sách pháp luật cần thiết. Bởi các quy định trong Nghị quyết 42 được điều chỉnh hoặc liên quan đến nhiều văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành khác, như: Bộ Luật dân sự, Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Quản lý thuế,… Trong đó, một số văn bản pháp luật được ban hành sau thời điểm Nghị quyết 42 có hiệu lực. Thứ hai, cần đồng bộ hệ thống luật và các văn bản dưới luật về xử lý nợ xấu: Trong trường hợp Quốc hội xem xét, thông qua việc luật hóa Nghị quyết 42 thì sau khi Luật Xử lý nợ xấu được ban hành và triển khai áp dụng, Chính phủ, NHNN cũng như các cơ quan chức năng có liên quan sẽ có cơ sở để tổng kết thực tiễn, nghiên cứu và đề xuất ban hành đồng bộ các Nghị định, Thông tư quy định, hướng dẫn cụ thể nhằm giải quyết các vấn đề, vướng mắc phát sinh xoay quanh việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
“Việc đồng bộ hệ thống luật và các văn bản dưới luật liên quan đến xử lý nợ xấu sẽ là tiền đề quan trọng để xây dựng hành lang pháp lý cần thiết, hình thành một môi trường kinh tế lành mạnh, hoạt động cấp tín dụng và xử lý nợ chuyên nghiệp, bài bản cho Việt Nam, góp phần nâng cao mức độ an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng Việt Nam”, ông Hải góp ý.