Cần tạo thói quen sử dụng bao bì tài chế
Thông tin trên được đại diện công ty nhựa tái chế Duy Tân (Duy Tân Recycling) đưa ra tại Tọa đàm Doanh nghiệp phát triển bền vững - Góc nhìn thực tế trong chuỗi sự kiện Việt Nam hướng đến tương lai bền vững do Báo Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, ngày 11/7.
Ông Lê Anh, Giám đốc Phát triển bền vững Duy Tân Recycling cho biết, doanh nghiệp này đi đầu về thực hành kinh tế tuần hoàn khi áp dụng công nghệ tái chế bao bì từ nguyên liệ đến thành phẩm.
Khi được hỏi kiến nghị giải pháp thúc đẩy các doanh nghiệp thực hành chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu sử dụng tài nguyên thiên nhiên, đại diện Duy Tân Recycling đề nghị cần có truyền thông để tạo thói quen cho người tiêu dùng sử dụng bao bì tái chế để bảo vệ môi trường.
“Người tiêu dùng Việt vẫn e dè sử dùng sản phẩm hàng hóa có bao bì tái chế do quan niệm rác thải, nên tâm lý sử dụng không thoải mái”, ông Lê Anh nói.
Trong khi các nước phát triển nhà sản xuất ghi rõ lên sản phẩm là bao bì tái chế, thời gian qua ở Việt Nam các doanh nghiệp sử dụng bao bì tái chế nhưng không dám ghi rõ ràng lên bao bì sản phẩm.
Theo cảnh báo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm Việt Nam thải khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa ra môi trường, đứng thứ 4 trong top 20 nước hàng đầu thế giới về rác thải nhựa.
Trước thực trạng đó, để tuân thủ các quy định toàn cầu về giảm phát thải, trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường, nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam đã áp dụng các chiến lược xanh như một lợi thế cạnh tranh và triển khai nhiều hoạt động bảo vệ môi trường.
Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (Pro Việt Nam) cho biết, Pro Việt Nam là trung gian đầu tiên được Bộ Tài nguyên và Môi trường giao cho thực hành EPR trách (nhiệm nhà sản xuất) có hiệu lực từ 1/12024.
Theo đó, đến nay Pro Việt Nam đã có 29 thành viên và số lượng thành viên liên tục tăng lên trong thời gian qua. Nỗi lo lớn nhất của các doanh nghiệp trong ngành tái chế là chính sách thay đổi và cần sớm hoàn thiện cơ chế chính sách cho lĩnh vực này.
Ngành tái chế ở Việt Nam số lượng doanh nghiệp và cá nhân hoạt động rất nhiều, từ vựa ve chai/đồng nát cũng là một đơn vị tài chế nhưng họ làm vì lợi ích kinh tế, chưa đóng góp cho môi trường. Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này hiện nay có các công ty môi trường đô thị, các công ty tư nhân, hợp tác xã,… đều thiếu công nghệ, thiếu vốn, thiếu nhân lực…
Bà Chu Thị Kim Thanh - Giám đốc vận hành Pro Việt Nam cho biết, Chính phủ cần sớm có chính sách và khuyến khích mọi thành phần tham gia thu gom, phân loại rác tại nguồn để có thể thu hút đầu tư tài chính cho ngành tái chế.