Tháo “điểm nghẽn” cho điện năng lượng tái tạo
"Xanh hóa" năng lượng trong sản xuất Điện mặt trời ngóng cơ chế giá |
“Hiện, tổng vốn đầu tư của những nhà máy điện đã hoàn thành nhưng không bán được điện lên hệ thống điện quốc gia ước tính lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng, trong đó có nguồn lực không nhỏ từ vốn vay ngân hàng. Vì vậy, các nhà đầu tư dự án điện sạch đang phải đối mặt với khó khăn tài chính, dẫn đến nguy cơ nợ xấu doanh nghiệp gia tăng, ngân hàng khó thu hồi vốn. Về lâu dài, khi việc vận hành thương mại các dự án điện gió, điện mặt trời không đạt hiệu quả sẽ dẫn đến không bảo đảm an ninh năng lượng, khó thực hiện được các cam kết về chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải carbon và lộ trình cắt giảm khí thải của Chính phủ”, một lãnh đạo doanh nghiệp điện gió ở Bình Thuận bày tỏ quan điểm
Để giải quyết vấn đề này, mới đây nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2024/NĐ-CP (Nghị định 80) quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (cơ chế DPPA). Với cơ chế này, việc mua bán điện sẽ được thực hiện qua đường dây kết nối riêng, hoặc qua lưới điện quốc gia.
Cơ chế mua bán điện trực tiếp sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất sớm có được chứng chỉ năng lượng sạch |
Theo Bộ Công thương, việc mua bán điện qua đường dây kết nối riêng sẽ do đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn với sản lượng tiêu thụ bình quân từ 200.000 kWh/tháng trở lên, trực tiếp ký hợp đồng mua bán điện và giao nhận điện năng qua đường dây kết nối riêng với nhau theo các nguyên tắc được quy định rõ tại Nghị định 80. Giá bán điện trực tiếp được mua qua đường dây riêng do hai bên tự thoả thuận với nhau. Với phần điện dư thừa, bên phát điện vẫn có thể bán lại cho EVN qua hợp đồng mua bán, quy định về công suất, sản lượng và giá. Còn bên mua điện, ngoài mua trực tiếp từ bên phát năng lượng tái tạo, được mua bán điện với Tổng công ty Điện lực hoặc đơn vị bán lẻ điện không phải Tổng công ty Điện lực. Đối với hình thức mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia, Nghị định cũng quy định rõ việc bán điện của đơn vị phát điện năng lượng tái tạo qua thị trường điện giao ngay và việc mua bán điện với Tổng công ty điện lực. Giá thị trường điện giao ngay là giá điện toàn phần được hình thành theo từng chu kỳ giao dịch của thị trường điện giao ngay, được xác định bằng tổng của giá điện năng thị trường và giá công suất thị trường, được xác định theo Quy định vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh.
Theo nhận định của các chuyên gia, đây là cơ sở quan trọng để phát triển, hoàn thiện thị trường điện trên cả 3 yếu tố là phát điện cạnh tranh, bán buôn điện cạnh tranh và bán lẻ điện cạnh tranh, đồng thời là bước đi cần thiết để Việt Nam chuyển mạnh sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và trung hòa carbon. Quan trọng hơn, Nghị định còn tháo gỡ được nhiều nút thắt trong quản lý, vận hành điện tái tạo, mở ra hướng đi cho nhiều dự án năng lượng sạch bị ngưng trệ trong thời gian qua.
Bàn về vấn đề này, TS. Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Giám đốc Trung tâm năng lượng tái tạo (Viện Năng lượng, Bộ Công thương) cho rằng, trước đây các dự án phát triển năng lượng, chỉ có thể bán cho EVN, đây là chủ thể mua điện duy nhất trên thị trường trong suốt thời gian qua. Nhưng với Nghị định mới này, bên mua sẽ đa dạng hơn, bao gồm những tổ chức, cá nhân tiêu thụ trực tiếp và có nhu cầu sử dụng điện năng lượng tái tạo. Đồng thời, cơ chế mua bán điện trực tiếp sẽ không chỉ khuyến khích nhà đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, mà còn giúp các doanh nghiệp sản xuất sớm có được chứng chỉ năng lượng sạch, chứng chỉ giảm phát thải carbon - điều kiện để tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa khi xuất khẩu ra thị trường quốc tế, cũng như đóng góp vào mục tiêu chung phát triển bền vững, hướng tới “net zero” của Chính phủ.