Cần thay đổi tư duy sản xuất và tận dụng các FTA
Chủ động đón đầu VIFTA Tận dụng VIFTA còn nhiều việc phải làm |
Thống kê từ Bộ Công thương cho thấy, đến hết tháng 6 năm 2023, các nước đã khởi kiện 231 vụ việc phòng vệ thương mại (PVTM) đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam (bao gồm 128 vụ việc chống bán phá giá, 23 vụ việc chống trợ cấp, 47 vụ việc tự vệ, 33 vụ việc chống lẩn tránh biện pháp PVTM). Riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, các nước đã khởi kiện 4 vụ việc PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam (3 vụ việc chống bán phá giá, 1 vụ việc tự vệ), giảm nhẹ so với 5 vụ trong cùng kỳ năm ngoái.
Báo cáo PVTM thường niên năm 2022 của Bộ Công thương dẫn số liệu của WTO cho thấy, sau khi đạt mức kỷ lục vào năm 2020, số vụ việc PVTM khởi xướng trên thế giới nhìn chung có xu hướng giảm. Trong giai đoạn 2021-2022, trung bình là 3,4 vụ mỗi tháng – con số thấp nhất kể từ năm 2012. Số vụ việc dẫn đến áp thuế chính thức cũng chỉ trung bình 12,4 vụ việc/tháng – thấp nhất kể từ năm 2017.
Tuy nhiên, thế giới lại đang chứng kiến sự bùng nổ của các chính sách bảo hộ thương mại mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Nhiều những tiêu chuẩn và quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường đối với các sản phẩm nhập khẩu đã được thiết lập, đặc biệt ở các nước phát triển. Như EU đã ban hành Cơ chế Điều chỉnh carbon Biên giới (Carbon Border Adjustment Mechanism - CBAM); Quy định về chống mất rừng và suy thoái rừng (EU Deforestation-free Regulation - EUDR) áp dụng với một số nhóm mặt hàng nông - lâm nghiệp. Hay như Mỹ đã nâng cao và gắn các tiêu chuẩn lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ... vào các sản phẩm nhập khẩu.
Đặc biệt, xung đột thương mại khiến các nền kinh tế lớn dùng các biện pháp bảo hộ không chỉ với mục đích bảo vệ thương mại nội địa. Điều này đã làm cho tình trạng phân mảnh các chuỗi giá trị, gây tổn thất cho người sản xuất, doanh nghiệp; khó khăn đè nặng lên người tiêu dùng một cách nghiêm trọng hơn, Báo cáo PVTM năm 2022 của Bộ Công thương nhìn nhận.
Sản phẩm dệt may phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn khắt khe khi vào EU |
Báo cáo PVTM cũng chỉ ra nguyên nhân gia tăng các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM còn đến từ sự thiếu kiến thức về pháp luật PVTM nói chung cũng như pháp luật về chống lẩn tránh biện pháp PVTM nói riêng của các doanh nghiệp Việt; hay chạy theo lợi nhuận trước mắt…
Trước những thách thức này, để giảm thiểu những tác động của PVTM, thời gian qua, Bộ Công thương cùng các đơn vị chức năng đang hoàn thiện thể chế về PVTM theo hướng hiệu quả, tinh giản và phù hợp với các diễn biến mới; Tăng cường công tác tuyên truyền và thực thi PVTM như tư vấn pháp lý, quy trình thủ tục điều tra, quy định/thông lệ điều tra của nước khởi kiện và đưa ra các khuyến nghị, hướng xử lý cụ thể cho doanh nghiệp.
Nhìn nhận việc triển khai các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới là một công cụ hữu hiệu chống PVTM, Bộ Công thương cho biết, sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đàm phán, ký kết các cơ chế hợp tác song phương và đa phương mới với các nước, các khu vực còn tiềm năng. Đồng thời, tiếp tục phát huy tốt vai trò của hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong việc cung cấp kịp thời các thông tin về thị trường và các quy định, chính sách mới của các nước sở tại, đặc biệt là cảnh báo sớm các “rào cản” mới của đối tác và các vụ việc PVTM, giúp cho các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước có phản ứng phù hợp. Qua đó, khai thác có hiệu quả các FTA mà Việt Nam làm thành viên để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và mặt hàng xuất nhập khẩu cũng như xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp. Bộ cũng sẽ chỉ đạo các Thương vụ tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp thâm nhập các thị trường mới nổi, thị trường ngách, có nhiều tiềm năng; đồng thời, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu.
Để đối mặt với các chính sách PVTM, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chỉ ra, đã đến lúc các doanh nghiệp phải nhanh chóng tư duy và định hình lại giá trị doanh nghiệp trong bối cảnh thế giới chuyển đổi hệ thống tư duy và sản xuất từ “nâu” sang “xanh”. Theo đó, doanh nghiệp cần hướng tới các dự án xanh, xanh hóa chuỗi cung ứng để tạo ra năng lực cạnh tranh mới. Đồng thời, áp dụng các mô hình kinh tế mới như mô hình kinh tế tuần hoàn để có thể phát triển bền vững hơn và năng cao năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế.