Chủ động đón đầu VIFTA
VIFTA - “bàn đạp” cho hàng hóa Việt Nam tiến sâu vào Tây Á |
Đàm phán Hiệp định thương mại tự do song phương giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Nhà nước Israel (VIFTA) đã kết thúc, dự kiến hai bên sẽ ký kết Hiệp định ngay trong năm 2023. Các chuyên gia nhận định, Hiệp định được ký kết sẽ mở ra cơ hội cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập sâu vào thị trường Israel và rộng hơn là Trung Đông đầy tiềm năng.
Ông Lê Thái Hòa - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Israel cho biết, mặc dù dung lượng thị trường Israel khiêm tốn, với quy mô dân số xấp xỉ 9,7 triệu người, nhưng thu nhập đầu người đạt gần 5.000 USD (năm 2022).
Đất nước diện tích có đến 70% là sa mạc, nguồn tài nguyên rất khan hiếm nên hàng năm, Israel có nhu cầu nhập khẩu nhiều loại hàng hóa để đáp ứng nhu cầu ở trong nước. Năm 2022 kim ngạch ngoại thương của Israel đạt 173 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 67 tỷ USD và nhập khẩu đạt 106 tỷ USD. Riêng nhóm hàng tiêu dùng, mỗi năm Israel nhập khẩu khoảng 25 tỷ USD.
Điều này cho thấy còn nhiều dư địa cho Việt Nam mở rộng xuất khẩu sang Israel, khi hiện nay, chúng ta xuất tới 70 mặt hàng song giá trị xuất khẩu còn khiêm tốn. Năm 2022 xuất khẩu sang Israel đạt 785,7 triệu USD, trong đó, điện thoại di động và linh kiện đạt 293,2 triệu USD; hàng thủy hải sản đạt 80,4 triệu USD (gồm tôm, mực đông lạnh, cá ngừ đóng hộp, cá tra…); nông sản các loại (như hạt điều đạt 59,8 triệu USD, cà phê đạt 24,3 triệu USD, gia vị các loại…); giày dép đạt 92,3 triệu USD, hàng dệt may đạt 32,8 triệu USD...
Israel cũng trong Top 22 thị trường hàng đầu trong số trên 100 thị trường xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Đáng chú ý, trong năm 2022, xuất khẩu cá ngừ sang Israel đạt 36,63 triệu USD và Israel đứng thứ 4 trong số 10 thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam (sau Mỹ, Canada và Nhật Bản); xuất khẩu mực đông lạnh sang thị trường này đạt 23,22 triệu USD, chiếm tỷ trọng 1,7% xuất khẩu mặt hàng này của cả nước và Israel đứng thứ 8 trong số 10 thị trường nhập khẩu mực và bạch tuộc hàng đầu của Việt Nam...
Hai tháng đầu năm 2023, xuất khẩu sang Israel đạt 125,5 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến, nếu tình hình thị trường diễn biến thuận lợi, xuất khẩu của Việt Nam sang Israel trong cả năm 2023 có thể đạt khoảng 850 triệu USD.
Ông Lê Thái Hòa cho biết, tập quán và thói quen kinh doanh của các doanh nghiệp Israel là muốn mua hàng thành phẩm, đã qua chế biến, có giá trị gia tăng cao, được đóng gói sẵn bao bì hoàn chỉnh, nhất là đối với nhóm hàng lương thực thực phẩm và hàng tiêu dùng (thủy hải sản, hạt điều, cà phê, hạt tiêu, nước giải khát, bánh kẹo, quế, dệt may, giày dép các loại...) để người tiêu dùng có thể sử dụng được ngay sau khi mua hàng. Đây chính là những yếu tố thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam tranh thủ khai thác cơ hội xuất khẩu hàng hóa có giá trị gia tăng cao sang thị trường này.
Để tranh thủ khai thác cơ hội xuất khẩu hàng hóa có giá trị gia tăng cao sang thị trường Israel, nhất là sau khi VIFTA được chính thức ký kết sẽ mở cửa thị trường và giảm thuế cho hàng xuất khẩu của ta, Tham tán Lê Thái Hòa khuyến nghị "bên cạnh những thị trường truyền thống, chúng ta cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mở rộng các thị trường mới, thị trường ngách, thị trường ở xa…." .
Song hành cùng cơ hội, chúng ta cũng đối mặt với thách thức về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa. Hiện Israel yêu cầu hàng hóa nhập khẩu phải tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn bản địa nhiều khi mang tính chất đặc thù. Bên cạnh đó, Israel cũng áp dụng theo các tiêu chuẩn của EU, Mỹ và thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát khá nghiêm ngặt. Hay như để tăng cường nguồn cung cấp hàng hóa từ bên ngoài và tính cạnh tranh trên thị trường, Israel đã thực hiện một số cải cách nhập khẩu và tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế được công nhận ở những nước phát triển.
Trước thách thức này PGS.TS Ngô Trí Long khuyến nghị, doanh nghiệp phải chủ động trong vấn đề tìm hiểu những cơ chế, những chính sách, thị trường, những rào cản thương mại để từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa của mình; chủ động trong xúc tiến thương mại, tìm hiểu thị trường. Thứ hai, các doanh nghiệp hoạt động phải chuyên nghiệp hơn, vì một đối tác có năng lực cạnh tranh lớn, một đối tác có điều kiện tốt như vậy mà chúng ta không chuyên nghiệp trong vấn đề hoạt động về xuất nhập khẩu thì sẽ khó tiếp cận với họ.
Ông Hòa cũng khuyến nghị, doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu Việt Nam, không chỉ cần chú trọng chào hàng các sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao, với giá cả cạnh tranh, chất lượng phù hợp, mà còn phải trả lời nhanh chóng các giao dịch với khách hàng người mua Israel, tuân thủ các yêu cầu về tiêu chuẩn và quy định nhập khẩu của Israel mới ban hành. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần thường xuyên theo dõi sát những diễn biến về an ninh chính trị trong khu vực Trung Đông, để có đối sách kịp thời về các giao dịch ký kết hợp đồng mua bán, chuyên chở hàng hóa xuất nhập khẩu và bảo đảm lợi ích kinh doanh. Trong trường hợp cần thiết, các doanh nghiệp nên liên hệ với Thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại Israel để được hỗ trợ và tư vấn kịp thời cũng như được cung cấp các thông tin hữu ích khi giao dịch, hợp tác kinh doanh với các đối tác bạn hàng tại thị trường Israel.