Tận dụng VIFTA còn nhiều việc phải làm
Chuyên gia kinh tế PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh - nhìn nhận VIFTA có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Bởi lẽ, đây là quốc gia có trình độ công nghệ rất phát triển bao gồm: công nghệ sản xuất, chế biến công nghiệp; công nghệ mới; trí tuệ nhân tạo (AI); công nghệ nông sản xuất nông nghiệp… Họ cũng là quốc gia đang cần rất nhiều các sản phẩm làm nguyên liệu cho sản xuất kinh doanh cũng như lương thực phẩm, thực phẩm.
"Trong khi đó Việt Nam là nước sản xuất chính các sản phẩm nông nghiệp. Việc ký kết và triển khai thực hiện Hiệp định VIFTA sẽ tạo tiền đề thuận lợi để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng thế mạnh sang Israel, đồng thời có cơ hội tiếp cận các mặt hàng công nghệ cao của Israel, góp phần làm giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam" ông Thịnh cho biết.
Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhìn nhận việc ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Israel (VIFTA) thời điểm này có ý nghĩa lớn với doanh nghiệp thủy sản. Lý do, trong cơ cấu xuất khẩu thủy sản, thị trường Isarel mặc dù chiếm tỷ trọng chưa nhiều nhưng đây là một thị trường rất tiềm năng bởi Israel là thị trường có sức mua, khả năng thanh toán cao. Bên cạnh đó, Israel là nước không có nguồn tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực lao động trong nước hạn chế, dù là nước nhỏ nhưng nhu cầu tiêu dùng khá lớn. Bởi vậy, thị trường này còn nhiều dư địa để các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam có thể khai thác hiệu quả.
Các thống kê cho thấy, hàng năm, Israel thuộc trong top 22 thị trường hàng đầu trong số trên 100 thị trường xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Các mặt hàng xuất khẩu qua thị trường này gồm tôm, mực đông lạnh, cá ngừ đóng hộp, cá tra… Trong đó, năm 2022 xuất khẩu cá ngừ sang Israel đạt 36,63 triệu USD và Israel đứng thứ 4 trong số 10 thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam (sau Mỹ, Canada và Nhật Bản); xuất khẩu mực đông lạnh sang thị trường này đạt 23,22 triệu USD, chiếm tỷ trọng 1,7% xuất khẩu mặt hàng này của cả nước và Israel đứng thứ 8 trong số 10 thị trường nhập khẩu mực và bạch tuộc hàng đầu của Việt Nam; xuất khẩu tôm đông lạnh sang Israel đạt khoảng 21 triệu USD và Israel đứng thứ 20.
Thêm vào đó, các mặt hàng thủy sản của Việt Nam tại Israel hiện đã có chỗ đứng ổn định và được người tiêu dùng quốc gia này ưa chuộng, đánh giá cao. Chính vì thế theo lộ trình giảm thuế mà VIFTA đưa ra sẽ tạo thuận lợi lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản. Đáng lưu ý, không chỉ tại thị trường Israel, dự kiến FTA Việt Nam - Israel được ký kết còn mở ra cơ hội hợp tác với khu vực Trung Đông đầy tiềm năng thông qua cửa ngõ các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).
Ông Nguyễn Văn Khánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày TP. Hồ Chí Minh cho biết 6 tháng đầu năm xuất khẩu của ngành da giày rất khó khăn, đơn hàng của doanh nghiệp giảm mạnh 30-40%, các nhà nhập khẩu ở hầu hết các thị trường đều rất dè dặt khi đặt đơn hàng mới. Trong bối cảnh đó, cho dù Israel chưa phải là thị trường thực sự lớn, tạo bước đột phá cho ngành nhưng về lâu dài sẽ rất có giá trị. Hiện nay trong cơ cấu xuất khẩu thị trường Isarel mặc dù chiếm tỷ trọng chưa nhiều nhưng đây là một thị trường rất tiềm năng bởi Israel là thị trường có sức mua, khả năng thanh toán cao, nhu cầu tiêu dùng khá lớn. Bởi vậy, thị trường này còn nhiều dư địa để các doanh nghiệp da giày Việt Nam có thể khai thác hiệu quả. Bên cạnh đó, thị trường Isarel còn là cửa ngõ tiềm năng, mở ra cơ hội hợp tác xuất khẩu da giày vào thị trường Mỹ.
Cơ hội mở rộng xuất khẩu nông sản. Ảnh: ST |
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký hiệp hội Rau quả Việt Nam nhìn nhận Israel là thị trường mạnh về nông nghiệp và có đời sống cao. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng nông sản nhiệt đới như thanh long, nhãn, vải, xoài… vẫn bị thiếu hụt. Trong khi đó, đây lại là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam. Do đó cơ hội cho xuất khẩu rau quả tươi nhiệt đới vào thị trường này rất lớn.
Cùng với đó, cơ hội cho nông sản Việt Nam không chỉ dừng lại tại thị trường Israel mà còn mở ra cơ hội hợp tác với khu vực Trung Đông đầy tiềm năng thông qua cửa ngõ các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và đi ra toàn cầu.
Ông cũng chỉ ra Việt Nam là nước có tiềm năng lớn về vùng nguyên liệu nông sản. Nếu các sản phẩm nguyên liệu của Việt Nam có thể kết hợp với công nghệ của Israel thì có thể tăng tỉ lệ hàng chế biến của Việt Nam ra thế giới. “Hiện nay, với rau quả Israel vẫn là thị trường nhỏ, chưa có thống kê riêng. Song chúng tôi kỳ vọng, thị trường này có thể đạt top 15 , top 10 thị trường xuất khẩu rau quả trong thời gian tới” ông Nguyên kỳ vọng.
"Tuy nhiên, việc ký kết mới chỉ là bước đầu. Để tận dụng tối đa các cơ hội từ FTA này mang lại thì còn rất nhiều việc phải làm" PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhìn nhận. Theo đó, về phía cơ quan chức năng, cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Hiệp định VIFTA một cách sâu rộng trong cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức kinh tế xã hội, tổ chức sản xuất kinh doanh, các hiệp hội để từ đó, các hiệp hội, ngành nghề, địa phương có thể xem xét về những lợi thế, khả năng tận dụng ưu đãi thuế quan,… từ FTA mang lại.
Ông Thịnh cũng chỉ ra về phía các doanh nghiệp có thể nhìn thấy cơ hội liên kết, xuất khẩu sang thị trường Israel. Bởi lẽ, mặc dù công nghiệp chế biến, chế tạo của họ rất cao, nhưng họ đang bị giới hạn bởi đặc tính riêng của một quốc gia xa mạc, do đó, họ cần nhiều các sản phẩm nhiệt đới trong đó có Việt Nam.
Các doanh nghiệp cần đi sâu tìm hiểu và xem xét khả năng hợp tác và tận dụng cơ hội sản xuất kinh doanh là những gì để từ đó có những lộ trình cho từng doanh nghiệp, ngành nghề, mặt hàng. Trên cơ sở đó, phát huy được ưu điểm, tận dụng được các mặt mạnh và đẩy mạnh xuất khẩu. Nhất là trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu của chúng ta trong thời gian vừa qua còn nhiều khó khăn.
Thực tế, việc tận dụng các ưu đãi từ các FTA của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn rất ít, chỉ đâu đó khoảng 30%. Đây là sự lãng phí. Do đó, Bộ Công Thương cùng với vai trò của các Thương vụ, các Đại sứ quán cần phối hợp với các bộ, ngành, Hiệp hội, doanh nghiệp,… đẩy mạnh tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu và tận dụng tối đa các lợi thế từ các FTA nói chung và Hiệp định VIFTA nói riêng.
Thêm vào đó, khác với những thị trường mà Việt Nam đã có FTA, thị trường Isarel chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên doanh nghiệp Việt có thể hợp tác cùng họ để thành lập công ty tại nước này. Thông qua hợp tác doanh nghiệp Việt sẽ hiểu nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng cũng như cách đưa ra được những sản phẩm phù hợp với người tiêu dùng nước này.
Mặc dù tiềm năng, song ông Phúc Nguyên chỉ ra Israel là thị trường quy củ, bài bản và có tiêu chuẩn cao, khi làm ăn tại Israel doanh nghiệp cần nắm được đầy đủ quy định, tập tục làm ăn của quốc gia và doanh nghiệp đối tác, tránh tâm lý “ăn xổi”.