Cần ứng phó hiệu quả với phòng vệ thương mại
Theo số liệu của Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (USITC), tổng kim ngạch xuất khẩu PTY của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ năm 2019 đạt 4,5 triệu USD. Chính vì đây là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng nên Bộ Công thương Việt Nam hiện đang tiếp tục theo dõi sát sao các thông tin, diễn biến vụ việc để đảm bảo việc cơ quan điều tra tuân thủ đúng các quy định của WTO về điều tra chống bán phá giá. Đồng thời, Cục Phòng vệ thương mại cũng đưa ra các khuyến nghị đối với các doanh nghiệp Việt đang xuất khẩu sản phẩm này sang Hoa Kỳ cần lưu ý và liên hệ, phối hợp với Cục để được hỗ trợ, nhất là với những doanh nghiệp xuất khẩu trong quá trình điều tra vụ việc để có phương án xử lý kịp thời nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của DN.
Ảnh minh họa |
Thực tế thời gian gần đây, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam liên tục vướng vào các vụ kiện tụng, tranh chấp thương mại ở nhiều thị trường khi có kim ngạch tăng trưởng tốt. Một số chuyên gia nhận định, sở dĩ các vụ kiện tụng gia tăng là do Việt Nam đã ký kết và thông qua nhiều hiệp định thương mại tự do đa phương, song phương với nhiều nước, thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu. Đi cùng với những thỏa thuận thương mại là “hàng rào” thuế quan được dỡ bỏ giúp hàng Việt Nam có thêm lợi thế để xuất khẩu. Nhưng cùng với đó, nguy cơ thường xảy ra với một số ngành tăng trưởng mạnh cũng rất dễ đối mặt với kiện tụng. Một số nước nhập khẩu sẽ sử dụng phòng vệ thương mại (PVTM) như là một công cụ hợp pháp và hữu ích (được WTO cho phép áp dụng) để bảo vệ ngành sản xuất trong nước khi hàng hóa nhập khẩu gây thiệt hại cho doanh nghiệp nước sở tại.
Thống kê từ Bộ Công thương cho thấy trong 9 tháng đầu năm 2020, Việt Nam đã bị các nước khởi xướng điều tra 32 vụ PVTM, gấp đôi cả năm 2019 (16 vụ). Tính từ trước đến nay, quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng giúp kim ngạch xuất khẩu gia tăng cũng khiến Việt Nam phải đối mặt với gần 200 vụ PVTM với kim ngạch bị ảnh hưởng lên đến 12 tỷ USD. Trong đó, "vướng" kiện PVTM chủ yếu là những mặt hàng Việt Nam có lợi thế xuất khẩu như kim loại, sợi, thủy sản, đồ gỗ, vật liệu xây dựng, hóa chất... tại một số thị trường được coi là "khó tính" với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là Mỹ, châu Âu (EU), Thổ Nhĩ Kỳ... chiếm tới 62% tổng vụ điều tra.
Đơn cử, trong lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu mặt hàng sắt thép, hiện nay Việt Nam đã xuất khẩu sản phẩm tới hơn 30 quốc gia và khu vực trên thế giới. Sự gia tăng xuất khẩu những năm qua đồng thời cũng dẫn đến việc doanh nghiệp thép phải đối diện với nhiều vụ kiện về PVTM. Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), từ năm 2004 đến tháng 8/2020, ngành thép có 62 vụ liên quan đến PVTM. Trong đó, chống bán phá giá 34 vụ, chống trợ cấp 3 vụ, chống bán phá giá và chống trợ cấp là 6 vụ... Ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch VSA cho biết, một trong những nguyên nhân là tình trạng dư thừa công suất toàn cầu khi 10 năm qua dẫn đến nhiều nước có xu hướng dịch chuyển hàng hóa ra bên ngoài. Tại Việt Nam, nhiều DN sản xuất thép của Việt Nam cũng dư thừa sản lượng phải tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu. Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng trên toàn cầu, nguy cơ phải đối diện với các vụ kiện PVTM sẽ khó tránh khỏi và ngày càng tăng lên.
Theo bà Phạm Châu Giang, Phó Cục trưởng Cục PVTM - Bộ Công thương, kinh nghiệm cho thấy, ở nơi nào thuế quan hạ xuống, rào cản phi thuế sẽ nâng lên tương ứng. Với thị trường EU, năm 2019, Việt Nam đã có thặng dư thương mại 26,5 tỷ USD nên khi Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực từ tháng 8/2020 với lộ trình giảm thuế của EU cho hàng Việt Nam ngắn và sâu hơn chiều ngược lại nên có khả năng Việt Nam sẽ gây thâm hụt thương mại cho EU. Trong khi đó, EU vốn là thị trường áp dụng PVTM nhiều thứ 2 thế giới sau Mỹ, nên nguy cơ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị EU áp dụng các biện pháp PVTM cũng sẽ lớn. Vì vậy, DN Việt Nam phải hết sức chú ý để phòng tránh những thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra.
“DN phải có kế hoạch sản xuất chuyên nghiệp hơn, xác định đặc thù của từng mặt hàng và thị trường xuất khẩu, quan tâm đến nguyên liệu đầu vào và đặc biệt là minh bạch giá cả... Để hạn chế bị thiệt hại, các DN cần lưu ý trong việc nắm kỹ pháp luật tự vệ của các nước, theo dõi lượng xuất khẩu vào những thị trường đối tác để có sự điều chỉnh phù hợp. Đồng thời, DN nên chủ động mở rộng thị trường, tránh dồn tất cả vào một thị trường sẽ rất rủi ro, cũng như cần tập hợp sẵn các tài liệu, hồ sơ, chứng từ... để khi bị kiện, có thể giúp việc tháo gỡ dễ dàng hơn" – bà Giang khuyến cáo .