Cảng biển, vận tải biển: Vẫn nhiều cơ hội phát triển
Để phát triển logistics Việt Nam ngang tầm quốc tế | |
Hàng Việt ứng phó với nguy cơ mất thị phần khi phí logistics tăng | |
Khi nào giá cước container đảo chiều? |
Nhìn lại 6 tháng đầu năm 2021 giá cước tăng cao cùng các hiệp định thương mại Việt Nam đã ký kết được phát huy, hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng tích cực đã giúp nhiều doanh nghiệp cảng và vận tải biển báo lãi lớn.
Ảnh minh họa |
Như CTCP Cảng Sài Gòn (SGP) ghi nhận tổng doanh thu đạt gần 694 tỷ đồng, tăng trưởng 45%, lợi nhuận trước thuế gần 281 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 237 tỷ đồng, tăng 154% so với cùng kỳ năm trước; qua đó giúp công ty hoàn thành 58% chỉ tiêu doanh thu và vượt 4% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Sản lượng ngành hàng container của CTCP Cảng Đồng Nai (PDN) cũng tăng gần 77%, góp phần đưa doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt 468 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế gần 92 tỷ đồng, tăng 35,3%; hoàn thành được 57% mục tiêu về doanh thu và 63% kế hoạch lợi nhuận.
Với CTCP Gemadept (GMD), doanh thu khai thác cảng tăng 22,4% so với cùng kỳ, tương ứng tăng 226,2 tỷ đồng lên 1.235,8 tỷ đồng đã giúp doanh thu 6 tháng đầu năm của công ty đạt hơn 1.439 tỷ đồng, tăng 19%; lợi nhuận đạt hơn 350 tỷ đồng tăng 39,5% so với 6 tháng đầu năm 2020, hoàn thành 55,4% kế hoạch tại kịch bản lạc quan trong 2 kịch bản mà GMD xây dựng.
CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (mã CK: HAH) cũng đạt 808 tỷ đồng doanh thu, tăng 49% và lợi nhuận sau thuế 183 tỷ đồng, tăng 161% so với cùng kỳ năm ngoái; lần lượt thực hiện được 49% chỉ tiêu doanh thu và vượt 16% kế hoạch lợi nhuận năm 2021...
Sang quý III, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp buộc nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động thương mại, vận tải. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 8 chỉ ước đạt 53,7 tỷ USD, giảm 0,57% so với tháng trước. Tuy nhiên, tính chung 8 tháng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt ở mức cao, đạt 428,81 tỷ USD, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Thông tin từ Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, 8 tháng đầu năm 2021, tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam ước đạt hơn 480,4 triệu tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2020 thấp hơn các tháng trước, song sản lượng hàng hóa container qua hệ thống cảng biển Việt Nam 8 tháng vẫn có mức tăng trưởng hai con số với mức tăng 18%, ước đạt gần 16,8 triệu TEUs.
Bên cạnh đó, 8 tháng đầu năm có 1.135 dự án đầu tư nước ngoài được cấp phép vào Việt Nam với số vốn đăng ký đạt 11,33 tỷ USD, giảm 36,8% về số dự án song tăng 16,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; 639 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 4,98 tỷ USD, tăng 2,3%; Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 8 tháng năm 2021, ước tính đạt 11,58 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.
“Điều này cho thấy nhu cầu giao thương giữa Việt Nam và các nước bạn đang trên đà tăng trưởng, ngành cảng biển vẫn không bị ảnh hưởng quá nhiều bất chấp những tháng gần đây Chính phủ Việt Nam đã áp dụng các chính sách mạnh tay nhằm phòng chống dịch bệnh”, CTCK Funan nhận định.
Tăng trưởng GDP toàn cầu hiện dự kiến là 5,8% trong năm nay cao hơn mức dự báo 4,2% trước đây, được dẫn dắt bởi các nền kinh tế phát triển - cũng là đối tác thương mại chính của Việt Nam - mở cửa nền kinh tế trở lại sau các chiến dịch tiêm chủng vắc xin. “Chúng tôi tin rằng điều này sẽ hỗ trợ cho các đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam, từ đó dẫn dắt tăng trưởng lưu lượng hàng hóa thông qua các sân bay và cảng biển trong tương lai... Bất chấp rủi ro ngắn hạn về gián đoạn sản lượng sản xuất, chúng tôi tin rằng tổng sản lượng hàng hóa thông qua các cảng biển Việt Nam vẫn dự kiến đạt mức tăng trưởng hai con số 15% và14% trong năm 2021 và 2022 nhờ kỳ vọng rằng tỷ lệ tiêm vắc xin có thể tăng đáng kể trong những tháng tới và hoàn thành lộ trình tiêm chủng cho 70% dân số vào cuối quý I/2022. Điều này cũng sẽ thúc đẩy triển vọng dịch chuyển chuỗi cung ứng sang Việt Nam đang diễn ra”, CTCK Rồng Việt (VDSC) nhận định.
Trong bối cảnh đó, HAH là một điểm sáng khi sở hữu đội tàu lớn nhất cả nước, chiếm 22% trong tổng số 36 tàu container của Việt Nam, với tổng công suất gần 11.000 TEUs cùng với tuyến vận tải nội địa rộng khắp và mô hình kinh doanh tích hợp cảng và kho bãi giúp HAH dẫn đầu năng lực vận tải, duy trì sản lượng vận tải cao, từ đó đảm bảo lợi nhuận. Dịch vụ CFS và Depot, mới bắt đầu hoạt động vào năm 2020, sẽ mang lại bước nhảy vọt từ năm 2021 nhờ có nhiều nguồn hàng cam kết hơn.
Với GMD, việc đưa vào khai thác cảng Gemalink từ đầu 2021 không chỉ cải thiện đáng kể tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của GMD trong 6 tháng đầu năm mà cả trong 6 tháng cuối năm và dài hạn. VDSC dự báo, tăng trưởng ổn định tại các cảng Hải Phòng của GMD thúc đẩy EBIT ghi nhận CAGR là 10% trong giai đoạn 2021F-25F. Thoái vốn thành công GML và các mảng kinh doanh ngoài ngành (trồng trọt cao su và bất động sản) sẽ là chất xúc tác tiềm năng trong ngắn hạn và dài hạn.
Cảng Hải Phòng (PHP) cũng đầy lợi thế với vị thế cụm cảng lớn thứ hai tại Việt Nam. Cảng nước sâu của công ty sẽ được khởi công vào quý III/2021 và sẽ trở thành động lực tăng trưởng mới của PHP từ năm 2024. Phương án di dời cảng Hoàng Diệu có thể được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2021 theo tiến độ thi công của cầu Nguyễn Trãi sẽ tạo ra lợi nhuận bất thường cho PHP trong ngắn hạn khi giá trị thị trường khu đất này sẽ cao hơn nhiều so với giá trị sổ sách ghi nhận.