Căng thẳng Mỹ - Trung: Sang trang mới
“Tôi đang chỉ đạo chính quyền của mình bắt đầu tiến trình loại bỏ các miễn trừ chính sách mang lại cho Hồng Kông sự đối xử khác biệt và đặc biệt”, ông Trump nói trong một sự kiện ở Vườn hồng tại Nhà Trắng. “Thông báo của tôi hôm nay sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ các thỏa thuận mà chúng tôi có với Hồng Kông, từ hiệp ước dẫn độ, đến kiểm soát xuất khẩu và công nghệ của chúng tôi. Chúng tôi sẽ thu hồi các ưu đãi dành cho Hồng Kông với tư cách là một lãnh thổ hải quan và du lịch riêng biệt với phần còn lại của Trung Quốc”.
Cho đến nay, Hồng Kông không bị trừng phạt thuế quan như Mỹ đang áp đặt lên hàng hóa của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Tuy nhiên, theo như những tuyên bố của ông Trump, tình thế đã thay đổi.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng hôm 29/5 |
Không chỉ vậy, ông Trump còn tuyên bố sẽ buộc các công ty Trung Quốc và các công ty nước ngoài khác đang niêm yết trên các sàn giao dịch tài chính Mỹ phải tuân thủ các tiêu chuẩn kế toán và kiểm toán của Mỹ. Vấn đề này từ lâu đã được các nhà hoạch định chính sách của Washington quan tâm, thậm chí một số người còn đề nghị đưa ra luật cấm giao dịch đối với những cổ phiếu của các công ty được kiểm tra bởi Hội đồng Giám sát Kế toán Công ty đại chúng trong 3 năm liên tiếp.
Mặc dù Trump chưa cho biết liệu ông có ký dự luật hiện đang được thông qua tại Quốc hội này hay không. Nhưng ông tuyên bố hôm thứ Sáu rằng ông sẽ chỉ đạo “nhóm làm việc về thị trường tài chính của ông nghiên cứu các hoạt động khác nhau của các công ty Trung Quốc được niêm yết trên thị trường tài chính Mỹ, với mục tiêu bảo vệ các nhà đầu tư Mỹ”.
“Các công ty đầu tư không nên khiến khách hàng của họ phải chịu những rủi ro tiềm ẩn và không đáng có liên quan đến việc tài trợ cho các công ty Trung Quốc không tuân thủ các quy tắc tương tự”, ông Trump nói và nhấn thêm rằng: “Người Mỹ có quyền được hưởng sự công bằng và minh bạch”.
Tuy nhiên giới đầu tư cảm thấy an tâm hơn khi ông Trump không công bố thêm các biện pháp trừng phạt như việc áp thuế quan bổ sung đối với các sản phẩm của Trung Quốc hay các biện pháp trừng phạt khác, thậm chí là rút khỏi thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung.
Trong thời gian gần đây, chính quyền của ông Trump liên tục gia tăng áp lực lên Trung Quốc khi cáo buộc nước này che giấu các trường hợp nhiễm coronavirus sớm. Thậm chí ông Trump còn công khai đổ lỗi cho Trung Quốc về nguồn gốc của virus và mức độ nghiêm trọng khủng khiếp của đại dịch này ở Mỹ.
Áp lực càng tăng mạnh hơn trong tuần qua sau khi Quốc hội Trung Quốc thông qua một đạo luật an ninh mới đối với Hồng Kông. Hôm thứ Tư tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã gửi một báo cáo cho Quốc hội tuyên bố rằng Hồng Kông không còn tự trị với Trung Quốc. “Không có một ai với suy nghĩ hợp lý lại có thể khẳng định Hồng Kông vẫn duy trì mức độ tự chủ cao với Trung Quốc, xét trên thực tế hiện nay”, Pompeo nói và nhấn thêm rằng, Hồng Kông sẽ không tiếp tục được đảm bảo quy chế đặc biệt dưới luật pháp của Mỹ.
Mặc dù vậy, dường như ông Trump vẫn tỏ ra khá thận trọng khi đưa ra các hành động đối với Trung Quốc để tránh đưa mối quan hệ song phương vốn đang căng thẳng hiện này trở thành một cuộc đối đầu toàn diện. Trên cương vị Tổng thống, ông Trump nhận thức rất rõ về sự phụ thuộc lẫn nhau của Mỹ với Trung Quốc khi mà Trung Quốc hiện vừa là thị trường đối với hàng xuất khẩu của Mỹ, vừa là nhà cung cấp hàng hóa sản xuất. Ông cũng vẫn tin rằng thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 của mình được ký vào tháng 1, có thể và sẽ được coi là một trong những thành công trong nhiệm kỳ tổng thống của mình khi đã phần nào hiện thực hóa những cam kết mà ông đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử năm 2016.
Đó chính là lý do kể từ khi coronavirus bùng phát ở Mỹ, ông Trump tỏ ra không mấy hào hứng với việc ban hành thêm bất kỳ luật nào mà ông cho rằng có thể cản trở sự phục hồi kinh tế.
Phản ứng lại với những tuyên bố trên của Trump về Hồng Kông, bà Teresa Cheng – Bộ trưởng Tư pháp Hồng Kông tuyên bố hôm thứ Bảy (30/5) rằng, “hoàn toàn sai lầm” khi nói rằng Hồng Kông đã mất quyền tự trị. Theo bà Cheng, Chính quyền Trung ương của Trung Quốc có quyền tuyệt đối hành động về an ninh quốc gia liên quan đến Hồng Kông.
Bà cũng chỉ trích Mỹ, nói rằng bất kỳ nhà nước nào khác cố gắng ép buộc hoặc sử dụng bất kỳ phương tiện nào nhằm can thiệp vào chủ quyền của một quốc gia thông qua luật an ninh quốc gia của chính họ là vi phạm nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau theo luật pháp quốc tế, và điều đó không thể chấp nhận được.