Chăn nuôi gia cầm: Tìm hướng nâng cao chất lượng
Theo Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tổng đàn gia cầm cả nước có hơn 308 triệu con, trong đó đàn gà có gần 224 triệu con, đàn vịt khoảng 85 triệu con, tập trung nhiều ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng và một số tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi gia cầm đang gặp những khó khăn cần phải tháo gỡ.
Lâm Đồng đã đầu tư vùng chăn nuôi tập trung nhưng người dân chưa mạnh dạn tham gia
Đối mặt nhiều khó khăn
Là một trong những địa phương nuôi gia cầm lớn của khu vực phía Nam, Đồng Nai có tổng đàn gia cầm khá lớn với hơn 12 triệu con, trong đó chăn nuôi trang trại chiếm 10 triệu con (278 trang trại), số còn lại là nuôi nhỏ lẻ khoảng 30.000 hộ, bình quân khoảng 70 con/hộ.
Dù được Trung tâm Khuyến nông và Sở NN&PTNT hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật tiên tiến trong chăn nuôi gia cầm, nhưng nhiều trang trại và nông hộ của tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn.
Theo anh Nguyễn Văn Quý, kỹ sư chăn nuôi gia cầm, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đồng Nai, các mô hình nuôi nhỏ lẻ lẫn trang trại đều bị vướng ở khâu đầu vào, như giá thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y luôn biến động tăng làm cho giá thành sản phẩm tăng theo. Trong khi đó, giá sản phẩm tăng chậm, thấp dẫn tới người nuôi lời ít hoặc lỗ.
Mặt khác, một số trang trại lớn của tỉnh đã được đầu tư xây dựng trước đó, nay tỉnh quy hoạch khu vực chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học, đảm bảo môi trường, thì việc di dời các trang trại này gặp nhiều khó khăn và chi phí tái đầu tư có thể tăng lên gấp đôi.
Tại tỉnh Bình Phước, khó khăn khác đối với các hộ chăn nuôi lại là về chất lượng con giống. Ông Nguyễn Văn Cúc, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Phước cho biết, toàn tỉnh có tổng đàn gà gần 3,5 triệu con, trong đó các trang trại chiếm hơn 2 triệu con.
Hầu hết các trang trại và hộ nuôi nhỏ lẻ đều phải nhập con giống từ nhiều nơi khác. Trong đó nhập giống nhiều nhất từ Đồng Nai, Bình Dương, có trang trại phải nhập giống gà từ các tỉnh phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng nên khó kiểm soát về chất lượng con giống gia cầm.
Hơn nữa, chất lượng thức ăn chăn nuôi giữa các công ty sản xuất thức ăn cho gia cầm không đồng đều và tiêu chuẩn chưa được kiểm soát triệt để. Chi phí thức ăn tinh trong thành phẩm chăn nuôi chiếm 65 - 70%, trong khi đó giá thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam cao hơn giá trung bình của thế giới khoảng 16% và so với khu vực là 13%.
Không những vậy, các hộ chăn nuôi nhỏ chưa có sự liên kết chặt chẽ với các công ty, cơ sở giết mổ gia cầm, khi dịch bệnh xảy ra, sản phẩm chăn nuôi của các hộ nuôi nhỏ lẻ luôn bị thương lái ép giá. Vì vậy, để giữ được đầu ra, một số hộ nuôi nhỏ đành phải hợp đồng chăn nuôi gia công cho các công ty như Công ty cổ phần CP Việt Nam, Emivest.
Khó khăn điển hình khác tại Lâm Đồng là hầu hết các cơ sở chăn nuôi đều nằm gần khu vực dân cư sinh sống, khoảng cách từ chuồng trại chăn nuôi đến khu sinh hoạt của người dân chưa đủ an toàn, mùi hôi có thể gây ảnh hưởng đến người dân xung quanh. Mặc dù hiện nay Lâm Đồng đã đầu tư vùng chăn nuôi tập trung nhưng người dân chưa mạnh dạn tham gia.
Tìm giải pháp phát triển chăn nuôi gia cầm an toàn
Để ngành chăn nuôi gia cầm phát triển, đáp ứng thịt, trứng cho nhu cầu của người tiêu dùng, mỗi địa phương đều tìm giải pháp để phát triển đàn gia cầm an toàn, mà theo xu thế hiện nay, chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học được nhiều tỉnh chú trọng.
Anh Nguyễn Văn Quý cho biết thêm, tỉnh Đồng Nai khuyến khích các trang trại và nông hộ áp dụng công nghệ tiên tiến, phát triển chăn nuôi gia cầm tập trung theo công nghệ tự động và bán tự động, an toàn sinh học, giảm dần quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ và nâng cao hiệu quả, khả năng kiểm soát dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, công tác đầu tư vào con giống chất lượng cao đảm bảo cung cấp cho thị trường cũng được chú trọng, tạo ra chuỗi liên kết từ sản xuất chăn nuôi, giết mổ, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, khuyến khích áp dụng chăn nuôi theo quy trình GAP (quy trình thực hành xử lý nông nghiệp tốt)…
Mặt khác, việc phát triển giống gia cầm chất lượng cao, hao hụt thấp, phù hợp với điều kiện của từng tỉnh là điều quan trọng để phát triển chăn nuôi đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Bên cạnh đó, ưu tiên cho các cơ sở đầu tư trại gà, vịt giống ông bà để đảm bảo cung cấp giống bố mẹ chất lượng, năng suất cao cho các trang trại sản xuất gia cầm thương phẩm trong tỉnh.
Cán bộ khuyến nông tỉnh cũng tăng cường nhiều việc như khuyến khích kêu gọi nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi tại địa bàn tỉnh, nâng cao giá trị sản xuất trong chăn nuôi, tự túc về cơ bản nguyên liệu sản xuất, chế biến thức ăn, các hộ nuôi nhỏ lẻ dần chuyển sang chăn nuôi theo hướng hàng hóa, xây dựng mô hình hợp tác xã…
Ngoài những giải pháp về đầu tư, việc chăm sóc đàn gia cầm đúng quy trình an toàn sinh học cũng được chú trọng trong thời gian tới. Theo đại diện Công ty Thuốc thú y Thịnh Á, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học để bảo vệ trại chăn nuôi của mình cũng chính là bảo vệ những trại lân cận.
Để có chương trình an toàn sinh học hiệu quả, trang trại cần kiểm soát chặt những yếu tố như khách tham quan, việc đi lại của nhân viên bên trong trại chăn nuôi, vệ sinh chuồng nuôi, dụng cụ chăm sóc gia cầm, nguyên vật liệu vào trại và ra khỏi trại, hạn chế số cửa ra vào trại, sử dụng vacxin và có quy trình chủng ngừa hợp lý tùy theo tình hình dịch tễ, giúp nâng cao sức khỏe gia cầm và an toàn dịch bệnh.
Quang Minh