Chật vật phát triển khu kinh tế ven biển
Phát triển các khu kinh tế ven biển: Thiếu quy hoạch và tầm nhìn Thành lập Khu kinh tế ven biển Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh |
Còn nhiều “điểm nghẽn”
Khu vực này là nơi tập trung nhiều khu kinh tế ven biển quan trọng như Nghi Sơn (Thanh Hóa), Vũng Áng (Hà Tĩnh), Chu Lai (Quảng Nam) hay Dung Quất (Quảng Ngãi), Nhơn Hội (Bình Định). Kể từ thời điểm thành lập Khu kinh tế mở Chu Lai - khu kinh tế ven biển đầu tiên của cả nước vào năm 2003, đến nay cả nước có 19 khu kinh tế ven biển được thành lập, trong đó, có 11 khu ở địa bàn miền Trung. Đến nay, các khu kinh tế trong khu vực thu hút 254 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký là 42 tỷ USD và 1.079 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư khoảng 805,2 nghìn tỷ đồng. Tổng cộng đã có khoảng 60,4 nghìn ha đất đã được nhà đầu tư xây dựng hạ tầng, cơ sở sản xuất và đi vào vận hành kinh doanh...
Cũng như cả nước, những năm gần đây, các địa phương trong khu vực miền Trung đã dành nguồn lực rất lớn để đầu tư khai thác tiềm năng kinh tế biển. Tuy nhiên, trên thực tế, bên cạnh một số khu kinh tế biển “ăn nên làm ra”, thì việc phát triển các khu kinh tế ven biển ở miền Trung đang khá chật vật với nhiều “điểm nghẽn” cần sớm được khơi thông.
Theo TS. Hoàng Hồng Hiệp, quyền Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Trung bộ, khung thể chế và mô hình phát triển khu kinh tế ven biển hiện vẫn còn chưa hoàn thiện. Trong khi đó, tại miền Trung, cơ sở hạ tầng bên trong và bên ngoài các khu kinh tế vẫn chưa được đầu tư đồng bộ, hiện đại; tính kết nối giữa các khu kinh tế ven biển với các trung tâm kinh tế vùng còn nhiều hạn chế. Các dự án đầu tư vào các khu kinh tế ven biển miền Trung chủ yếu là các ngành công nghiệp nhẹ, thâm dụng lao động như các ngành, dệt may, da giày, lắp ráp hàng điện tử; trong khi đó lại thiếu các dự án đầu tư vào các ngành công nghiệp/dịch vụ sử dụng công nghệ cao.
Ngoài ra, cơ chế chính sách ưu đãi trong thu hút đầu tư vào các khu kinh tế ven biển miền Trung cũng như cả nước còn thiếu đột phá, dẫn đến những khó khăn trong thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài. Bởi vậy, một số khu kinh tế ven biển khu vực miền Trung đang trong tình trạng “khát đầu tư”, nên còn có tư duy thu hút đầu tư bằng mọi giá mà không quan tâm nhiều đến yếu tố môi trường hoặc môi sinh cho cư dân địa phương trong vùng. Thậm chí, có nơi còn là “điểm đen” về ô nhiễm môi trường. Chưa hết, việc liên kết phát triển các khu kinh tế ven biển ở miền Trung cũng như giữa các địa phương trong khu vực còn hạn chế, thiếu tầm nhìn và cơ chế điều phối chung ngay từ bước quy hoạch phát triển; thiếu một “nhạc trưởng”, để kết nối cùng phát triển…
Việc phát triển các khu kinh tế ven biển ở miền Trung còn gặp nhiều khó khăn |
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư
Đồng quan điểm, PGS.TS. Bùi Quang Bình, trường Đại học kinh tế Đà Nẵng cho rằng, các khu kinh tế ven biển đã và đang trở thành nơi thí điểm vận dụng sáng kiến về cơ chế chính sách phát triển cho các địa phương. Tuy nhiên, hoạt động thu hút đầu tư của các khu kinh tế ven biển Việt Nam nói chung và ở khu vực miền Trung nói riêng còn nhiều bất cập.
Trên thực tế, trong số 11 khu kinh tế ven biển hiện có ở miền Trung, một số đã thể hiện tốt được tầm quan trọng của mình đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Trong số đó, có thể nhắc đến những cái tên như Nghi Sơn, Vũng Áng, Chu Lai và Dung Quất. 4 khu kinh tế này đã chiếm hơn 80% giá trị sản xuất toàn vùng. Điều này cho thấy hiện có nhiều khu kinh tế ven biển trong khu vực chưa phát huy một cách hiệu quả, phù hợp với tiềm năng và lợi thế vốn có…
Hiến kế để phát triển, cũng theo PGS.TS. Bùi Quang Bình, các khu kinh tế ven biển trong vùng phải trở thành cửa mở hướng ra biển và theo hướng hợp tác phát triển hành lang kinh tế Đông - Tây và Bắc - Nam với các nước Asean, Bắc Á… 4 khu kinh tế ven biển nêu trên, phải thực sự là “cửa vào”, tạo ra động lực phát triển cho toàn bộ địa phương miền Trung, khu vực Tây Nguyên, cho các nước Lào, Campuchia… về thông thương hàng hóa, phát triển kinh tế biển. Điều này giúp cho các khoản đầu tư vào khu kinh tế ven biển có hiệu quả, tránh tình trạng lãng phí, dàn trải.
Đặc biệt, để phát triển, các khu kinh tế ven biển còn cần khát vọng và sự nỗ lực bền bỉ, không ngừng của chính quyền địa phương, cùng với đó là sự đồng hành của nhà đầu tư. Trong số ít những khu kinh tế ven biển đang phát triển ở miền Trung, có Khu kinh tế mở Chu Lai ở Quảng Nam. Từ vùng đất cát hoang vắng hơn 20 năm trước, trải qua nhiều thế hệ lãnh đạo của tỉnh Quảng Nam, cùng với sự đồng hành của Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco), đã biến những đồi cát trắng ven biển ở Chu Lai trở thành khu kinh tế ven biển phát triển bậc nhất ở Việt Nam. Đến nay, khu kinh tế này đã trở thành một tổ hợp công nghiệp ô tô và công nghiệp phụ trợ ô tô hiện đại bậc nhất Đông Nam Á, trung tâm logistics gắn với cảng biển Kỳ Hà, sân bay Chu Lai, trung tâm nông nghiệp công nghệ cao, dệt may và điện khí và hóa dầu. Hằng năm, đóng góp một nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương…
Bên cạnh những khát vọng vươn lên, theo nhiều chuyên gia, các khu kinh tế ven biển trong khu vực miền Trung cần phải tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; chú trọng công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn lao động kỹ thuật, nhân lực quản lý có trình độ chuyên môn, kỹ năng cao. Đồng thời, tập trung thu hút đầu tư có chọn lọc, có định hướng theo ngành nghề phù hợp với điều kiện phát triển của từng địa phương; ưu tiên thu hút các ngành công nghiệp phụ trợ, các dự án có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường… Có như vậy, các khu kinh tế ven biển mới có thể “vươn mình” phát triển, đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã hội ở khu vực.