Chỉ thị số 40-CT/TW: “Cánh tay” nối dài của Đảng trong công cuộc giảm nghèo bền vững (Bài 2)
Bài 2: Trao cơ hội, dựng sinh kế thoát nghèo bền vững
“Trợ lực” cho người dân thoát nghèo
Về xã Tử Nê, những ngày đầu tháng 11, khi vườn bưởi đỏ Tân Lạc chuẩn bị bước vào mùa thu hoạch, sắc vàng của những trái bưởi chín lan tỏa khắp vùng mang lại sức sống tươi mới cho thôn xóm. Trong khung cảnh ấy, vườn bưởi trĩu quả của gia đình anh Ngô Ngọc Hải ở xóm 1 hiện lên như một minh chứng cho nghị lực vươn lên sau những khó khăn nhờ vào đồng vốn tín dụng chính sách.
Vài năm về trước, đại dịch Covid-19 đã khiến gia đình anh Hải lâm vào cảnh bế tắc khi nguồn thu chính từ mảnh vườn bị đẩy về con số không. Đúng vào lúc khó khăn nhất, anh biết đến nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) và quyết định vay 40 triệu đồng từ chương trình hỗ trợ việc làm. Số tiền này đã giúp anh có thêm vốn đầu tư phân bón, cải tạo vườn, đồng thời thuê thêm 5-10 lao động thời vụ cho những vụ thu hoạch lớn. Từng bước, vườn bưởi của anh “hồi sinh”, mang lại nguồn thu ổn định với 300 triệu đồng mỗi năm.
Niềm vui của anh Ngô Ngọc Hải (xóm 1, xã Tử Nê) trước vụ mùa bội thu của vườn bưởi đỏ rộng 8.000ha nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách. (Ảnh: Thanh Hà) |
Với anh Hải, nguồn vốn tín dụng không chỉ đơn thuần là sự hỗ trợ tài chính mà còn là điểm tựa đúng lúc, giúp gia đình anh vượt qua giai đoạn khó khăn và tiếp tục gắn bó với nghề trồng bưởi. Đứng giữa vườn bưởi vàng óng đang chờ ngày thu hoạch, anh Hải tự tin chia sẻ về những mùa vụ bội thu và cuộc sống ngày một khấm khá hơn.
Rời Tử Nê, chúng tôi cùng cán bộ NHCSXH huyện Tân Lạc đến xã Quyết Chiến thăm mô hình trồng rau sạch và chăn nuôi bò của gia đình anh Đinh Công Nhủ và chị Bùi Thị Ngoan (dân tộc Mường) đang từng bước vươn lên từ nguồn vốn tín dụng chính sách.
Từ xa, khi nhìn thấy chúng tôi, chị Ngoan một tay ôm bó su su đang cắt dở, một tay vẫy chào. Trên sườn đồi, anh Nhủ đang chăm chút cho đàn bò khỏe mạnh, vội vã chạy xuống đón đoàn, nét mặt mừng rỡ, đôi mắt ánh lên niềm vui như gặp lại những người bạn đồng hành thân thiết.
Kể về hành trình thoát nghèo, anh Nhủ xúc động nói: “Nhớ lại, cứ ngỡ như một giấc mơ vậy! Trước đây, vợ chồng tôi quanh năm chỉ đi làm thuê, thu nhập bấp bênh, cuộc sống chật vật qua ngày. Gom góp được chút vốn cũng chỉ dám trồng vài luống su su để bán, nhưng cái nghèo cứ mãi đeo bám. May mắn vào năm 2007, gia đình tôi được vay 15 triệu đồng từ chương trình hỗ trợ hộ nghèo. Số tiền ấy, chúng tôi dùng để mua bò chăn nuôi và đầu tư vào trồng trọt, từ đó cuộc sống dần cải thiện”.
Nhờ chăm chỉ làm lụng, năm 2023, vợ chồng anh Nhủ chính thức thoát nghèo. Anh tiếp tục mạnh dạn vay thêm 100 triệu đồng từ chương trình dành cho các hộ mới thoát nghèo. Với nguồn vốn vay, anh mở rộng diện tích vườn su su lên 3.000 m², cải tạo đất, đầu tư vào giống cây và phân bón. Hiện nay, vườn su su đã đủ lớn để thương lái từ Tam Đảo tìm đến thu mua, đem lại nguồn thu ổn định hàng tháng. Bên cạnh đó, anh còn đầu tư thêm 3 con bò giống, từ đàn bò ban đầu, giờ đây gia đình đã có một đàn bò khỏe mạnh với 7 con. Nhờ vậy, tổng thu nhập từ trồng rau sạch, chăn nuôi bò, lợn của gia đình đạt từ 150-200 triệu đồng/năm, giúp cuộc sống ngày càng sung túc, ổn định.
Vợ chồng anh Đinh Công Nhủ (xã Quyết Chiến) hồ hởi chia sẻ với cán bộ NHCSXH huyện về thành quả vườn su su và đàn bò, nhờ nguồn vốn tín dụng đã giúp gia đình vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. (Ảnh: Thanh Hà) |
Tại xã Quyết Chiến, chúng tôi tiếp tục ghé thăm gia đình bác Đinh Công Khẩm. Từng thuộc hộ nghèo, với cuộc sống quanh năm chật vật chỉ đủ lo cơm áo qua ngày, năm 2015, bác Khẩm vay 12 triệu đồng từ NHCSXH để mua bò giống, bắt đầu xây dựng mô hình chăn nuôi. Đến năm 2020, bác vay thêm 50 triệu đồng để mở rộng quy mô. Những con bò khỏe mạnh, những bụi măng xanh tốt dần trở thành nguồn thu nhập ổn định, mang lại hy vọng cho cả gia đình. Đến năm 2023, gia đình bác chính thức thoát nghèo, đánh dấu bước ngoặt lớn trên hành trình vươn lên từ khó khăn.
Không dừng lại ở đó, bác Khẩm quyết định vay thêm 100 triệu đồng từ chương trình hỗ trợ các hộ mới thoát nghèo tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất. Bác mạnh dạn trồng thêm hơn 2,5ha măng đành hanh, 3.000m² su su và mua thêm 2 con bò giống. Đến nay, đàn bò của gia đình đã phát triển lên 6 con, vừa làm vốn, vừa là động lực để bác tiếp tục đầu tư, gây dựng. Những vụ măng xanh mướt, su su trĩu quả giúp gia đình bác có nguồn thu nhập đều đặn, trung bình 10 triệu đồng/tháng.
“Từ khi có chủ trương cho vay thoát nghèo, đời sống gia đình tôi khá hơn hẳn, không còn phải mặc áo cũ, bữa cơm cũng không còn đạm bạc như xưa,” bác Khẩm xúc động chia sẻ.
Không chỉ cải thiện về kinh tế, bác Khẩm còn vui mừng kể về căn nhà bê tông kiên cố mới xây, chấm dứt cảnh lo lắng mỗi khi mùa mưa bão đến. Niềm vui còn nhân lên khi con gái bác cũng tiếp tục vay vốn từ NHCSXH để gây dựng kinh tế riêng, mở ra một tương lai sáng hơn cho gia đình.
Dẫn lối tín dụng, giúp người dân tiếp cận nguồn vốn chính sách đúng lúc, đúng nhu cầu
Trong hành trình đưa chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng và Nhà nước đến tận tay người dân, vai trò của các Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn (TK&VV), Chủ tịch Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội cựu Chiến binh… là hết sức quan trọng. Chính họ là những người đi đầu trong việc chuyển tải tinh thần Chỉ thị 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn kịp thời. Họ không chỉ giúp người dân hiểu rõ chính sách, mà còn hướng dẫn, đôn đốc việc sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả, hỗ trợ các hộ vay trả nợ và lãi đúng kỳ hạn. Bằng sự tận tụy và hiểu rõ hoàn cảnh từng hộ, họ đã trở thành cầu nối vững chắc, tạo điều kiện để người dân thoát nghèo và vươn lên xây dựng kinh tế bền vững.
Cùng với cán bộ tín dụng, tổ TK&VV luôn đồng hành hỗ trợ người dân sử dụng vốn vay hiệu quả. (Ảnh: Thanh Hà) |
Bác Trần Quốc Uy, Tổ trưởng Tổ TK&VV với 59 tổ viên tại xóm 1, xã Tử Nê, không giấu được niềm tự hào khi nhắc đến những thành quả mà tổ mình đã đạt được nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách. Với tổng dư nợ 2,1 tỷ đồng, người Tổ trưởng này đã đồng hành cùng nhiều hộ gia đình trong Tổ vượt qua khó khăn. Gia đình anh Trần Văn Đợi, xóm 1, là một ví dụ điển hình. Từ nguồn vốn vay đầu tiên, anh Đợi đã đầu tư vào trồng bưởi và chăn nuôi bò, từng bước thoát nghèo, đến nay tiếp tục vay thêm 40 triệu đồng từ chương trình hỗ trợ mới thoát nghèo để mở rộng sản xuất.
Nhớ lại chặng đường mười năm trước, bác Uy chia sẻ: “Lúc ấy việc tuyên truyền về vốn vay ưu đãi không dễ dàng, nhiều hộ còn e ngại, chưa nhận thức rõ ràng về lợi ích của các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước. Nhưng nhờ Chỉ thị số 40/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, việc chuyển tải nguồn tín dụng chính sách được các cấp quan tâm, phối hợp sâu sát hơn. Người dân hiểu hơn về chính sách và sẵn sàng tham gia để cải thiện cuộc sống”.
Dưới sự tận tâm và dẫn dắt của bác Uy, Tổ TK&VV xóm 1 hiện chỉ còn duy nhất một hộ nghèo, đang vay 15 triệu đồng để phát triển chăn nuôi bò. “Nguồn vốn tín dụng chính sách đã tiếp thêm sức mạnh cho những hộ dân muốn vươn lên thoát nghèo,” bác Uy nói, ánh mắt đầy nhiệt huyết - “Chỉ thị 40 như một luồng sinh khí mới, giúp chúng tôi thêm vững tin khi đến từng nhà vận động. Bà con giờ hiểu hơn, tin tưởng vào chính sách và cùng nhau nỗ lực thoát nghèo, phát triển kinh tế một cách bền vững”.
Cùng với bác Trần Quốc Uy, anh Bùi Văn Toàn - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Quyết Chiến cũng là một trong những cán bộ tâm huyết trong việc đưa nguồn vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng. Nếu như bác Uy gắn bó sát sao với từng hộ dân tại Tử Nê để đưa vốn vay đến tận tay các tổ viên, thì anh Toàn cũng không ngừng hỗ trợ các cựu chiến binh xã Quyết Chiến, giúp họ tiếp cận nguồn vốn để phát triển kinh tế, thoát nghèo.
Hội Cựu chiến binh xã Quyết Chiến hiện có 146 hội viên với 5 chi hội, tổng dư nợ cho vay lên đến 4,46 tỷ đồng. Nhờ sự hướng dẫn và đồng hành của anh Toàn, nhiều gia đình cựu chiến binh từng gặp khó khăn nay đã có cơ hội phát triển. Trong 78 hộ hội viên đã vay vốn, có đến 71 hộ thoát nghèo thành công, tỷ lệ hộ nghèo hiện chỉ còn 7%. Đặc biệt, trong số các hộ đã thoát nghèo có 40 hộ tiếp tục vay thêm vốn mới để mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập. “Nguồn vốn không chỉ là sự trợ giúp tài chính mà còn là cơ hội cho các cựu chiến binh khẳng định bản lĩnh, vượt khó vươn lên làm chủ kinh tế gia đình,” anh Toàn chia sẻ.
Sự tận tâm và gắn bó của những cán bộ hội, đoàn thể giống như anh Toàn, bác Uy đã góp phần thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội của địa phương, giúp người dân xã Tử Nê và xã Quyết Chiến vươn lên, xây dựng kinh tế. Họ đã làm sống động tinh thần của Chỉ thị số 40/CT-TW, đưa nguồn tín dụng chính sách đi đúng hướng, hỗ trợ thiết thực cho những hộ gia đình khó khăn trên hành trình thoát nghèo và phát triển kinh tế bền vững.
(Còn tiếp…)