Tín dụng chính sách – chủ trương nhân văn đánh thức sức sống miền cao nguyên đá (Bài 1)
Bài 1: Gặt trái ngọt từ vốn chính sách
Vốn chính sách xây dựng thương hiệu Ocop
Vượt hàng trăm km đường rừng núi cheo leo hiểm trở, chúng tôi đến thăm hộ gia đình anh Hà Văn Ngọc – SN 1989, người Tày - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp thanh niên ở Bản Ké (thị trấn Yên Minh, huyện Yên Minh – Hà Giang) lúc trời đã xế chiều – đúng vào thời điểm anh và các thành viên trong HTX đang lùa gia súc, gia cầm về chuồng. Sau một hồi chuông gõ, hàng nghìn con gà đen từ trên đồi vừa bay, vừa chạy ào ào về chuồng rợp cả một không gian. Cùng với đó, hàng chục con bò vừa nhai lại, vừa đủng đỉnh phe phẩy đuôi cũng xếp hàng đi vào chuồng, mặc cho lũ dê vẫn nhẩn nha ăn cỏ bên bờ rào. Một cảnh tượng trù phú, no đủ hiện lên, xôn xao, quấy đảo cả một góc rừng đang dần tím thẫm vào hoàng hôn với hàng trăm cây xoài trồng xen kẽ giữa vườn ớt gió, bên cạnh hàng chục thùng nuôi ong xếp ngay ngắn.
Anh Hà Văn Ngọc - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp thanh niên đang giới thiệu về sản phầm gà đen Ocop |
Đón chúng tôi, anh Ngọc vồn vã, thao thao kể về hành trình thoát nghèo và làm giàu của mình một cách say mê xen lẫn tự hào. Năm 2017, sau khi học xong ngành học về nông nghiệp, Ngọc trở về quê kiếm việc làm, và đăng ký chương trình khởi nghiệp của Trung ương đoàn, được NHCSXH cho vay 50 triệu để nuôi dê, nuôi ong. Vừa khởi nghiệp được vài năm, sắp thu hoạch kết quả thì dịch bệnh COVID khiến tất cả lao đao. Cũng may lúc đó, công việc nuôi ong trên rừng không bị dịch bệnh làm gián đoạn, Ngọc đã tìm mọi cách xoay sở, đắp đổi để duy trì việc chăn nuôi. Năm 2022, sau khi trả nợ hết vốn vay lần thứ nhất, Ngọc được NHXSXH cho vay tiếp 100 triệu và bắt đầu mở rộng việc chăn nuôi trâu, bò, lợn gà, tiếp tục duy trì nuôi dê và ong. Dần dần anh cùng 12 thành viên trong hợp tác xã đã hình thành mô hình vừa chăn nuôi vừa trồng trọt. Hiện, anh có 5ha đất rừng, trồng 2.500 gốc xoài, xen lẫn với ớt, bồ kết, sắn để nuôi gà. Với khoảng 3.000 con gà đen, trang trại của Ngọc không đủ nguồn cung, vì cứ đến lúc xuất chuồng là có người vào mua tận nơi. Ngay cả cây bồ kết, dù chưa đến vụ thu hoạch, nhưng đã có đơn vị bao tiêu đầu ra.
Hiện, tổng toàn bộ trang trại gồm cây trồng và vật nuôi của anh có giá trị khoảng 2,5 tỷ đồng. Thu nhập của 12 thành viên trong HTX mỗi năm đạt khoảng 110 triệu đồng/người. Anh còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 6 lao động, với mức lương từ 4,5-6 triệu đồng/tháng. Ngọc còn cưu mang 2 vợ chồng bệnh nhân chạy thận Hầu Mỹ Hồ và Tào Thị Bân là người dân tộc Mông ở Cao Bằng. HTX của Ngọc hiện có 3 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó có 2 sản phẩm mật ong Ngọc Tuyên và 1 sản phẩm gà đen. Từ một hộ nghèo, Ngọc đã giúp gia đình và các thành viên trong HTX có công ăn việc làm, có thu nhập, không những thoát nghèo còn nâng cao đời sống vật chất cho bà con. Ngọc cũng là thanh niên tiêu biểu của huyện. “Em có được ngày hôm này đều nhờ từ những đồng vốn đầu tiên của NHCSXH. Không những cho vay vốn, các anh chị cán bộ của NHCSXH còn hỗ trợ, động viên em trong qua trình sản xuất. Thực sự đối với em và các thành viên trong HTX, vốn NHCSXH là điểm tựa, là động lực để vươn lên thoát nghèo”, Ngọc tâm sự.
Anh Vùi Văn Nghiệp thôn Đông Mơ, xã Đông Minh, huyện Yên Minh trao đổi với cán bộ NHCSXH |
Thoát nghèo và làm giàu từ vốn chính sách
Tại thôn Đông Mơ, xã Đông Minh, huyện Yên Minh, chúng tôi đến thăm nhà anh Vùi Văn Nghiệp – cũng là một hộ gia đình điển hình thoát nghèo và vươn lên làm giàu từ nguồn vốn của NHCSXH. Nghiệp tiếp chúng tôi với tâm thế ngượng nghịu vì không mời được đoàn vào nhà uống nước, do anh đang xây nhà mới. Nhìn nhóm thợ đang rộn ràng, hối hả khuân đá, trát vữa, chúng tôi thấy vui lây cho Nghiệp. “Cách đây 10 năm, qua Hội nông dân, em được vay 50 triệu từ NHCSXH để mua bò. Sau 1 năm, bò sinh con, bán được lứa đầu. Rồi cứ dần dần phát huy, sau 5 năm, trả nợ đúng hạn và cũng từ đó thoát nghèo”, Nghiệp kể.
Tuy nhiên, với Nghiệp, việc nuôi bò chỉ là khởi đầu. Sau khi có vốn, Nghiệp đi học lái xe máy xúc, có 3 năm đi lái máy xúc thuê. Năm 2024, Nghiệp vay 100 triệu, dồn thêm vốn tự có và vay mượn, mua máy xúc về tự mình làm chủ. Ai thuê gì cũng làm, từ đào đường, mương máng cho đến các công trình dân dụng nhỏ khác. Chiếc máy xúc giúp Nghiệp mỗi tháng có thêm cả chục triệu thu nhập. Hiện nay, trong chuồng có 6 con bò, Nghiệp đang xây nhà mới, để mua trang thiết bị sinh hoạt. Như vậy từ nghèo, nhờ vốn chính sách, Nghiệp đã thoát nghèo và đang làm giàu.
Cũng bắt đầu từ những đồng vốn vay NHCSXH để nuôi bò rồi tìm hướng đi mới, Sùng Mí Phìn là một điển hình thoát nghèo và làm giàu tại thôn Lũng Hoà B, xã Sả Phìn (huyện Đồng Văn). Phìn – người dân tộc Mông, gần 30 tuổi, tuy người nhỏ thó nhưng rất lanh lợi, thông minh, nói năng cực kỳ hoạt bát. Phìn cho biết bắt đầu “khởi nghiệp” với 50 triệu vay vốn từ NHCSXH năm 2018, mua bò để chăn nuôi. “Sau khi phát triển đàn bò từ 2 con lên 6 con, bán được mấy lứa, vừa trả nợ, lại có tiền tích luỹ, vợ chồng em đã nghĩ phải làm gì đó để phát triển hơn nữa, dựa trên lợi thế du lịch của xã. Sau nhiều trăn trở, em đã quyết định làm homestay theo phong cách ở và sinh hoạt của đúng người Mông để du khách trải nghiệm, và cho đến giờ, hướng đi này đang mang lại cho gia đình em kết quả tích cực”, Phìn chia sẻ. Theo đó, không chỉ đón các đoàn khách đến thăm, homestay Chai To (phát âm theo tiếng Mông có nghĩa là Chào đón) vãng lai, mà anh còn có khách quen là đoàn khách đến từ Đài Loan ( Trung Quốc) năm nào cũng đến nghỉ dưỡng. Để thêm trải nghiệm cho khách, Phìn còn thêm dịch vụ cho khách đi làm rẫy, gặt lúa, chặt củi hoặc trải nghiệm bẻ ngô, khoai sâm, ăn cơm nắm giữa rừng, “nuôi bò trên lưng” với những lần đi cắt, gùi cỏ voi về chăn bò… Ngoài ra, Phìn cũng có 1 xưởng làm bánh đá – cả 2 mô hình đã giúp duy trì việc làm cho khoảng 5 lao động là người trong thôn. Nhìn cơ ngơi và hoài bão của Phìn, cho thấy không chỉ kiến thức tài chính, mà tầm nhìn của anh cũng đã vượt xa so với cách đây 6 năm trước, thậm chí vượt ra ngoài biên giới của một xã, một huyện, thậm chí là 1 tỉnh miền núi.
Vợ chồng chủ homestay Chai to Sùng Mí Phìn đang giới thiệu với khách về sản phẩm bánh đá |
Chủ tịch UBND xã Sả Phìn, Hầu Mí Say cho biết trong xã còn có rất nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo và đi lên từ đồng vốn vay của NHCSXH. Bám vào lợi thế du lịch của huyện, với hướng đi riêng, không chỉ chăn nuôi, Sả Phìn đã hướng đến hình thức sản xuất kinh doanh khác: hướng dẫn cho hơn 20 hộ vay vốn làm du lịch, dệt thổ cẩm bảo tồn vải lanh truyền thống, trồng rau, buôn bán nơi kẻ chợ, bán nông sản phục vụ khách du lịch. Hiện, xã có 4 HTX: May mặc, Du lịch, Nông sản và HTX mật ong Bạc hà – đạt OCOP 3 sao. “Hiện nay, việc phát triển kinh tế vẫn đang mạnh ai nấy làm, nên tính hiệu quả vẫn chưa thực sự cao. Dự kiến trong thời gian tới, xã Sả Phìn sẽ liên kết với các xã để khai thác phục vụ du lịch, mà gần nhất và hiệu quả nhất là xã Sủng Là”, Chủ tịch xã Hầu Mí Say chia sẻ.
Dẫn chứng những “con số biết nói”, Chủ tịch UBND xã Sủng Là – Vàng Dỉ Xoáng cho biết là xã biên giới nghèo, vốn NHCSXH đã giúp phát triển chăn nuôi, trồng trọt, du lịch trên địa bàn xã, nâng cao thu nhập của người dân. Năm 2019, thu nhập của người dân trong xã là 19 triệu đồng/người, sau 5 năm, đến nay, thu nhập đã nâng lên 35 triệu đồng/người, phấn đầu đến giữa năm 2025 đạt 39 triệu đồng/người. Tương tự, lãnh đạo xã Đông Minh (huyện Yên Minh) cũng cho biết vốn chính sách tạo kế sinh nhai cho người nghèo và giúp đời sống bà con trong xã thay đổi rõ rệt: cuối 2023 còn 39% hộ nghèo, nay đã giảm còn 27% hộ nghèo, tức đã giảm 12%. “Từ kết quả nêu trên có thể khẳng định, việc ban hành và triển khai tổ chức thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng là chủ trương đúng đắn, có tính nhân văn sâu sắc, đặc biệt phù hợp với các huyện nghèo, các huyện ở khu vực đặc biệt khó khăn như nhiều huyện ở Hà Giang”, ông Đỗ Quốc Hương – Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn nhận định.