“Trái ngọt” từ chính sách tín dụng vì người nghèo của Đảng
Từ nỗ lực thực hiện chủ trương “vì người nghèo” của Đảng
Ngày 22/11/2014, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 40 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”, thể hiện quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong việc đề ra các chính sách chiến lược trong từng bước, từng giai đoạn và trong cả quá trình xây dựng và phát triển đất nước với mục tiêu dân chủ, hòa bình, phồn vinh và hạnh phúc.
Ngay sau khi Chỉ thị số 40 được ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể tỉnh kịp thời tổ chức phổ biến, quán triệt đến cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh, qua đó đã góp phần làm chuyển biến rõ nét nhận thức về vị trí, vai trò của tín dụng chính sách xã hội trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội và ổn định chính trị của địa phương.
Thực hiện chỉ đạo về tăng cường các nguồn lực thực hiện tín dụng chính sách xã hội, từ năm 2014 đến nay, tổng số vốn ngân sách địa phương đã chuyển 99.440 triệu đồng, nâng tổng số vốn đã chuyển sang Ngân hàng CSXH lên 102.162 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 2,07%/tổng nguồn vốn tín dụng. Nguồn vốn do Ngân hàng CSXH huy động đến 30/9/2024 là 280.969 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 5,66%/tổng nguồn vốn tín dụng, tăng 253.752 triệu đồng so với năm 2014. Nguồn vốn từ cuộc vận động vì người nghèo do MTTQ phát động, nguồn vốn có tính chất từ thiện và các nguồn vốn khác là 1.204 triệu đồng.
Ông Lường Văn Thành vui mừng khi vườn dâu tây chỉ qua 02 vụ đã thu hoạch gần 100 triệu đồng |
Cùng với sự tích cực triển khai của Ngân hàng CSXH và chính quyền cơ sở
Ngân hàng CSXH tỉnh Điện Biên đã phối hợp, hàng năm mở các lớp tập huấn về nghiệp vụ quản lý hoạt động tín dụng chính sách xã hội, nghiệp vụ ủy thác thực hiện tín dụng chính sách cho Chủ tịch UBND xã, lãnh đạo và cán bộ các tổ chức chính trị - xã hội, lãnh đạo Ban giảm nghèo xã, trưởng thôn/bản, ban quản lý tổ TK&VV... với hàng ngàn lượt người tham dự, qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kỹ năng quản lý và kỹ năng thực hiện nghiệp vụ nhận ủy thác trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội của các cấp, các ngành.
Tính đến 30/9/2024, các đơn vị nhận ủy thác đang quản lý 4.943,6 tỷ đồng dư nợ, chiếm 99,7% tổng dư nợ tín dụng chính sách, với 78.231 khách hàng đang dư nợ. Cùng với hoạt động tín dụng, các đơn vị nhận ủy thác đã phối hợp triển khai công tác tuyên truyền, vận động gửi tiền tiết kiệm thông qua tổ TK&VV với hình thức gửi góp hàng tháng, qua đó từng bước tạo lập ý thức tiết kiệm cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đến tháng 9/2024, có 2.171 tổ TK&VV có số dư tiết kiệm 76.719 triệu đồng, đã đóng góp một phần vốn để tạo lập quỹ cho vay.
Tại Điện Biên, tất cả các giao dịch của Ngân hàng CSXH về tài chính, tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác được thực hiện tại Điểm giao dịch cố định đặt tại các UBND xã, phường, thị trấn (129 điểm giao dịch/129 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh). Tại điểm giao dịch đều công khai các chính sách tín dụng ưu đãi, đối tượng thụ hưởng, thủ tục giải quyết công việc, số dư nợ vay của các hộ dân. Người vay giao dịch trực tiếp với Ngân hàng CSXH vào ngày cố định hàng tháng để vay vốn, trả nợ, gửi tiền tiết kiệm…. Qua đó, hoạt động tín dụng chính sách xã hội dưới sự giám sát trực tiếp của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội và của nhân dân, tạo lòng tin của nhân dân đối với các chính sách của Đảng, Nhà nước. Đồng thời, cấp ủy, chính quyền cơ sở có điều kiện tiếp xúc nhiều hơn với dân, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của người dân. Ban Giảm nghèo xã có thể áp dụng các giải pháp đồng bộ, có hiệu quả để thực hiện các chính sách an sinh xã hội, góp phần ổn định an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội tại cơ sở.
Đến những …“trái ngọt”
Về Mường Phăng hôm nay, du khách thập phương không chỉ thăm căn cứ kháng chiến làm nên một Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” mà còn được tận mắt chứng kiến sự thay da đổi thịt của một vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Những con người nơi đây không chỉ mang theo niềm tự hào về truyền thống cách mạng mà còn thật sự biết ơn Đảng, Nhà nước đã luôn chăm lo đến cuộc sống của những người nghèo, giúp họ tự vươn lên thoát nghèo, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.
Một trong số những hộ gia đình được hưởng “trái ngọt” đó phải kể đến gia đình ông Lường Văn Thành ở bản Phăng 2, xã Mường Phăng, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. 10 năm chỉ là khoảng thời gian ngắn nhưng đã làm thay đổi cả cuộc đời của gia đình ông. Những thành quả mà gia đình ông có được hôm nay đã là minh chứng cụ thể về hiệu quả vay vốn Ngân hàng CSXH để phát triển kinh tế gia đình bằng mô hình trồng cây ăn quả.
Từ một gia đình truyền kiếp thuần nông, gia đình ông Lường Văn Thành đã quen với cảnh ruộng vườn, cày cấy. Với đất đai cha ông để lại gồm khoảng 3.000m2 ruộng, và 5.000m2 vườn, vợ chồng chăm chỉ ngày đêm, trồng lúa, trồng rau… thu nhập bấp bênh, phụ thuộc thời tiết và mùa vụ.
Với nguồn vốn vay 50 triệu đồng thuộc chương trình Hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn, gia đình ông Thành đầu tư đào ao, nuôi cá, hàng năm cũng có thêm thu nhập, cơ bản đủ trang trải chi phí của gia đình gồm 6 nhân khẩu với bố mẹ già và 2 đứa con còn nhỏ. Dù vậy, do không có tích lũy nên vẫn rất khó khăn về nguồn vốn khi muốn đầu tư để chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Trong khi đó, đến năm 2019 xã Mường Phăng đạt chuẩn nông thôn mới nên gia đình ông không còn được tiếp tục vay vốn đối với chương trình Hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn, việc tiếp cận vốn vay của ngân hàng khác cũng khó...
Thế rồi, một bước ngoặt lớn đã thay đổi cái thói quen nhiều đời nay trong ông. Sau một thời gian nghiên cứu về điều kiện tự nhiên, khí hậu và nhu cầu thị trường, ông Thành mong muốn có vốn để đầu tư chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế cao, cũng là lúc hệ thống chính trị ở địa phương vào cuộc quyết liệt triển khai thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng với việc tăng cường nguồn vốn ủy thác để cho vay. Được xem xét vay vốn tới 100 triệu đồng từ nguồn vốn này, ông đã quyết tâm đầu tư trồng dâu tây và thành công đã đến ngoài sự mong đợi của gia đình. Chỉ qua 02 vụ thu hoạch, thu nhập của gia đình ông từ quả dâu tây được gần 100 triệu đồng. Với ý tưởng lấy ngắn nuôi dài, cùng với kiến thức và kinh nghiệm trồng trọt tiếp thu qua các lớp tập huấn khuyến nông do xã tổ chức, ông đã thực hiện khoanh vùng khu trồng dâu tây và mạnh dạn đầu tư trồng thêm cây nho đen. Đến nay, gia đình ông đã chuyển đổi diện tích 3.000m2 đất vườn trồng rau sang trồng dâu tây và nho đen (trong đó diện tích trồng cây dâu tây là 2.000m2 và trồng cây nho là 1.000m2). Năm 2024 và các năm tiếp theo, ông dự định tập trung vào phát triển trồng cây nho đen có giá trị kinh tế cao, dễ bảo quản, thị trường tiêu thụ lớn…
Có được thành quả hôm nay, gia đình ông Thành cám ơn Đảng, Chính phủ đã ban hành các quyết sách đúng đắn, phù hợp với thực tiễn và đáp ứng mong mỏi của người dân trong nỗ lực vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình, cám ơn Ngân hàng CSXH đã tổ chức giao dịch tại UBND xã, tạo điều kiện rất thuận lợi cho gia đình ông trong quá trình vay vốn để sản xuất, chuyển đổi cây trồng. Ông luôn ghi nhớ sự quan tâm, hỗ trợ của hệ thống chính trị địa phương, đặc biệt hội Nông dân thành phố Điện Biên Phủ và xã Mường Phăng đã tận tình hỗ trợ, tư vấn để gia đình ông sử dụng tiền vay hiệu quả.
Với những thành tích đạt được, ông Thành vinh dự được phát biểu tham luận tại Hội nghị Tổng kết 10 năm triển khai Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội” do Tỉnh uỷ Điện Biên tổ chức.