Các trụ cột hỗ trợ chính
Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam, ông Andrew Jeffries nhận định, Việt Nam đã vượt qua đại dịch Covid-19 tương đối tốt và đang hưởng lợi từ các nền tảng kinh tế, thương mại và đầu tư mạnh mẽ, cũng như quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ. “Bất chấp những tiến bộ đạt được, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm năng lực cạnh tranh của khu vực tư nhân, nhu cầu tài trợ đầu tư cho cơ sở hạ tầng và tính dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu và thiên tai. CPS này được thiết kế để định vị ADB như một đối tác đáng tin cậy, phù hợp và có khả năng đáp ứng của Việt Nam, giúp Việt Nam trong nỗ lực đạt được tăng trưởng xanh và do khu vực tư nhân dẫn đầu”, ông Andrew Jeffries cho biết.
Thông qua tập trung vào việc thúc đẩy tăng trưởng bao trùm, tăng trưởng xanh và do khu vực tư nhân dẫn đầu, CPS 2023-2026 sẽ giúp đáp ứng các ưu tiên của Việt Nam về phục hồi kinh tế sau đại dịch, phát triển kinh tế, xã hội và ứng phó với biến đổi khí hậu. Chiến lược này có hai trụ cột (cụm chiến lược) chính: 1/Hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế xanh; 2/Thúc đẩy khai thác khu vực tư nhân và thúc đẩy công bằng xã hội.
Ở trụ cột thứ nhất, ADB sẽ giúp Việt Nam xem xét lại khuôn khổ của mình, áp dụng cách tiếp cận toàn diện để chuyển đổi sang nền kinh tế xanh để đạt được mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050. Ngoài ra, ADB sẽ hợp tác với Việt Nam trong việc khám phá các giải pháp sáng tạo để phát triển thị trường carbon và tài chính xanh, chẳng hạn như trái phiếu xanh và công cụ, nguồn lực tài chính xanh để thúc đẩy đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng bền vững. Theo đó, trụ cột này sẽ gồm hai cấu phần chính: Phục hồi và kinh tế xanh (carbon thấp); và Khả năng chống chịu với khí hậu và thiên tai.
Để thúc đẩy tăng trưởng do khu vực tư nhân dẫn dắt, ADB sẽ hỗ trợ quá trình cải cách DNNVV thông qua tư vấn chính sách cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư; sử dụng Chương trình tài trợ thương mại của mình để giúp các doanh nghiệp khu vực tư nhân hội nhập với các chuỗi giá trị toàn cầu; cung cấp hỗ trợ kỹ thuật để giúp Việt Nam vận hành Luật Đối tác công - tư (PPP) mới; tư vấn thực hiện Luật Hỗ trợ DNNVV và thực hiện cải cách quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc chính thức hóa khu vực phi chính thức nhằm tăng số lượng doanh nghiệp quy mô vừa…
Các lĩnh vực có tính giao thoa giữa hai cụm chiến lược (mục tiêu) trên như vấn đề tài chính bao trùm, bình đẳng giới, các sáng kiến chuyển đổi số, quản trị, hợp tác và hội nhập khu vực… cũng sẽ được ADB quan tâm hỗ trợ. Đơn cử, ADB sẽ hỗ trợ phát triển thị trường tài chính tại Việt Nam, đặc biệt là thị trường TPDN, bằng cách củng cố các tổ chức xếp hạng tín nhiệm và khai thác các phương thức đổi mới cho tài chính xanh; cung cấp hỗ trợ kiến thức về công nghệ tài chính để hướng tới tài chính bao trùm; tăng khả năng tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ…
Hướng đến những mục tiêu dài hạn
Về quản trị, ADB sẽ hỗ trợ Việt Nam trong quản lý tài chính công, mua sắm công. Trong đó, ADB sẽ giúp tăng cường năng lực dự báo doanh thu và lập ngân sách thu ngân sách của các tỉnh; giúp xác định các sửa đổi cần thiết liên quan khuôn khổ phân bổ chi tiêu giữa các cơ quan Chính phủ; hỗ trợ tư vấn cải cách thuế để tăng cường huy động nguồn lực trong nước; hỗ trợ thực hiện các hoạt động quản lý đầu tư công về chính sách và thủ tục; phối hợp với các bên để tiến hành đánh giá toàn diện hệ thống mua sắm công để cải cách mua sắm công và lộ trình để phát triển một hệ thống mua sắm công đáng tin cậy…
CPS 2023-2026 nhấn mạnh: Những thay đổi sâu rộng của Việt Nam trong giai đoạn 2016-2020 và những mục tiêu kỳ vọng Việt Nam đặt ra cho giai đoạn 2021- 2030 đã làm thay đổi nhu cầu tài chính phát triển và dẫn đến yêu cầu phải có những cải cách chính sách bổ sung, bao gồm cả quy định về hỗ trợ phát triển chính thức (ODA). Do đó, CPS 2023-2026 được thiết kế để định vị lại những hỗ trợ của ADB nhằm ứng phó hiệu quả với bối cảnh đang thay đổi của Việt Nam. Theo đó, cách tiếp cận hoạt động mới của CPS sẽ dựa trên ba định hướng cơ bản: (i) Áp dụng cách tiếp cận cấp tỉnh (cấp địa phương) trong khi vẫn giữ trọng tâm cấp quốc gia nhằm đáp ứng việc quản lý ODA phi tập trung; (ii) Thúc đẩy sự hiệp lực, kết hợp lớn hơn giữa các hoạt động có bảo lãnh Chính phủ và không có bảo lãnh. CPS sẽ tích hợp các phương thức hỗ trợ tài chính và các dịch vụ tư vấn có bảo lãnh, không có bảo lãnh và giao dịch PPP để giúp giải quyết tốt nhất các nhu cầu của Việt Nam; (iii) Tăng cường vai trò của Cơ quan đại diện thường trú ADB tại Việt Nam để phù hợp với cách tiếp cận mới và tăng cường hơn nữa hiệu quả hợp tác.
Theo ADB, hiện Việt Nam là một trong những quốc gia thành viên đang phát triển nhóm C, đủ điều kiện vay Quỹ Nguồn vốn vay thông thường (OCR). Các nguồn lực cam kết hàng năm sẽ phụ thuộc vào nhu cầu của Việt Nam, chất lượng đầu vào của dự án, mức độ sẵn sàng của dự án, hiệu quả hoạt động của ngành và năng lực hấp thụ... Thỏa thuận chia sẻ chi phí (về mặt chia sẻ) cho Việt Nam sẽ cho phép ADB tài trợ tối đa 65% cho các khoản vay và 70% cho tư vấn kỹ thuật và các khoản viện trợ không hoàn lại khác.
Chiến lược CPS này sẽ hỗ trợ Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030; Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 2021-2025; Chương trình phục hồi giai đoạn 2022-2023 của Việt Nam. CPS này cũng phù hợp với Các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) và phù hợp với các ưu tiên hoạt động của ADB trong Chiến lược đến 2030. Cụ thể, khoảng 80% - 90% các dự án cho vay Chính phủ mới trong khuôn khổ CPS 2023-2026 sẽ tập trung vào giảm nghèo và bất bình đẳng. Gần như tất cả các dự án cho vay có bảo lãnh Chính phủ cho các doanh nghiệp trong lộ trình 2023-2026 sẽ liên quan đến việc thúc đẩy bình đẳng giới và thích ứng và/hoặc giảm thiểu biến đổi khí hậu. Khoảng 50% dòng vốn cho vay có bảo lãnh Chính phủ và 90% dòng vốn cho vay không có bảo lãnh sẽ hỗ trợ tăng cường năng lực quản trị và thể chế, và 20%-25% dòng cho vay có bảo lãnh hướng đến giúp thúc đẩy hợp tác và hội nhập khu vực.
ADB cho biết, sẽ sử dụng “Khung kết quả Quốc gia” đã được thiết lập trong CPS này để xác định mối liên hệ giữa mỗi kết quả CPS cần đạt được và các ưu tiên hoạt động cụ thể; đồng thời là cơ sở để giám sát tiến độ thực hiện CPS. ADB sẽ có các báo cáo về tiến độ, bao gồm cả kết quả tư vấn và điều chỉnh Khung kết quả khi cần thiết trong quá trình cập nhật CPS giữa kỳ.
Đỗ Lê
Nguồn: