Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần đồng bộ, hiệu quả
Đà Nẵng phấn đấu tăng trưởng cả năm 2024 khoảng 7,5% - 8% Những làn sóng dịch chuyển trên thị trường bất động sản Đà Nẵng |
“Sức khỏe” doanh nghiệp vẫn chưa ổn
Cụ thể, kinh tế thành phố quý II/2024 tăng trưởng 8,35%, 6 tháng đầu năm tăng trưởng 5%. Thời gian qua, thành phố cũng đã triển khai nhiều chương trình, chính sách để tháo gỡ vướng mắc về quy hoạch, thủ tục đầu tư, nghĩa vụ tài chính... đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, khơi thông các nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng.
Tuy nhiên, nhìn chung tốc độ tăng trưởng GRDP của địa phương vẫn còn thấp so với mục tiêu. Trong đó, một trong những nguyên nhân quan trọng là do cộng đồng doanh nghiệp ở địa phương còn gặp nhiều khó khăn, thách thức… Mới đây, tại kỳ họp thứ 19, HĐND TP. Đà Nẵng khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026, ông Lê Văn Trung, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Đà Nẵng cho biết, tại địa phương, số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể và rút lui khỏi thị trường vẫn không ngừng tăng trong thời gian qua.
Cụ thể, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động tăng 15,4% so với cùng kỳ (tương đương 3.072 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc). Từ đầu năm đến nay, có 278 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện hoàn tất thủ tục giải thể, rút lui khỏi thị trường, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2023. Bên cạnh, thành phố cũng tiến hành thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đối với 6 doanh nghiệp với số vốn giảm 530,8 tỷ đồng.
Với những con số kể trên, rõ ràng “sức khoẻ” của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn đang còn nhiều vấn đề. Trong khi đó, “sức khỏe” của doanh nghiệp cũng chính là thước đo, góp phần quan trọng vào việc phục hồi, phát triển kinh tế. Cũng theo ông Trung, việc nhiều doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường sẽ có những tác động tiêu cực đến việc làm của công nhân, người lao động. Bởi vậy, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn chính quyền thành phố có giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn về cơ chế, điều kiện, chính sách để doanh nghiệp trên địa bàn vượt qua khó khăn hiện nay.
|
Chính sách hỗ trợ chưa đủ mạnh
Được biết, trên địa bàn Đà Nẵng có hơn 40.000 doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký hơn 257.000 tỷ đồng.
Chia sẻ khó khăn, hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp, Đà Nẵng cũng đã có thêm nhiều chính sách tích cực. Cụ thể, từ năm 2021 đến nay, thành phố đã và đang triển khai 38 văn bản gồm 7 nhóm chính sách do Trung ương ban hành và 18 văn bản gồm 11 chính sách do địa phương ban hành. Các chính sách này cùng hướng đến mục tiêu tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp vượt khó.
Song trên thực tế khi thực hiện vẫn còn nhiều hạn chế. Một số, chính sách hỗ trợ chưa đủ mạnh khiến cho cộng đồng doanh nghiệp không mặn mà tham gia. Điều này dẫn đến tình trạng số lượng doanh nghiệp có thể tiếp cận để thụ hưởng chính sách còn hạn chế…
Về điều này, ông Lương Công Tuấn, tổ đại biểu HĐND thành phố, đơn vị quận Hải Châu lấy ví dụ, chính sách hỗ trợ khuyến công theo Nghị quyết 324/2020/NQ-HĐND, xúc tiến thương mại theo Quyết định 13/2016/QĐ-UBND, đổi mới công nghệ trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ theo Nghị quyết 18/2016/NQ-HĐND… còn thấp hơn mức chi hỗ trợ của Trung ương. Điều này, dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp hờ hững không muốn tham gia.
Thực tế, việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại. Trong đó, nổi lên là công tác tuyên truyền, mặc dù đã có sự quan tâm thực hiện nhưng chưa thường xuyên, liên tục. Nhiều chính sách còn rời rạc, chưa được kết nối một cách tổng thể. Các quy định về hồ sơ, thủ tục rườm rà, điều kiện để thụ hưởng chính sách còn khắt khe và có nhiều bất cập… Thậm chí, có doanh nghiệp còn ngại tiếp cận các chính sách hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách bởi có những quy định gây khó. Chưa kể, khi doanh nghiệp nhận hỗ trợ từ ngân sách nhà nước sẽ cần “tăng cường” thêm hoạt động kiểm tra, kiểm toán…
Trước những bất cập nêu trên, đại diện nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố mong muốn, cơ quan chức năng ở địa phương cần sớm rà soát lại các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đang triển khai; xem xét các bất cập, cần điều chỉnh những gì… Trên cơ sở đó từng bước hoàn thiện các chính sách, nhằm hướng tới mục tiêu phát huy được hiệu quả trong thực tế, thực sự là “cú hích” để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua những khó khăn.